Thứ 2, 13/05/2024 09:16:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 04:39, 10/10/2022 GMT+7

HƯỞNG ỨNG NGÀY CHUYỂN ĐỔI SỐ QUỐC GIA (10-10)

Người dân, doanh nghiệp - động lực chuyển đổi số

Ngân Hà
Thứ 2, 10/10/2022 | 04:39:16 852 lượt xem
BPO - Ngày 22-4-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10-10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số (CĐS) quốc gia. Theo đó, Bình Phước lấy ngày 10-10 hằng năm làm Ngày CĐS của tỉnh. CĐS là một trong những ưu tiên hàng đầu thúc đẩy kinh tế - xã hội tại Bình Phước phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, 2 năm gần đây, Bình Phước đã “đi trước, đón đầu” trong khai thác cơ hội số, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả lĩnh vực và liên tục trong nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số ứng dụng CNTT.

Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10-10), Bình Phước đang cùng với cả nước nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của CĐS trên tinh thần CĐS vì cuộc sống tốt đẹp hơn.

THÚC ĐẨY TIÊU DÙNG SỐ

Ngày CĐS quốc gia năm nay đang nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị trong tỉnh. Các hoạt động truyền thông, hưởng ứng được các cơ quan hành chính nhà nước, doanh nghiệp (DN) và người dân trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện, quảng bá và tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, áp dụng công nghệ mới vào hoạt động thường nhật của mình.

Từ nhiều tháng nay, các tiểu thương buôn bán tại chợ Đồng Xoài đã được nhà mạng Viettel hướng dẫn đăng ký, cài đặt ứng dụng Viettel Money để thuận tiện cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Những mã VietQR đều đã được dán tại các quầy hàng chợ Đồng Xoài với hàng trăm tiểu thương đăng ký mở tài khoản giao dịch điện tử. Đến nay đã có trên 50% tiểu thương tại chợ Đồng Xoài thường xuyên có hoạt động giao dịch thanh toán điện tử. Tiểu thương được trang bị mã VietQR liên kết với các ngân hàng và ví điện tử để hỗ trợ thực hiện các giao dịch trực tuyến ngay tại chợ. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng, khi đi chợ người dân có thể cài đặt và thực hiện thanh toán mà không phải dùng tiền mặt.

Nhân viên Viettel Bình Phước hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt

Bà Nguyễn Thị Thanh, tiểu thương chợ Đồng Xoài đánh giá cao việc thực hiện thanh toán điện tử: “Tôi thấy cài đặt mã VietQR khá thuận tiện cho công việc kinh doanh, dễ dàng thanh toán khi mua lượng hàng lớn, giảm thiểu sự nhầm lẫn so với việc thanh toán bằng tiền mặt. Mặc dù nhiều người vẫn còn e dè với hình thức thanh toán qua mã như thế này nhưng tiểu thương ở đây đều khuyến khích khách hàng quét mã chuyển tiền để đôi bên đều thuận tiện”.

Đi chợ mà giờ thanh toán như ở siêu thị. Chỉ trừ một số sạp rau, quả nhỏ là phải thanh toán bằng tiền mặt. Giờ đi ra ngoài, tôi chỉ mang theo điện thoại thông minh có kết nối mạng, lúc quên mang tiền vẫn có thể thanh toán được, rất tiện lợi.

Anh NGUYỄN HUY THẾ, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng

Thanh toán không dùng tiền mặt được xem là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên số, hướng đến tiêu dùng thông minh. Cùng với các giải pháp của nhà cung cấp dịch vụ nhằm khuyến khích người dùng thì sự chủ động của người dân đã góp phần thúc đẩy kênh tiêu dùng số, dịch vụ số phát triển nhanh hơn. Để thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện các bước trong CĐS ở hầu hết các lĩnh vực từ quản lý nhà nước đến sản xuất, kinh doanh của DN. Cộng đồng DN trong tỉnh đang hưởng ứng tích cực Ngày chuyển đổi số quốc gia và Chương trình tháng 10 - Tháng tiêu dùng số, bằng việc đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số, giao dịch trực tuyến, đăng ký sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số để được hưởng ưu đãi từ các đơn vị cung cấp dịch vụ.

Chị Trần Thị Hương Sen, kế toán Công ty TNHH Hoàng Tuấn, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài cho rằng: Thời gian đầu thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử còn nhiều khó khăn, nhưng DN được các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ bằng cách đồng hành, hướng dẫn cài đặt và sử dụng, cùng với các gói giảm giá đã giúp DN tự tin chuyển đổi và nâng cao năng lực hoạt động.

TOÀN DÂN THAM GIA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Triển khai chương trình CĐS quốc gia và đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các bộ, ngành, địa phương quán triệt đến các cơ sở giáo dục thực hiện thanh toán học phí theo phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Năm học 2022-2023, ngành giáo dục Bình Phước đã triển khai phương thức thu học phí không dùng tiền mặt cho tất cả trường trong toàn tỉnh. “Hình thức thanh toán này giúp giáo viên chủ nhiệm giảm bớt áp lực, dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy. Bộ phận kế toán cũng làm việc khoa học hơn khi áp dụng hiệu quả ứng dụng CNTT trong việc kê khai rõ ràng các khoản thu - chi trong nhà trường. Hiện 70% các khoản thu của các khối lớp đều đã thực hiện bằng phương thức này” - cô Phan Thị Hoài Ân, giáo viên Trường THCS Tân Phú, huyện Đồng Phú hài lòng với sự thay đổi này.

Công ty TNHH Hoàng Tuấn, phường Tân Xuân, TP. Đồng Xoài hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia và Chương trình tháng 10 - Tháng tiêu dùng số bằng việc đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, chữ ký số và đẩy mạnh giao dịch trực tuyến

Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia và Ngày CĐS của tỉnh, các DN viễn thông đang đồng hành với tỉnh trong tiến trình CĐS bằng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi khách hàng khi đăng ký sử dụng sản phẩm, dịch vụ số, từ đó kích cầu tiêu dùng số, mở rộng thị trường.

Anh Nguyễn Văn Hanh, Phó Giám đốc Dịch vụ số và thương mại điện tử Chi nhánh Bưu chính Viettel Bình Phước cho biết: Viettel đang xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm, giải pháp CNTT phù hợp với đa dạng nhu cầu của người dân, DN. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ, điểm kinh doanh, buôn bán bằng cách miễn phí cài đặt 100% các điểm chấp nhận thanh toán. DN mới thành lập được giảm giá 50% khi đăng ký sử dụng dịch vụ và hỗ trợ các phần mềm miễn phí SMS. Viettel sẽ đồng hành với tỉnh triển khai cho 40% cơ sở giáo dục thanh toán không dùng tiền mặt; 50% DN sử dụng hóa đơn điện tử… nhằm hưởng ứng mạnh mẽ ngày CĐS quốc gia và lan tỏa tinh thần CĐS trong toàn dân và cộng đồng DN trên toàn tỉnh.

Chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như: Ra quân phổ biến, hỗ trợ người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Khuyến khích mỗi DN có sáng kiến CĐS trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mở các chương trình khuyến mãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ số. Tổ chức các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giải pháp về CĐS trong các lĩnh vực... Mục tiêu cuối cùng của CĐS là phục vụ người dân, lấy người dân là chủ thể và mục tiêu, động lực của CĐS.

Anh HOÀNG VĂN HẬU, Phó trưởng Phòng Bưu chính viễn thông - Công nghệ thông tin, Sở Thông tin và Truyền thông 


Bình Phước là một trong những địa phương trong top đầu cả nước về chuyển đổi số. Chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2021, Bình Phước đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thông qua các hoạt động của ngày CĐS tiếp tục nâng cao hiểu biết cho toàn xã hội về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động CĐS, đồng thời huy động sự tham gia của toàn dân trong công cuộc CĐS quốc gia.


  • Từ khóa
152452

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu