Thứ 6, 26/04/2024 18:50:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:31, 29/10/2013 GMT+7

Cải tạo vườn cà phê già cỗi đạt năng suất cao

Thứ 3, 29/10/2013 | 16:31:00 356 lượt xem

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh người dân đã và đang chuyển đổi từ cây điều sang trồng cà phê. Tuy nhiên, giống cà phê vối, cà phê chè không mang lại hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, một số hộ trồng cà phê đã thử nghiệm thành công bước đầu mô hình cà phê ghép. Điển hình là gia đình ông Nguyễn Văn Đề ở xã Long Bình (Bù Gia Mập) tiên phong trồng thử nghiệm loại cà phê mới này.


CẢI TẠO CÀ PHÊ GIÀ CỖI, KÉM HIỆU QUẢ

Nhờ sự giúp đỡ của cán bộ khuyến nông huyện, tháng 6-2012 ông Đề cưa hơn 3 sào cà phê trong tổng số gần 1 ha cà phê đang cho thu hoạch. Ông Đề cho biết: “Tôi cũng xót khi cưa 3 sào cà phê đang cho thu hoạch nhiều năm. Nhưng được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện, tôi thấy đó là hướng đi mới và có thể đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Vì thế, tôi cưa cà phê để thử nghiệm”.


Cà phê ghép của gia đình ông Đề sau một năm chăm sóc

Đây là loại giống “chồi”, được lấy từ Viện Nghiên cứu giống Tây Nguyên. Sau khi cưa gốc cà phê được khoảng 2,5 tháng, chồi mọc ra khỏe thì có thể lấy chồi lai ghép với chồi gốc của cây. Với gốc cà phê thường, không nhất thiết là bao nhiêu năm mới có thể cưa gốc để tiến hành ghép, miễn gốc đủ lớn và có khả năng mọc chồi khỏe. Gốc sau khi mọc chồi, chỉ để lại từ 2 đến 3 chồi khỏe nhất để ghép.
Bà Đỗ Thị Thúy, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bù Gia Mập cho biết: “Đây là giống cà phê lai từ giống cà phê vối của Viện Nghiên cứu giống Tây Nguyên. Mô hình cà phê ghép ban đầu đã đem lại hiệu quả rất tốt và được người dân đánh giá cao nhờ tính năng ưu việt của cây. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục nhân giống và mở rộng chuyển giao kỹ thuật cho nhiều hộ đang trồng cà phê trên địa bàn huyện, nhất là những vườn cà phê kém chất lượng.

Cách ghép khá đơn giản, nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và độ chính xác cao. Cũng không thể định thời gian chồi mọc để ghép được. Vì mỗi gốc, mỗi chồi có sức phát triển khác nhau, nếu non quá sẽ khiến cây chết, nếu già quá thì khả năng liên kết giữa mối ghép rất lâu và sẽ làm cây bị còi cọc về sau.

Theo kinh nghiệm của ông Đề: “Trong quá trình cấy ghép phải chịu khó quan sát, theo dõi các chồi phát triển. Để chồi cấy ghép hợp lý nhất là ở mức vừa phải, không quá già cũng không quá non. Giữa hai chồi ghép với nhau, đòi hỏi kích cỡ tương đồng, nếu không sẽ tạo ra sự chênh lệch khiến cây khó phát triển. Sau khi các chồi ghép phát triển lớn cũng chỉ để lại 1 đến 2 chồi. Đồng thời có thể sử dụng chồi của cây cà phê ghép làm giống để ghép với các gốc và chồi cây còn lại. Hiện ông Đề đã tự nhân giống và mở rộng giống này trên phần đất cà phê già cỗi còn lại.


HIỆU QUẢ KINH TẾ CAO

Sau một năm ghép và chăm sóc, cây cà phê đã cho thu hoạch cao so với giống cà phê thường. Theo ông Đề, cây cà phê thường sau khi trồng ít nhất 2 năm mới cho vụ quả đầu tiên, sang năm thứ 3, 4 mới thu hoạch chính. Nhưng với giống cà phê mới này chỉ sau một năm đã cho quả bói và năm 2 được thu hoạch chính thức. Ưu điểm của giống cà phê ghép có thân cây khỏe, phát triển nhanh, sức đề kháng sâu bệnh tốt, tay ra dài, mắt ngắn, quả sai, to và đều. Vì trong thời gian nuôi mầm phát triển, chất dinh dưỡng đã có sẵn trong gốc già nên việc bón phân và tưới tiêu cũng không cần nhiều. Do đó, chi phí đầu tư không cao. Đây là mô hình mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cần được phổ biến đến các hộ nông dân để học tập.           

Bảo An

  • Từ khóa
39383

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu