Thứ 5, 09/05/2024 12:52:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 09:22, 24/01/2024 GMT+7

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc

Nam Phương
Thứ 4, 24/01/2024 | 09:22:29 3,015 lượt xem
BPO - Bình Phước là quê hương thứ 2 của Thạc sĩ Nông Thị Thu Hà, giảng viên Khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II. Là một người con dân tộc Tày ở tỉnh Cao Bằng di cư vào Bình Phước sinh sống, cô gái trẻ này rất nặng lòng với cây đàn tính, điệu hát then và văn hóa dân tộc. Lựa chọn con đường nghiên cứu khoa học về văn hóa cũng xuất phát từ sự đau đáu với việc bảo tồn văn hóa truyền thống của cô gái trẻ.

“Khi nghiên cứu sâu về những nét văn hóa đặc trưng cụ thể của người Tày nói riêng và các dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh Bình Phước nói chung, mình thấy bản thân là một người con DTTS ở Bình Phước, đang nghiên cứu và giảng dạy về lĩnh vực văn hóa thì cần có trách nhiệm hơn trong việc góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đặc biệt là văn hóa các DTTS ở tỉnh Bình Phước” - giảng viên Thu Hà mở đầu câu chuyện.

Thu Hà gặp gỡ người Tày cao tuổi ở huyện Bù Đốp để tìm hiểu giá trị văn hóa dân tộc, làm giàu tri thức của mình

Giá trị văn hóa nuôi dưỡng tâm hồn

Sống trong cộng đồng người Tày ở Bình Phước, Thu Hà rất tự hào về bản sắc dân tộc mình. Đi đến đâu, cộng đồng người Tày cũng mang theo bề dày văn hóa, gắn với những nét riêng biệt, đặc trưng, đậm đà bản sắc. Đó là những tri thức bản địa, văn hóa truyền thống, phong tục tập quán. Về văn hóa vật chất, đó là cách ăn, mặc, làm nhà, làm công cụ lao động, sản xuất. Về văn hóa tinh thần, đó là tết Trung nguyên, lễ mừng thọ, Thực hành Then được UNESCO ghi nhận là di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể đại diện của nhân loại… Mỗi nét văn hóa đều mang những giá trị nhất định cần bảo tồn và phát huy.

Không bảo tồn một cách cứng nhắc

Bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH chính là quy luật tất yếu khách quan của phát triển văn hóa, trong tiến trình phát triển của các dân tộc. Hoạt động bảo tồn giá trị DSVH dân tộc phải gắn với phát huy, tạo động lực cho phát triển văn hóa và con người, nên khi bảo tồn di sản, cần làm sao để sử dụng, phát huy giá trị DSVH một các phù hợp nhất, đem lại các lợi ích lớn nhất (về vật chất và tinh thần) cho xã hội, chứ không chỉ gò bó trong quan niệm bảo tồn. Không bảo tồn một cách cứng nhắc mà phải gắn liền với phát huy giá trị văn hóa của di sản nhằm đáp ứng những nhu cầu của đời sống xã hội.

Bảo tồn văn hóa cần sự phối hợp đồng bộ

Đứng trước bối cảnh mới của hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa văn hóa, trước sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, trước khối lượng và tốc độ di dân, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, khoa học - kỹ thuật..., những giá trị văn hóa địa phương đang có nguy cơ biến dạng và hỗn tạp. Điều này đặt ra yêu cầu công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH càng cấp thiết hơn.

Thu Hà trong trang phục truyền thống của đồng bào Tày

Để hiệu quả, giảng viên Thu Hà cho rằng, cần đẩy mạnh công tác sưu tầm, ghi chép, kiểm kê, ghi âm, ghi hình các tài liệu, tư liệu liên quan đến di sản để lưu giữ, bảo quản, qua đó nhận diện, xác định giá trị, sức sống của di sản, đề xuất giải pháp bảo tồn và phát huy.

Vai trò tự quản của cộng đồng trong việc bảo tồn giá trị di sản, đặc biệt DSVH phi vật thể phải được phát huy. Cộng đồng phải được tham gia bàn bạc, lên kế hoạch tổ chức hoạt động bảo tồn, được tham gia vào quá trình đánh giá hiệu quả của hoạt động và được đảm bảo quyền lợi từ hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH. Nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong việc phổ biến các giá trị văn hóa. Đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở...

Việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH chỉ có thể đạt hiệu quả cao trong sự tổ chức có hệ thống, chặt chẽ và sự phối hợp đồng bộ của chính quyền địa phương, các cơ quan, ban, ngành, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa cơ sở và sự tự nguyện tham gia của người dân.

Trong công tác quản lý văn hóa, việc hiểu được giá trị văn hóa truyền thống, nắm bắt được thực trạng cũng như tiềm năng của văn hóa một cách cụ thể, khoa học và hệ thống sẽ đem lại những căn cứ khoa học để các nhà quản lý ở địa phương có thể điều chỉnh, tác động đến quá trình phát huy nội lực, xây dựng sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam một cách hiệu quả hơn.

Thạc sĩ NÔNG THỊ THU HÀ gợi mở


Khơi gợi tình yêu văn hóa dân tộc

Thách thức lớn nhất hiện nay là một số bạn trẻ dường như ít quan tâm đến DSVH dân tộc, mà thích tìm tòi, trải nghiệm các trào lưu giải trí hiện đại, các xu thế văn hóa mới, cho nên thiếu say mê để theo học các khóa đào tạo kỹ năng về DSVH, các lớp truyền dạy về DSVH phi vật thể. Để lan tỏa, phổ biến các giá trị tốt đẹp trong kho tàng DSVH dân tộc, trước hết cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường và nâng cao nhận thức trong giới trẻ. Khi nhận thức về DSVH được tăng cường sẽ góp phần xây dựng lòng tự hào trong các em đối với những biểu đạt văn hóa mà thế hệ trước trao truyền lại, từ đó tăng cường kết nối giữa nhà trường và cộng đồng địa phương, người thực hành, nghệ nhân.

   Năm 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh đã tổ chức phục dựng nhiều lễ hội văn hóa. Trong ảnh: Trình diễn cồng chiêng trong lễ hội kết bạn cộng đồng giữa người M’nông và người Châu Mạ

Bên cạnh đó, nên tích hợp chương trình dạy học phổ thông qua hoạt động trải nghiệm ở bảo tàng và di tích, tổ chức các cuộc thi, những buổi sinh hoạt ngoại khóa về nguồn tìm hiểu về giá trị DSVH; xuất bản các ấn phẩm văn hóa về DSVH phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của giới trẻ; tổ chức các cuộc thi, trò chơi dân gian, biểu diễn văn hóa dân gian và những sự kiện liên quan đến DSVH địa phương...

Đặc biệt, cần nắm bắt thị hiếu của giới trẻ, khơi gợi tính tò mò và đáp ứng nhu cầu thích khám phá của giới trẻ. Tò mò sẽ thôi thúc các em tự tìm hiểu, từ đó mới tiếp cận và yêu thích loại hình âm nhạc ấy thay vì tuyên truyền bằng hình thức truyền thống là trình diễn và huy động các em đến tham dự.

Ngoài ra, địa phương có di sản có thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật DSVH, các cuộc thi tìm hiểu về Luật DSVH trên phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với tổ chức tập huấn, nâng cao nhận thức trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị DSVH ở các cấp, các địa phương trong cả nước bằng nhiều hình thức khác nhau.

Để làm được những điều này, không chỉ là nhiệm vụ của ngành văn hóa mà là của các ngành, các cấp và toàn xã hội, trong đó cơ quan quản lý văn hóa và giáo dục giữ vai trò chủ đạo.

  • Từ khóa
187927

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu