Thứ 7, 27/04/2024 05:17:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:03, 04/09/2019 GMT+7

Chất thêm nỗi lo cho năm học mới

Thứ 4, 04/09/2019 | 09:03:00 212 lượt xem
BP - Ngày khai giảng năm học 2019-2020 đã cận kề. Năm nay, xấp xỉ 35% trong số khoảng 1,3 triệu giáo viên trên cả nước có những nỗi lo mới - không phải làm thế nào để học sinh của mình trở thành “con ngoan trò giỏi” như mọi khi, mà nỗi lo lắng về chính mình năm học sau còn được đứng trên bục giảng nữa không.

2019-2020 là năm học cuối cùng Luật Giáo dục 2005 còn hiệu lực, vì Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020. Trong số khá nhiều điểm mới của Luật Giáo dục 2019, có một quy định liên quan đến toàn bộ đội ngũ giáo viên, là Điều 72 quy định giáo viên mầm non phải có bằng cao đẳng sư phạm (trước đây chỉ trung cấp sư phạm); giáo viên tiểu học phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ trung cấp sư phạm); giáo viên THCS phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây chỉ cao đẳng sư phạm hoặc bằng cao đẳng ngành khác nhưng có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm); giáo viên THPT phải có bằng cử nhân sư phạm (trước đây có bằng đại học ngành khác và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng được chấp nhận)...

Quy định việc sử dụng nhà giáo chưa đủ chuẩn hiện cũng chưa được ban hành. Vì thế, xấp xỉ một nửa triệu giáo viên chưa đủ chuẩn theo luật mới như thống kê của ngành giáo dục tập trung chủ yếu ở bậc học mầm non, tiểu học, THCS - đang đứng ngồi không yên. Cho dù ngay sau khi Luật Giáo dục 2019 ban hành tháng 6-2019, họ có tức tốc đăng ký học các khóa đào tạo nhằm hoàn thiện bằng cấp, chưa nói tới chất lượng sẽ như thế nào và có đủ lớp đáp ứng nhu cầu lớn như thế hay không, chỉ riêng về thời gian cũng không kịp bổ sung cho năm học 2020-2021. Bởi không có khóa đào tạo nào từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học hoặc học thêm văn bằng hai cử nhân chỉ trong 1 năm là xong. Đó là chưa nói đến họ chỉ có thể theo học các khóa tại chức, từ xa... để còn có thể hoàn thành được nhiệm vụ đứng lớp hằng ngày.

Năm học 2018-2019, cả nước thiếu 68.846 giáo viên, chủ yếu lại ở các bậc học giáo viên chưa đủ chuẩn, gồm thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học... Tình trạng thừa - thiếu giáo viên diễn ra cục bộ ở từng vùng miền, địa phương, nên có nơi thừa nhiều nhưng có nơi thiếu rất nhiều. Những nơi thiếu, hẳn nhiên giáo viên chưa đủ chuẩn cũng sẽ chiếm tỷ lệ cao hơn. Vì thế áp lực ở những khu vực này càng mạnh hơn với cả nhà quản lý khi không tìm được giáo viên thay thế hoặc đứng lớp thay và với cả giáo viên khi họ không có điều kiện thuận lợi để tham gia các khóa học nâng chuẩn.

Không chỉ chuẩn bằng cấp, bắt đầu từ năm học 2019-2020, Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ngày 22-8-2018 của Bộ GD-ĐT quy định chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên gồm 5 tiêu chuẩn và 15 tiêu chí cũng chính thức được áp dụng. Đó là hàng loạt tiêu chuẩn về phẩm chất nhà giáo; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường - gia đình - xã hội; ngoại ngữ, tin học... Điều này tạo thêm áp lực vô cùng lớn nữa.

Sau khi Thông tư số 20/2018/TT-BGDĐT ban hành, hàng loạt giáo viên đã lập tức ùn ùn kéo nhau đi học lấy các chứng chỉ “giấy trắng mực đen” như ngoại ngữ, tin học... Vẫn biết nó giúp ích chẳng đáng là bao cho việc đứng lớp của mình nhưng các thầy cô giáo vẫn phải đi, bởi không có 2 chứng chỉ này sẽ bị xếp không đạt chuẩn và ai không sợ xếp loại đó chẳng khác gì tự sa thải mình...

Năm học mới đã bắt đầu. Những nỗi lo mới cũng bắt đầu chất thêm lên các nhà giáo, đặc biệt là ở những địa bàn còn nhiều khó khăn.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu