Thứ 5, 09/05/2024 12:37:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 05:20, 06/02/2024 GMT+7

Về Thanh An thưởng thức nghệ thuật truyền thống

Cẩm Liên
Thứ 3, 06/02/2024 | 05:20:04 2,195 lượt xem
BPO - Tại xã Thanh An, huyện Hớn Quản, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được người dân đam mê lưu truyền và thể hiện từ trong sinh hoạt, lao động hằng ngày. Đó cũng là “nhựa sống” giúp mỗi người yêu nghệ thuật càng vui khỏe, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và xây dựng nông thôn mới.

Hạt nhân cơ sở

Lớn lên trên vùng đất lúa đồng bằng sông Hồng, tiếng hát, điệu múa của nghệ thuật chèo vùng đất này đã ngấm vào máu thịt bà Lê Thị Thanh Hoàn từ rất sớm. Vào Bình Phước lập nghiệp, mạch nguồn của làn điệu chèo vẫn “sống” mãi trong bà. Một điều thú vị là bà Hoàn thường xuyên hát đơn ca, song ca cùng chồng những bài chèo do chính ông sáng tác. Nhiều bài miêu tả được vẻ đẹp trù phú, no ấm, cuộc sống nông thôn đang từng ngày đổi mới với nét đẹp vừa văn minh hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Các thành viên CLB hát chầu văn biểu diễn tại Ðình thần Thanh An, xã Thanh An, huyện Hớn Quản

Bà Hoàn chia sẻ: Ngày trước dù yêu nghệ thuật chèo, thơ nhưng do bận công việc nên chúng tôi chỉ tranh thủ nghe và xem biểu diễn khi có thời gian rảnh. Từ ngày nghỉ hưu, vợ chồng tôi đều đăng ký tham gia câu lạc bộ (CLB) thơ, chèo của xã. Gần 10 năm nay, chúng tôi đều đặn tham gia các buổi sinh hoạt và đi giao lưu, biểu diễn ở các xã bạn. Hơn nữa, việc vợ chồng cùng nhau sáng tác và biểu diễn càng tạo cho chúng tôi có thêm động lực. Hiện nay, con gái tôi cũng tích cực tham gia các CLB chèo, thơ của xã. Đó là niềm vui tuổi già mà chúng tôi đã góp sức lưu truyền.

Ngâm thơ, hát chèo đầu xuân năm mới là hoạt động sôi nổi, thường niên được xã Thanh An đẩy mạnh và phát triển. Bà Hoàn cùng các thành viên CLB chèo đã mang đến không chỉ tiếng hát trong trẻo, du dương mà còn những điệu múa mượt mà đặc trưng của nghệ thuật chèo. Bên cạnh biểu diễn các làn điệu chèo sẵn có, các thành viên CLB còn tự sáng tác thêm nhiều làn điệu mới. Từ đó, trên vùng đất Thanh An không chỉ gìn giữ được nghệ thuật truyền thống lâu đời của dân tộc mà còn bồi đắp thêm vẻ đẹp tâm hồn, giúp mọi người cùng nhau sống vui, sống khỏe, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.

Văn nghệ là “nhựa sống”

Năm nay đã 86 tuổi, cụ Lê Thị Phương ở ấp Thanh Sơn, xã Thanh An vẫn xúng xính bộ áo dài nhung truyền thống đi giao lưu sinh hoạt CLB thơ. Cụ say sưa ngâm, thả hồn vào những câu thơ ca ngợi Đảng, Bác Hồ. Cụ Phương chia sẻ: Từ thời con gái tôi đã yêu thích văn nghệ. Tôi đi hát chèo, đọc thơ khắp nơi. Cũng nhờ văn nghệ, thi ca mà tôi sống vui, sống khỏe. Văn nghệ như “nhựa sống”, liều thuốc vô giá giúp bồi bổ sức khỏe cho mọi người, nhất là người cao tuổi.

Nhờ tình yêu văn nghệ, bà Lê Thị Phương, ấp Thanh Sơn, xã Thanh An, huyện Hớn Quản sống vui, sống khỏe ở tuổi 86

Là người con của đồng bào dân tộc S’tiêng nhưng ông Điểu Hem rất đam mê nghệ thuật đờn ca tài tử của vùng sông nước miền Tây. Ông cho biết, những lời ca tiếng hát mượt mà từ đờn ca tài tử giúp người dân như giảm bớt vất vả, mệt nhọc của cuộc sống mưu sinh. Đồng thời góp phần gìn giữ và lưu truyền giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc cho thế hệ mai sau. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà niềm đam mê của người yêu nghệ thuật được thăng hoa.

Xã Thanh An không chỉ nổi bật nghệ thuật thi ca, chèo, đờn ca tài tử mà còn có hát chầu văn. Đây là loại hình nghệ thuật diễn xướng truyền thống đặc sắc gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, đặc biệt là tín ngưỡng thờ mẫu. Hát văn, chầu văn có sự kết hợp đặc sắc, hòa quyện giữa lời ca, âm nhạc, vũ đạo và nghi lễ, đem lại cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, vừa hiện thực gần gũi vừa huyền diệu linh thiêng.

Ðam mê đờn ca tài tử giúp ông Ðiểu Hem giảm bớt những mệt nhọc trong cuộc sống mưu sinh

Bà Bùi Thị Hiền, Chủ nhiệm CLB chầu văn xã Thanh An chia sẻ: Ban đầu chúng tôi chỉ là nhóm người đam mê nghệ thuật hát chầu văn, hát xoan tập hợp nhau lại luyện tập. Sau khi thấy chúng tôi biểu diễn trôi chảy nhiều bài chầu văn, cán bộ văn hóa - thông tin xã đề nghị thành lập CLB. Hiện CLB đã có 8 thành viên chính. Mỗi năm, khi Đình thần Thanh An mở hội, các thành viên đều tham gia biểu diễn. Chúng tôi biểu diễn những bài múa văn để hầu đồng, cầu mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi.

Ông Đinh Văn Tỉnh, cán bộ văn hóa xã Thanh An cho biết: Xã rất quan tâm, đầu tư cho phong trào văn hóa, văn nghệ trong nhân dân. Đến nay, Thanh An xây dựng được 7 CLB văn hóa, văn nghệ và số lượng thành viên không ngừng tăng lên. Đây là sân chơi bổ ích, tạo động lực giúp người dân sống vui, sống khỏe. Đồng thời, một số CLB văn nghệ cũng trở thành sợi dây kết nối phát triển du lịch địa phương.

Văn hóa, văn nghệ là “món ăn” tinh thần rất bổ ích, nhất là trong những ngày tết đến, xuân về. Những năm qua, từ Trung ương đến cơ sở đều rất quan tâm hỗ trợ cả về cơ chế, chính sách, kinh phí để các loại hình nghệ thuật dân gian phát triển mạnh mẽ hơn, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần người dân.

Bà LÊ THỊ CẨM TUYẾT, Chủ tịch CLB thơ Việt Nam tỉnh Bình Phước


  • Từ khóa
188873

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu