Thứ 7, 27/04/2024 07:01:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:01, 26/03/2013 GMT+7

Cán bộ, công chức phải là “công bộc của dân”

Thứ 3, 26/03/2013 | 14:01:00 247 lượt xem

Nghiên cứu bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 chúng ta thấy rõ sự khẳng định Nhà nước ta là “của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân...” (Điều 2). Nhìn vào thực tế hiện nay, những điều trên tuy đã thực hiện ở một mức độ nào đó, nhưng nhìn chung nhân dân còn nhiều nơi và nhiều việc chưa hài lòng. Bởi vậy, theo tôi cần nhấn mạnh hơn nữa trong Hiến pháp để rồi các văn bản pháp luật cụ thể hóa sâu sắc hơn, nhằm thực sự phát huy quyền làm chủ của dân.

Nhà nước và nhân dân có mối quan hệ đặc biệt thông qua những người công chức, viên chức làm việc trong hệ thống hành chính. Khoản 2, Điều 8 (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp): “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Thực tế cho thấy, nhiều nơi, nhiều cấp không ít cán bộ, công chức chưa thực sự làm việc vì dân. Trong triển khai công việc nhiều khi công chức chỉ biết làm theo lệnh trên mà không biết lắng nghe dân, phản ánh lên cấp trên để họ thay đổi quyết định và có cách giải quyết phù hợp. Nguyên nhân cơ bản là cán bộ, công chức, viên chức chưa xác định rõ mình là “công bộc của dân”. Bởi lẽ, là “công bộc của dân” thì trước hết phải biết ơn dân. Nhà nước ta là Nhà nước của dân nên cần thiết phải làm rõ hơn, sâu sắc hơn quyền của dân, đặc biệt là trách nhiệm của Nhà nước mà đại diện là cán bộ, công chức, viên chức phải thực sự là công bộc của dân, phục vụ dân, hết lòng vì dân, chịu sự giám sát toàn diện có tổ chức của nhân dân.

Từ sự phân tích trên, theo tôi Khoản 2, Điều 8 nên sửa lại như sau: “Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải là công bộc của dân: tôn trọng nhân dân, lễ phép với dân, lắng nghe dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát toàn diện của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”.

Một điểm nữa tôi xin được góp ý, đó là việc dùng từ “nơi ở” và “chỗ ở”. Tại một số điều, lúc thì dùng từ “nơi ở”, nơi dùng chữ “chỗ ở”. Hai khái niệm đó có khác nhau, nếu không khác nhau sao lại không dùng thống nhất? Cụ thể là: Điều 36 dùng cụm từ “nơi ở hợp pháp” và ngay sau đó là Điều 37 dùng cụm từ “chỗ ở hợp pháp”. Theo tôi, nên dùng cụm từ “nơi ở hợp pháp” là đầy đủ hơn. Cụ thể, Khoản 1, Điều 37 sửa lại là: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về nơi ở hợp pháp”.

Thế Nhàn (Tiến Thành - TX. Đồng Xoài)

  • Từ khóa
108187

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu