Thứ 6, 26/04/2024 16:11:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:19, 22/11/2018 GMT+7

Chuyện về Lê Hy Tông

Thứ 5, 22/11/2018 | 08:19:00 3,623 lượt xem

BP - Lê Hy Tông (1662-1716), tên húy là Lê Duy Hợp, là con của vua Lê Thần Tông. Năm 1675, vua Lê Gia Tông mất khi mới 14 tuổi và không có con nối dõi. Chúa Trịnh lúc bấy giờ là Trịnh Tạc liền lập Lê Duy Hợp lên làm vua, hiệu là Lê Hy Tông, đặt niên hiệu là Vĩnh Trị, đến năm Canh Thân (1680) đổi niên hiệu là Chính Hòa. Lê Hy Tông lên làm vua giữa lúc cuộc chiến Trịnh - Nguyễn đã ngừng được 3 năm, trong khi đó, tàn dư của nhà Mạc ở Cao Bằng cũng sắp đến ngày bị tiêu diệt và đến năm 1677 thì bị tiêu diệt hoàn toàn.

Quyền hành triều chính lúc này do chúa Trịnh Tạc nắm. Trịnh Tạc quy định rõ ràng chức năng của lục bộ gồm: Bộ Lại, bộ Lễ, bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình và bộ Công. Tam ty trấn gồm ty Đô tổng binh sứ, ty Thừa chính sứ, ty Hiến sát sứ. Trong đó ty Đô tổng binh sứ coi việc binh ở ngoài biên ải, chống giữ nơi xung yếu, trị giặc cướp trong hạt; ty Thừa chính coi việc quân dân, kiện tụng, hộ khẩu trong hạt; Ty Hiến sát sứ thì chuyên việc tâu bày, thăm dò khám xét, tra hỏi, xét xử, tuần hành trong hạt. Nhìn chung tình hình kinh tế, chính trị - xã hội những năm đầu vua Lê Hy Tông, chủ yếu là dựa vào chúa Trịnh Tạc, vua Lê Hy Tông ngồi trên ngai vàng giữ nghiệp cũ của cha ông để lại mà yên hưởng. Tuy nhiên, vua Lê Hy Tông cũng chú trọng chăm lo đời sống nhân dân trong nước lúc bấy giờ.

Về văn hóa, giáo dục: Dưới thời vua Lê Hy Tông việc thi cử để kén chọn nhân tài cũng rất được coi trọng. Trường thi hương được đặt ở trấn, trường thi hội, thi đình được đặt ở kinh đô. Qua thi cử dưới thời vua Lê Hy Tông cũng chọn được rất nhiều hiền tài, trong số đó có Nguyễn Quý Đức đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1676; Nguyễn Đăng Đạo đỗ trạng nguyên khoa thi năm 1683; Vũ Thạnh đỗ thám hoa khoa thi năm 1685; Hà Tông Mục đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1688; Nguyễn Công Cơ đỗ tiến sĩ khoa thi năm 1697...

Là quốc gia nông nghiệp, trồng lúa nước là chủ yếu nên việc tưới tiêu cho ruộng đồng không chỉ là mối quan tâm lớn của người nông dân mà được cả các vị quân vương nước Việt đặc biệt chú trọng bởi nông nghiệp là ngành sản xuất chủ đạo của quốc gia: “Phi nông bất ổn”. Để giảm bớt khó nhọc cho nhà nông, tạo thuận lợi hơn trong hoạt động mùa màng, nhất là trong hoàn cảnh hạn hán ở nhiều nơi nên tháng 10-1687, vua Lê Hy Tông sai làm xe nước. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: Mùa đông, tháng 10, không mưa. Triều đình sai các quan ở kinh đô đi về các đạo xem xét địa thế, làm xe nước để tưới ruộng, khám những ruộng lúa bị thiệt hại, bàn việc khoan xá bởi năm đó lúa thu hoạch ít, giá gạo tăng vọt. 

Không rõ xe nước ban đầu được chế tạo như thế nào, có hình dạng ra sao nhưng có lẽ cũng không khác mấy so với xe nước vẫn còn được sử dụng tại nhiều vùng nông thôn, miền núi ở nước ta như vùng Tây Bắc, Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Xe nước thường được dựng ở các khe nước, sông nhỏ, được làm chủ yếu bằng tre, gỗ làm trục, giá đỡ, máng... và dựa vào sức đẩy của nước để quay tròn những bánh xe. Trên những bánh xe có gắn nhiều ống có độ nghiêng thích hợp, bánh xe quay múc nước vào ống rồi đổ vào hệ thống máng nước, từ máng nước theo mương nước để chảy vào đồng ruộng. Tùy theo cường độ và lưu lượng của dòng nước mạnh hay nhẹ và nhu cầu nước cung cấp cho ruộng đồng mà người ta làm xe nước có nhiều hay ít bánh xe, ống nước.

Sau 30 năm làm vua trong cảnh đất nước thanh bình, vào năm Ất Dậu (1705), vua Lê Hy Tông nhường ngôi cho thái tử Lê Duy Đường để lên làm thái thượng hoàng và sống trong cảnh an nhàn. Đến năm 1716, ông bị bệnh rồi mất, hưởng dương 54 tuổi. Sau khi mất, thi hài của vua Lê Hy Tông được an táng tại Phú Lăng, xã Phú Lâm, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Lời bàn:

Lê Hy Tông là hoàng đế thứ 21 của nhà Hậu Lê và là vị vua thứ 10 thời Lê trung hưng. Các vị vua thời này như: Chân Tông, Huyền Tông, Gia Tông đều là vua thiếu niên và mất sớm. Còn các vua Thế Tông, Thần Tông, Dụ Tông, Thuần Tông và nhất là Hiển Tông (Cảnh Hưng) sau này phần lớn là những ông vua “khoanh tay rủ áo”. Vì mọi chính sách từ ngoại giao, kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa đều do họ Trịnh quyết định. Với công lao đánh bại nhà Mạc phục hưng nhà Lê vào năm 1600, Trịnh Tùng chính thức xác lập địa vị là “chúa”, lập phủ riêng. Từ đây, họ Trịnh lập ra hệ thống tổ chức chính quyền ở phủ chúa tương ứng với chính quyền có sẵn bên cung vua, ngoài cung vua phía Đông còn có phủ chúa ở phía Tây.

Mặc dù làm vua trong hoàn cảnh ấy, song Lê Hy Tông là vị vua duy nhất của thời Lê trung hưng để lại dấu ấn khá đậm nét trong lịch sử dân tộc. Ông được sử sách đánh giá là người nối giữ được nghiệp cũ, ngồi yên mà trị. Chính sự hơn trước, thưởng phạt nghiêm minh, công khanh đều xứng chức, quan lại giữ phép, nhân dân yên nghiệp, bình trị hơn cả các đời trong thời Trung hưng. Được như vậy là nhờ biết lo cho dân, bởi chính dân mới là người làm nên lịch sử. Không có quan thì làm vua với ai và không có dân thì cũng chẳng lấy ai mà làm quan. Vì thế không có dân thì cũng chẳng có vua. Tiếc rằng thời phong kiến không mấy vị vua hiểu và làm được điều này.

N.D

  • Từ khóa
110118

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu