Thứ 6, 26/04/2024 14:00:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 11:07, 13/05/2015 GMT+7

Có nên cho chuyển giới?

Thứ 4, 13/05/2015 | 11:07:00 94 lượt xem

BP - Tại Điều 40 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi là những quy định về quyền xác định lại giới tính, với nội dung như sau: 1. Cá nhân là người thành niên có quyền được xác định lại giới tính trong trường hợp luật quy định. 2. Người đại diện theo pháp luật chỉ có quyền yêu cầu xác định lại giới tính của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi trong các trường hợp luật định. 3. Việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật. 4. Phương án 1: Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới. Phương án 2: Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật.

Như vậy, về vấn đề chuyển giới, dự luật đã đưa ra 2 phương án: Thứ nhất là Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới. Thứ hai là trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Ngay sau khi dự thảo được công bố, dư luận xã hội về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau. Thậm chí có không ít ý kiến trái chiều. Cụ thể, có nhiều người cho rằng nên cho phép được chuyển giới. Vì nhu cầu được chuyển giới cũng là một trong những quyền của cá nhân. Đồng thời, Nhà nước nên cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh tại Việt Nam được thực hiện những kỹ thuật để can thiệp chuyển đổi giới tính cho cả những người bị hoặc không bị khuyết tật giới tính. Tuy nhiên, những ai được thực hiện, thực hiện như thế nào và giải quyết trường hợp những người đã đi nước ngoài để chuyển giới thì Chính phủ cần phải có nghị định riêng hướng dẫn thực hiện về nội dung này.

Còn theo ý kiến của cá nhân tôi thì trong dự thảo không nên đưa ra phương án 2, tức là chỉ nên quy định rõ rằng “Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới”. Vì việc chuyển giới hiện nay đang là vấn đề phức tạp, do việc đổi giới tính không chỉ làm thay đổi bề ngoài sinh học mà còn có những thay đổi về mặt tâm lý, xã hội đối với cơ thể và giới tính mới. Thứ hai là những người khuyết tật bẩm sinh hoặc không có khuyết tật về giới tính nhưng có nhu cầu chuyển giới trong xã hội hiện nay không nhiều. Vì vậy, pháp luật không cần thiết phải điều chỉnh vấn đề này.

Hơn nữa, việc chuyển giới cần có quá trình kiểm tra tâm lý lâu dài và điều trị hoóc môn nội tiết trước và sau khi phẫu thuật. Và thực tế đã có không ít trường hợp sau khi chuyển đổi giới tính xong, người đó lại muốn quay về giới tính ban đầu vì không thể thích nghi được trong cơ thể mới và những trở ngại trong chuyện hòa nhập xã hội. Và như vậy không những gây khó khăn cho chính người chuyển giới mà còn mang phức tạp đến cho công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, hộ khẩu. Mặt khác, nếu ghi nhận quyền được “chuyển giới” sẽ kéo theo các phức tạp về mặt pháp lý, đặc biệt là trong quan hệ hôn nhân gia đình. Do vậy, tôi đề xuất ý kiến là theo quy định như phương án 1 là hợp lý.

Bên cạnh đó, quy định như phương án 2 cũng chưa thực sự bảo đảm tính minh bạch của quy phạm pháp luật. Cụ thể là trong nội dung của phương án này không quy định “trong trường hợp luật quy định” là những trường hợp nào và “theo quy định của pháp luật” là quy định nào?

Từ lý do nêu trên, tôi đề xuất ở nội dung của Điều 40 trong dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi không nên để phương án 2 và giữ nguyên quy định như trong Bộ luật dân sự hiện hành.          

H.P

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu