Thứ 2, 20/05/2024 11:07:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 15:00, 23/05/2022 GMT+7

Để sản phẩm OCOP tiếp cận thị trường nước ngoài

Minh Đức (Báo Quảng Ninh)
Thứ 2, 23/05/2022 | 15:00:10 671 lượt xem
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã và đang tạo được dấu ấn đối với người tiêu dùng trong tỉnh và các thị trường trong nước qua các kỳ hội chợ, quảng bá xúc tiến. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa hơn, tiếp cận được thị trường tiềm năng nước ngoài thì doanh nghiệp, nhà sản xuất sản phẩm cần phải nỗ lực và đổi mới, nâng cao chất lượng hơn nữa.

Các doanh nghiệp chủ động thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm giới thiệu đến khách hàng. (Ảnh chụp tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022).

Theo thống kê của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, đến nay, Chương trình OCOP của Quảng Ninh đã phát triển được 502 sản phẩm OCOP, với 272 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, 5 sao cấp quốc gia: 3 sản phẩm; 5 sao cấp tỉnh: 3 sản phẩm; 4 sao: 70 sản phẩm; 3 sao: 196 sản phẩm. Việc phát triển các sản phẩm OCOP qua từng năm đã ngày càng khẳng định uy tín và thương hiệu của chương trình OCOP Quảng Ninh. Từ đó, tạo tiền đề để dần hoàn thiện sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, tiến tới đưa sản phẩm OCOP hướng tới thị trường nước ngoài.

Để sản phẩm OCOP được tiếp cận nhiều hơn với thị trường, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở Công Thương đã tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại đưa sản phẩm OCOP tiêu biểu giới thiệu các thị trường trong và ngoài nước, xây dựng cơ sở dữ liệu và tham gia phân phối trên các sàn thương mại điện tử uy tín để các nhà sản xuất, đối tác kết nối, đặt hàng. Đơn cử như Hội chợ triển lãm Trung Quốc - ASEAN; các kỳ hội chợ OCOP của tỉnh hằng năm; tham gia chương trình hội chợ, triển lãm ở ngoài tỉnh như TP Hà Nội, TP Hải Phòng...

Với mục tiêu luôn đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đưa sản phẩm OCOP tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới, Sở Công Thương đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản phẩm OCOP, hướng tới tìm kiếm thị trường tiềm năng. Cụ thể, giao Phòng Quản lý thương mại tham mưu lĩnh vực tổ chức các hội chợ; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh; tham mưu cử cán bộ làm đầu mối có liên quan đến các chương trình xúc tiến thương mại, sản phẩm OCOP của tỉnh; Văn phòng Sở tham mưu việc lập kế hoạch ngân sách đối với các hoạt động xúc tiến thương mại và hoạt động khuyến công; Trung tâm Xúc tiến và Phát triển Công Thương thực hiện nhiệm vụ xúc tiến thương mại.

Đặc biệt, công tác kết nối thị trường nhằm phát huy thế mạnh các sản phẩm trên sàn giao dịch, tối ưu giá trị các sản phẩm, nâng tính cạnh tranh, tạo nguồn sản phẩm cung cấp cho thị trường ổn định và lâu dài đang được tỉnh tập trung đẩy mạnh. Bà Nguyễn Hoài Thương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh, chia sẻ: Tỉnh đang trên hành trình thực hiện chuyển đổi số toàn diện, đây là điều kiện hết sức quan trọng, tiền đề để đưa các sản phẩm của tỉnh vươn xa tới các thị trường trong và ngoài nước. Việc ứng dụng công nghệ số, xây dựng kênh phân phối mới đang trở thành một phương án hữu hiệu cho các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh, mang đến cơ hội mới từ nhu cầu mới phát sinh của thị trường.


Người dân có thể quét mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm và thanh toán trực tuyến sản phẩm OCOP tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2022.

Xác định công tác truy xuất nguồn gốc hàng hóa là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp, nhà sản xuất có thể đưa sản phẩm OCOP tiến xa hơn trong thời gian tới, Sở KH&CN đã có tờ trình đề nghị Sở TT&TT thẩm định Đề cương và dự toán chi tiết hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin “Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm, hàng hóa tỉnh Quảng Ninh” và trình UBND tỉnh xem xét. Sau khi được thông qua sẽ giúp cho việc quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc theo chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được thuận tiện hơn.

Cùng với đó, để sản phẩm OCOP đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của thị trường, các đơn vị sản xuất tham gia chương trình OCOP ngày càng mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá xúc tiến được quan tâm. Tỉnh cũng tạo điều kiện giúp các đơn vị đưa những sản phẩm đạt chuẩn OCOP tham gia hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, cho biết: Để sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khẳng định được thị trường trong nước và tìm kiếm được thị trường nước ngoài, thời gian tới, đơn vị ưu tiên đẩy mạnh việc liên kết vùng, liên kết sản xuất để phát triển sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng cường phối hợp, xây dựng các chuỗi liên kết, chú trọng công tác tư vấn, hỗ trợ phát triển tổ chức, phát triển sản phẩm. Riêng trong năm 2022, phấn đấu có 2-4 sản phẩm tiềm năng 5 sao để tham gia dự thi đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia. Từ đó, tiếp tục hỗ trợ đưa các sản phẩm tiềm năng của tỉnh đến các kênh, điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

  • Từ khóa
142787

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu