Thứ 5, 09/05/2024 09:32:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 09:32, 08/02/2024 GMT+7

Xuân của những “chiến sĩ” blouse trắng

Ngọc Bích
Thứ 5, 08/02/2024 | 09:32:55 2,469 lượt xem
BPO - Phải túc trực, chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo bất cứ khi nào họ cần; đảm bảo sức khỏe và sự sống của bệnh nhân là niềm vui, hạnh phúc vừa là trách nhiệm của mỗi kỹ thuật viên, điều dưỡng, y, bác sĩ thuộc Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước. Họ là những “blouse trắng” hàng chục năm nay chưa có tết đoàn viên.

Điều hạnh phúc nhất với mỗi người trong dịp tết cổ truyền là được đoàn viên bên gia đình đón phút giây giao thừa thiêng liêng. Thế nhưng, các y, bác sĩ của đơn vị thận nhân tạo, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh rất hiếm hoi có được niềm hạnh phúc này.

Chữ “tâm” của người thầy thuốc

Khi người người, nhà nhà tất bật sửa soạn để đón tết bên mâm cơm đoàn viên gia đình trong ngày cuối năm thì kỹ thuật viên Nguyễn Trọng Anh, đơn vị thận nhân tạo vẫn miệt mài chăm sóc, phục vụ các bệnh nhân chạy thận. Với anh đây là ngôi nhà thứ hai và bệnh nhân là người thân của mình. Kỹ thuật viên Nguyễn Trọng Anh cho biết: Tôi theo nghề y đã 20 năm, cũng từng ấy thời gian tôi chưa một lần được đón tết với gia đình ở quê hương. Bệnh nhân chạy thận nhân tạo rất đặc thù, đến kỳ là phải chạy thận, không kể lễ, tết hay ngày cuối tuần. Vì vậy, tôi cũng như các y, bác sĩ ở đây không thể rời vị trí của mình được. Ngày tết cũng như ngày thường cứ có lịch là đi làm thôi.

Kỹ thuật viên Nguyễn Trọng Anh tận tình chăm sóc các bệnh nhân chạy thận

Cũng có thâm niên gần 20 năm làm việc tại đây, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Thanh gọi tên từng bệnh nhân mà không cần nhìn hồ sơ bệnh án. Sự thân thuộc này đến từ trách nhiệm của người làm nghề y. Kỹ thuật viên Nguyễn Văn Thanh cho hay: Với đặc thù công việc đơn vị thận nhân tạo nên các anh em chia sẻ với nhau, sắp xếp làm sao mỗi năm có một hoặc hai người được đón giao thừa với gia đình. Còn lại đa số anh em ở đây đều từ ngoài Bắc vào nên khó sắp xếp để về quê. Từ khi vào làm việc tại đây đến nay đã 20 năm nhưng tôi chỉ về quê được hai lần. Còn việc đón giao thừa ở nhà thì càng không thể. Vợ làm cùng ngành nên hiểu và chia sẻ với công việc của tôi.

Bị bệnh thận đã 3 năm, bà Trịnh Thị Thu ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú điều trị, chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Bà Thu chia sẻ: Mặc dù mức độ bệnh của tôi nhẹ hơn những bệnh nhân lâu năm ở đây, nhưng ai mắc căn bệnh này thì sức khỏe ngày càng yếu, kinh tế gia đình cũng ngày một khó khăn hơn. Trong khi chồng tôi bị bệnh hen suyễn, người con trai đầu đi nghĩa vụ quân sự, con trai thứ hai đang học lớp 11. Từ ngày bị bệnh tôi ở viện nhiều hơn ở nhà, gặp bác sĩ nhiều hơn gặp người thân. Nhờ được sự giúp đỡ, chăm sóc, điều trị tận tình của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng ở đây tôi thấy yên tâm hơn. Xong ca chạy thận hôm nay tôi được về nhà đón tết, nhưng các bác sĩ, điều dưỡng ở đây thì không nghỉ tết, vì họ phải chăm sóc, điều trị các bệnh nhân khác.

Lấy sức khỏe của bệnh nhân làm niềm vui

Xác định mục tiêu tất cả vì bệnh nhân, dịp lễ, tết càng phải nâng cao tinh thần trách nhiệm hơn bao giờ hết, các bác sĩ đơn vị thận nhân tạo đã xây dựng kế hoạch và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trong dịp tết Nguyên đán 2024.

Luôn tiếp xúc với các ca bệnh ở giai đoạn cuối, việc chăm sóc, điều trị càng vất vả hơn, nhưng bác sĩ Nông Thị Thắm với vóc người nhỏ nhắn lại chứa trong mình sự kiên trì và niềm tin lớn để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Bác sĩ Thắm cho biết: Đơn vị thận nhân tạo hằng ngày tiếp nhiều bệnh nhân, mỗi ngày chạy mấy ca, đặc biệt các bệnh nhân giai đoạn cuối, nặng thì tôi phải túc trực liên tục, tết ở trong bệnh viện luôn. Đối với những bệnh nhân nặng phải theo dõi sát sao để xử lý kịp thời khi có tình huống phát sinh.

Mỗi kỹ thuật viên, điều dưỡng, bác sĩ ở đơn vị thận nhân tạo đa số có thâm niên làm việc khoảng 20 năm, người mới nhất cũng 10 năm trong nghề. Thế nhưng, số lần đón giao thừa cùng người thân rất hiếm hoi. Hiện đơn vị thận nhân tạo có 16 nhân sự, trong đó có 3 bác sĩ và 13 điều dưỡng. Hằng ngày đảm bảo ít nhất 6 người trực mỗi ca, những ngày lễ, tết càng tăng cường trực. Mỗi kíp trực phải đảm bảo 1 bác sĩ và 3 điều dưỡng trực 24/24 giờ, 3 điều dưỡng trực 12/24 giờ, 1 điều dưỡng hành chính, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Thành Chung, Trưởng Khoa Nội tổng hợp phụ trách đơn vị thận nhân tạo thăm khám cho bệnh nhân

Bác sĩ Lê Thành Chung, Trưởng Khoa Nội tổng hợp phụ trách đơn vị thận nhân tạo, Bệnh viện đa khoa tỉnh chia sẻ: Đối với đơn vị thận nhân tạo thì gần như không có tết, lễ và ngày nghỉ cuối tuần vì bệnh nhân tới kỳ là phải chạy thận. Việc đón tết ở đơn vị cũng có niềm vui và nỗi buồn; vui vì được phục vụ, chăm sóc bệnh nhân, buồn vì không được đón tết với gia đình.

Hiện đơn vị thận nhân tạo đang điều trị, chăm sóc khoảng 160 bệnh nhân chạy thận chu kỳ, mỗi bệnh nhân phải chạy thận 3 lần/tuần. Trong đó, số bệnh nhân nặng điều trị nội trú khoảng 10 người.

Ông Triệu Phúc Hiên ở thôn 12, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng cho biết: Tôi phải chạy thận nhân tạo. Các bác sĩ ở đây rất trách nhiệm, ân cần chăm sóc bệnh nhân. Tôi thay mặt các bệnh nhân ở đây cảm ơn các điều dưỡng, bác sĩ rất nhiều.

Trong khi người người, nhà nhà chuẩn bị đếm ngược những giây phút cuối cùng của năm cũ để chào đón năm mới, thì đội ngũ y, bác sĩ tại đơn vị thận nhân tạo đang chạy đua với thời gian để níu dài sự sống cho mỗi bệnh nhân. Vì vậy, nhiều năm nay, họ tạm gác lại khát khao về những mùa xuân đoàn viên trọn vẹn bên gia đình. Bởi mong muốn mỗi mùa xuân qua, được nhìn thấy các bệnh nhân có sức khỏe ổn định, đó là niềm vui bù đắp cho những phút giao thừa vắng nhà của họ.

  • Từ khóa
189035

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu