Thứ 6, 26/04/2024 12:54:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 14:02, 05/05/2016 GMT+7

Cần đi trước một bước

Thứ 5, 05/05/2016 | 14:02:00 123 lượt xem
BP - Hầu như trong các đợt tiếp xúc với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cử tri, nhất là ở vùng sâu, xa, dân tộc thiểu số đều kiến nghị liên quan đến vấn đề điện và xoay quanh chủ yếu là: Đề nghị được kéo điện, điện rất yếu, chỉ số điện sử dụng tăng vọt, cần thay đổi điện kế...

Gần hai chục năm kể từ ngày tái lập tỉnh, cộng với hàng chục năm của tỉnh Sông Bé cũ, chỉ cách trung tâm xã chưa đầy 2km, thế nhưng người dân thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng vẫn phải sống trong cảnh leo lét của ánh đèn dầu, đèn bình. Ngay trung tâm thị xã Đồng Xoài, nhiều năm nay, người dân khu phố Phước Thọ, phường Tân Thiện vẫn “khát điện”. Trung tâm là vậy, nói gì đến những thôn, ấp ở vùng sâu, xa khác như: Phú Nghĩa, Phú Tiến, xã Phú Trung (Phú Riềng); tổ 9, xã Tân Hưng (Hớn Quản); ấp 2, xã Đồng Tiến; ấp Pa Pếch, ấp Thạch Màng, xã Tân Hưng (Đồng Phú)... Để giải bài toán “khát điện”, bên cạnh sử dụng đèn dầu, bình ắc-quy, máy nổ, người dân đã tận dụng phân gia súc, thực phẩm thừa làm biogas và làm thủy điện mini. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp trước mắt và không phải gia đình nào cũng thực hiện được, nhất là các hộ người dân tộc thiểu số.

Có thể nói, về đời sống vật chất, không gì khổ bằng thiếu điện, thiếu nước, nhất là khí hậu ngày càng nắng nóng, oi bức, như mùa khô năm nay. Kéo theo nỗi khổ đó là hàng loạt những vấn đề khác về sản xuất - kinh doanh, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Thêm nữa là nỗi khổ của lãnh đạo các cấp trong điều hành, thực hiện các nghị quyết. Và cũng là nỗi khổ, day dứt của các vị đại biểu dân cử khi không biết trả lời cử tri ra sao về vấn đề này.

Vẫn biết rằng, ngành điện có nhiều cái khó để có thể cung cấp điện đủ 100% hộ dân, với mật độ dân cư mỗi ngày một tăng. Với đặc thù địa lý Bình Phước là một tỉnh miền núi, vùng sâu, xa, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác trên địa bàn rộng, phức tạp, nhiều cụm dân cư nhỏ thì việc cung cấp điện trên địa bàn toàn tỉnh là hết sức khó khăn. Lãnh đạo Công ty Điện lực Bình Phước cho biết, nhu cầu cấp điện bằng nguồn vốn của ngành điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Đặc biệt, việc lưới điện ở các xã vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số suất đầu tư cho mỗi hộ rất lớn nhưng hiệu quả kinh doanh lại thấp. Xin lấy ví dụ: Để cấp điện cho 8 hộ dân khu vực thôn Phú Nghĩa, xã Phú Trung cần phải đầu tư 0,5km đường dây trung áp, 0,2km đường dây hạ áp và 1 trạm biến áp 25kVA với tổng mức đầu tư khoảng 225 triệu đồng. Như vậy, suất đầu tư khoảng 28 triệu đồng/hộ. Quả là bài toán khó cho ngành điện và chính các hộ dân ở một thôn còn nhiều khó khăn như Phú Nghĩa. Điều đó cũng cho thấy 98% hộ dân được sử dụng điện như hiện nay là một nỗ lực của ngành điện Bình Phước.

Từ lâu, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ thị cho ngành điện phải “đi trước một bước” để tăng số hộ dân được sử dụng điện chứ không chờ vốn đầu tư của Nhà nước hoặc nguồn đóng góp, huy động; đồng thời trong phát triển phải bảo đảm hài hòa lợi ích của ngành điện và nhân dân, trong đó có chất lượng phục vụ. Mong rằng, ngành điện cân nhắc và quyết định đầu tư lưới điện theo thứ tự ưu tiên cho các thôn, ấp vùng sâu, dân tộc thiểu số của tỉnh, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu