Thứ 7, 27/04/2024 17:37:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 05:00, 16/03/2024 GMT+7

Đề án 06 - điểm sáng chuyển đổi số ở Bình Phước

Ngân Hà
Thứ 7, 16/03/2024 | 05:00:00 2,025 lượt xem
BPO - Sau 2 năm cả nước chung tay triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) đã mang lại nhiều kết quả nổi bật trong thu thập, xây dựng dữ liệu công dân số. Tỉnh Bình Phước đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hoàn thành các nhiệm vụ, từng bước tạo điểm sáng góp phần thực hiện thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Khai thác tiện ích từ Đề án 06

Sau khi hoàn thành cấp căn cước công dân (CCCD), các cơ quan chức năng, lực lượng công an trong tỉnh đã khai thác tiện ích từ nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD và định danh điện tử, đảm bảo người dân hạn chế mang theo nhiều loại giấy tờ tùy thân khi đi giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Tại văn phòng công chứng, trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa các cấp đã trang bị máy quét thông tin từ CCCD giúp xác minh danh tính của cá nhân một cách nhanh chóng và chính xác. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng Văn phòng Công chứng Bình Phước cho biết: Thay vì phải nhập liệu thủ công thì quét thông tin từ CCCD giúp giảm sai sót trong quá trình cung cấp thông tin cá nhân, thuận tiện cho người dân và cả văn phòng công chứng khi không phải khai và điền thông tin lại nhiều lần. Điều này rất hữu ích trong các giao dịch tài chính, thực hiện TTHC, mở tài khoản ngân hàng, làm giấy tờ chứng thực, hay đăng ký các dịch vụ hành chính công khác.

Cán bộ, công chức công nghệ thông tin tìm hiểu các giải pháp công nghệ tại hội thảo thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Bình Phước năm 2022

Đặc biệt, những điểm thanh toán trực tuyến không sử dụng tiền mặt đã không còn xa lạ với người dân. Đi ăn, mua hàng hóa hay sử dụng bất cứ dịch vụ gì, người dân chỉ cần mang theo điện thoại thông minh có kết nối internet là có thể thanh toán mà không cần đem theo tiền mặt. Thanh toán trực tuyến còn giúp các cơ quan quản lý thuế nắm được tổng nguồn thu trong ngày của các đơn vị kinh doanh.

Văn phòng Công chứng Bình Phước trang bị máy quét thông tin từ CCCD giúp xác minh danh tính của cá nhân nhanh chóng và chính xác

Trung tâm Y tế huyện Đồng Phú thực hiện khai báo lưu trú qua phần mềm ASM, giúp tiết kiệm nhân lực và thời gian

Các dịch vụ công khác như khai sinh, khai tử, đăng ký quản lý lưu trú, bảo hiểm y tế cũng đều được thực hiện trên môi trường điện tử. Điển hình như 2 dịch vụ công liên thông “đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí” triển khai từ ngày 10-7-2023 đã cắt giảm từ 21 ngày làm việc xuống còn 4 ngày đối với dịch vụ công khai sinh; giảm từ 25 ngày xuống còn 10 ngày đối với dịch vụ công khai tử.

Chị Phan Thị Bích Ngọc, chuyên viên tư pháp - hộ tịch, Phòng Tư pháp thị xã Bình Long cho biết: Khai thác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ quan quản lý sẽ không phải nhập lại thông tin đầu vào của công dân mà nguồn dữ liệu này sẽ trực tiếp phục vụ công tác hộ tịch. Khi công dân có yêu cầu cấp trích lục hộ tịch, công chức chỉ cần tra cứu trên dữ liệu điện tử kết quả sẽ hiện ra trong vài giây. Điều này khắc phục tình trạng lưu trữ, bảo quản hồ sơ hộ tịch giấy.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Ứng dụng VNeID còn được sử dụng thay giấy tờ cá nhân khi làm thủ tục đi máy bay, tố giác tội phạm, thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng như: giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm y tế… tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Một trong những nhóm tiện ích của Đề án 06 đang được triển khai khá thành công trên địa bàn tỉnh là giải quyết TTHC và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tỉnh đã hoàn thành tích hợp, kết nối thành công 1.481 dịch vụ công lên Cổng dịch vụ công quốc gia với 1.067 dịch vụ công trực tuyến ở mức toàn trình, xếp thứ 7 cả nước.

Cùng với đó, cắt giảm nhiều nhóm TTHC, không phải kê khai thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chị Phạm Thị Thùy Vy ở phường An Lộc, thị xã Bình Long cho rằng: “Dịch vụ công trực tuyến rất tiện ích, sau khi gửi hồ sơ trực tuyến người dân có thể kiểm tra, giám sát tình trạng giải quyết hồ sơ, biết được hồ sơ của mình đang ở khâu nào trong quy trình xử lý, ngày nhận kết quả... được hiển thị minh bạch, rõ ràng”.

Cán bộ Công an thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản hướng dẫn người dân tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID

Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm 2022-2023 đã tiếp nhận và giải quyết 20.965 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tiết kiệm 50 ngàn đồng/hồ sơ, tương đương 1,05 tỷ đồng tiền hồ sơ; giúp cha mẹ học sinh tiết kiệm thời gian, chi phí đưa đón thí sinh, chi phí đi nộp hồ sơ trực tiếp. Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai thí điểm mô hình thi online tập trung qua nền tảng xác thực thẻ CCCD gắn chíp điện tử, đã giúp xác định đúng thí sinh tham gia dự thi, tránh gian lận; điểm danh học sinh thông qua việc sử dụng CCCD và camera...

Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, CCCD, định danh điện tử đã được cung cấp. Trong đó, hiệu quả rõ nhất là trên lĩnh vực y tế. Chỉ cần có CCCD gắn chíp điện tử đã được tích hợp bảo hiểm y tế là người dân có thể sử dụng để đi khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 129/129 cơ sở y tế tổ chức khám, chữa bệnh bằng CCCD thay thế thẻ bảo hiểm y tế. 399.970 công dân sử dụng CCCD khám, chữa bệnh; thanh toán không dùng tiền mặt trong khám, chữa bệnh, đạt 11,5 tỷ đồng. Ngoài sử dụng CCCD gắn chíp điện tử thay thế thẻ bảo hiểm y tế, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn còn thực hiện khai báo lưu trú qua phần mềm ASM.

Chị Trần Thị Hiền, Phòng Tiếp nhận bệnh nhân, Trung tâm Y tế thị xã Chơn Thành cho biết: Thay vì phải khai báo thông tin như trước rất mất thời gian, nay bệnh nhân chỉ cần quét mã QR trên CCCD là đã hoàn thành nhanh gọn các thủ tục đăng ký khám, chữa bệnh, rất tiện lợi.

Hai năm thực hiện Đề án 06 đã tạo được nền tảng, phương thức đột phá trong quản trị, giúp phát triển kinh tế, quản lý xã hội và phù hợp xu thế thời đại. Mặc dù vẫn tồn tại những điểm nghẽn, những khó khăn trong quá trình thực hiện, thế nhưng với vai trò nòng cốt cùng với các sở, ngành, địa phương, lực lượng công an đã nỗ lực, tích cực trên các mặt công tác, nhất là việc hoàn thiện hạ tầng, công nghệ và dữ liệu. Năm 2024, chúng tôi tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ sát, đúng thực tiễn, cụ thể - rõ người - rõ nhiệm vụ - rõ việc và rõ thời gian để đảm bảo đúng tiến độ đề án mà Chính phủ giao.

Thượng tá HỒ NGỌC CHIẾN, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh


Đề án 06 đã đi được nửa chặng đường với mục tiêu hoàn thành trong năm 2025. Điều đó đồng nghĩa với việc 2024 sẽ là năm tăng tốc, bứt phá, giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn để về đích. Kết quả của Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số nói chung góp phần mang lại văn minh xã hội, đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây là hành trình dài nhưng đầy ý nghĩa, đòi hỏi sự kiên định, không chủ quan. Để có thành công lớn phải bắt tay giải quyết ngay từ những việc nhỏ, vì mục tiêu lớn hơn đó là hạnh phúc của nhân dân.

  • Từ khóa
191628

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu