Thứ 5, 09/05/2024 10:45:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa và Con người Bình Phước 04:46, 23/01/2024 GMT+7

Đờn ca tài tử góp phần lan tỏa nét đẹp Bình Phước

Nghi Lâm
Thứ 3, 23/01/2024 | 04:46:44 3,153 lượt xem
BPO - “Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách và lối sống của con người. Tạo điều kiện để đội ngũ văn nghệ sĩ sáng tạo, có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật”. Đây là một trong những nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 20-11-2023 của Tỉnh ủy Bình Phước về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Điều đó chứng tỏ sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh đến việc xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật trên địa bàn. Việc sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa, giới thiệu nét đẹp quê hương Bình Phước đến với bạn bè gần xa là việc làm cần thiết, góp phần không nhỏ trong sự phát triển chung của tỉnh Bình Phước.

Tiềm năng và dấu ấn

Bình Phước là nơi có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, cũng là nơi có nhiều cư dân từ các địa phương khác về xây dựng cuộc sống. Chính vì thế, Bình Phước hội tụ và phát triển nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật khác nhau, trong đó có loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử mà những người quê gốc ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long mang theo trong quá trình đến đây lập nghiệp. Theo thời gian, đờn ca tài tử đã phát triển ở hầu hết huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh tạo nên phong trào hết sức ý nghĩa và gây được tiếng vang đối với các tỉnh trong khu vực. Song, ngoài trau dồi, học hỏi kỹ năng ca, đờn thì việc soạn lời mới để bắt nhịp hơi thở của thời đại, cũng như quảng bá được nét đẹp của quê hương Bình Phước là vấn đề còn trăn trở.

Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Thắm và Nam Thanh Phong tham gia trong chương trình ca cổ “Đời vui dệt khúc xuân ca” do BPTV sản xuất

Giải pháp đã được nêu ra trong Nghị quyết số 14-NQ/TU: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, truyền thông và đội ngũ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội của tỉnh”. Thực ra, từ khi tái lập tỉnh và Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Phước (BPTV) được thành lập thì BPTV đã luôn quan tâm và ưu ái các hoạt động, chương trình văn nghệ mảng âm nhạc truyền thống này. Đặc biệt là việc mời các soạn giả đi thực tế sáng tác tại các địa phương trong tỉnh để thông qua đó có được những tác phẩm thực sự ý nghĩa, bảo đảm được giá trị tư tưởng và nghệ thuật về Bình Phước.

Nghệ sĩ Thanh Tâm tham gia trong chương trình ca cổ “Đời vui dệt khúc xuân ca” do BPTV sản xuất

Nghệ sĩ ưu tú Hoàng Nhất tham gia chương trình ca cổ “Đời vui dệt khúc xuân ca” do BPTV sản xuất

Thời gian đã minh chứng được chất lượng của những tác phẩm đó. Đến hôm nay, sau 27 năm tái tập tỉnh, nhiều bài vọng cổ về Bình Phước vẫn còn đọng lại trong lòng khán giả mộ điệu, như: Cánh đồng huyền thoại (soạn giả Ngô Hồng Khanh), Bếp lửa người S’tiêng, Bằng lăng tím (soạn giả Diệp Vàm Cỏ), Người lính già (soạn giả Hà Nam Quang)… Hay những vở cải lương do BPTV sản xuất thể hiện được nét đẹp của đất và người Bình Phước, không chỉ đạt được những giải thưởng cao trong các đợt Liên hoan truyền hình toàn quốc, như: Ông Ba cô đơn, Ước mơ ngày ấy, Người và đất… mà còn tạo được ấn tượng đối với giới chuyên môn và khán, thính giả. Đó là niềm tự hào về hình ảnh, nét đẹp quê hương Bình Phước thông qua những tác phẩm nghệ thuật thực sự ý nghĩa. Chưa kể, còn một số tác phẩm đã ra đời từ gần 50 năm trước và đến nay vẫn giữ được sức sống trong lòng mọi người, đó là bài tân cổ “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (tân nhạc: Xuân Hồng, lời vọng cổ: Nghệ sĩ Nhân dân Viễn Châu).

Bình Phước từng là chiến trường ác liệt, hôm nay đang vươn mình với những thành tựu nổi bật. Tôi may mắn được đến Bình Phước trong những chuyến thực tế sáng tác. Được thâm nhập, nghe kể về những chiến công xưa và chứng kiến sự đổi thay của Bình Phước là chất liệu, nguồn cảm hứng để tôi viết nên những bài ca về vùng đất này. Đến hôm nay, bài ca cổ “Cánh đồng huyền thoại” vẫn còn lay động lòng người, tôi vẫn được nghe trên các phương tiện, mặc dù bài này ra đời hơn 20 năm trước.

Soạn giả Ngô Hồng Khanh


Những gợi mở trong tương lai  

Việc khuyến khích, tạo điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tạo là điều cần thiết. Đây là hoạt động góp phần quảng bá hình ảnh, thành tựu nổi bật của Bình Phước thông qua loại hình nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, thời gian qua, hầu như đây là việc tự phát từ một số cá nhân có niềm đam mê sáng tác. Họ là những hạt nhân trong các câu lạc bộ đờn ca tài tử và thông qua các đợt liên hoan, cuộc thi biểu diễn, họ sẽ soạn lời để các tài tử ca thể hiện. Đây là việc làm đáng khích lệ và cần lắm sự quan tâm của các tổ chức trong lĩnh vực văn học nghệ thuật để những tác phẩm này hoàn thiện hơn, bảo đảm về nội dung tư tưởng và mang đậm tính nghệ thuật, tạo được ấn tượng đối với giới chuyên môn và người thưởng thức.

Việc tổ chức sản xuất các chương trình ca cổ về quê hương Bình Phước đã được BPTV thực hiện và mang lại hiệu quả tích cực

Bình Phước là mảnh đất đầy tiềm năng để văn nghệ sĩ khai thác. Và Bình Phước luôn tự hào khi được lan tỏa nét đẹp của mình thông qua những bài vọng cổ, những bài bản tài tử chất lượng. Càng tự hào hơn, khi nét đẹp của vùng đất Bình Phước được thể hiện bởi những tài tử ca đang sinh sống trên quê hương này. 

Để có được điều đó, ngoài sự quan tâm của các cấp, ngành, sự chung tay của những người chung niềm đam mê sáng tác, cũng cần có chính sách thu hút, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật đúng như mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết số 14-NQ/TU về phát triển văn hóa và con người Bình Phước.

Nên chăng, Tạp chí Văn nghệ Bình Phước có thể đăng những bài vọng cổ, những bài bản tài tử được sáng tác mới về tỉnh. Hoặc nhân các sự kiện quan trọng của tỉnh, cơ quan chức năng tổ chức những cuộc thi sáng tác bài vọng cổ, bài bản tài tử để thông qua đó có thêm được những tác phẩm thực sự ý nghĩa về Bình Phước. Công tác quảng bá các tác phẩm ca ngợi Bình Phước có chất lượng cao là khâu vô cùng quan trọng, bởi tác phẩm âm nhạc phải được biểu diễn mới mang đến cho người thưởng thức sự cảm thụ thực sự thay vì chỉ nằm trên giấy.

Soạn giả LÂM HỮU TẶNG đề xuất


  • Từ khóa
187831

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu