Thứ 2, 20/05/2024 13:31:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 09:40, 20/04/2022 GMT+7

NGÀY SÁCH VÀ VĂN HÓA ĐỌC VIỆT NAM NĂM 2022

Thắp lửa văn hóa đọc trong kỷ nguyên số

Thanh Nga
Thứ 4, 20/04/2022 | 09:40:10 1,079 lượt xem
BPO - Sách giấy truyền thống, sách điện tử trên thiết bị hiện đại hay sách nói bằng âm thanh… tất cả đều mở ra kho tri thức vô hạn cho người đọc. Trong nhịp sống thời công nghệ, mỗi người có thể lựa chọn cho mình cách để tiếp cận tri thức từ sách. Nhưng bất kể đọc bằng phương pháp nào, sách vẫn luôn mang lại cho chúng ta những kiến thức phong phú. Một quyển sách nhỏ nhưng là một thế giới lớn được mở ra với vô số điều thú vị. Duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại số chính là cách để mỗi người tích lũy thêm tri thức cho mình cũng như có những giây phút thư giãn sau một ngày căng thẳng và không bị tụt hậu so với thế giới bên ngoài.

Đưa sách gần hơn với bạn đọc

Theo kế hoạch đã ban hành từ trước, trong tuần 3 của tháng 4, xe thư viện lưu động của Thư viện tỉnh đến Trường TH&THCS Thanh Phú, thị xã Bình Long, phục vụ nhu cầu đọc sách của tập thể giáo viên, học sinh. Xe được linh động bố trí thư viện điện tử với 6 máy tính có kết nối internet và thư viện truyền thống với trên 4.500 sách, tạp chí, báo. Hình thức sắp xếp rất bắt mắt và hài hòa với các giá đỡ, ngăn chứa trong ôtô, nên ngay khi vào đến khuôn viên trường, chiếc xe nhanh chóng thu hút sự chú ý của giáo viên, học sinh. Chỉ cần chọn được một quyển sách yêu thích là có thể say sưa thả tâm trí trải nghiệm hành trình tri thức đặc biệt trong sách. Em Hồ Nguyên Ngọc Hồng Như, học sinh Trường TH&THCS Thanh Phú chia sẻ: Những thư viện như thế này mang lại rất nhiều giá trị. Đầu sách thì đa dạng, phong phú, ai cũng có thể lựa chọn được thể loại mà bản thân yêu thích để đọc.

Học sinh Trường TH&THCS Thanh Phú, thị xã Bình Long hào hứng với các loại sách do xe thư viện lưu động tổ chức trong khuôn viên trường 

So với thư viện truyền thống, điểm khác biệt của mô hình này là cách thức phục vụ linh hoạt, học sinh có thể đọc sách ngay tại trường trong một không gian mở, giúp các em phát triển sự sáng tạo và niềm yêu thích đọc sách. Đặc biệt, dù có 2 nội dung trình bày nhưng sách giấy vẫn luôn được đón nhận từ học sinh. “Em thích đọc sách giấy hơn sách điện tử, vì nó giúp em đỡ đau mắt và kiến thức, thông tin cũng đáng tin cậy hơn. Em rất vui khi có những xe thư viện lưu động như thế này” - em Mai Đức Anh Duy, học sinh Trường TH&THCS Thanh Phú phấn khởi. 

Thực tế, dù thư viện ở các trường vẫn có nhiều đầu sách nhưng chưa thể đa dạng và phong phú để đáp ứng nhu cầu đọc của học sinh. Chính vì thế, những thư viện lưu động như cách Thư viện tỉnh đang tổ chức là mô hình giúp các em tiếp cận tích cực hơn với sách, qua đó dần hình thành thói quen đọc sách trong trường học. Cô Lê Thị Minh Thu, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Thanh Phú chia sẻ: Để khuyến khích phong trào đọc sách trong học sinh, trường thường xuyên bổ sung các đầu sách. Tuy nhiên, sách không thể đa dạng như các xe thư viện lưu động được. Rất mong Thư viện tỉnh sẽ kết hợp với các trường học, thường xuyên có những chuyến xe như thế này để học sinh được tiếp cận nhiều hơn thông tin và kiến thức bổ ích.

Phát huy những kết quả đã làm được, năm 2022, Thư viện tỉnh phối hợp với các trường sẽ tổ chức trên 30 chuyến xe thư viện lưu động, chở tri thức đến với mọi người, đặc biệt là các em học sinh. Tại những nơi dừng chân, thư viện lưu động đã mang đến một không gian đọc sách hoàn toàn mới, giúp các em được tiếp cận nhiều hơn với các thể loại sách, góp phần khơi dậy đam mê đọc sách và lan tỏa văn hóa đọc đến với nhiều người.


Khát vọng chinh phục tri thức

Bên cạnh những thư viện xanh, thư viện lưu động hay thư viện điện tử, trong thời đại công nghệ 4.0, các tủ sách gia đình là điều vô cùng cần thiết, bởi đó là cách gần nhất để hình thành văn hóa đọc đối với mỗi người. Một tủ sách dù lớn hay nhỏ đều là cách để mỗi người chinh phục nguồn tri thức, từ đó áp dụng trong cuộc sống cũng như công việc của mình. 

Tủ sách của gia đình anh Phạm Hữu Hiến ở phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài có khoảng 500 đầu sách xoay quanh 4 chủ đề: lịch sử, văn hóa, văn học và các sách ngoại văn, liên quan đến ngôn ngữ. Dù đa dạng đầu sách nhưng làm thế nào để đọc sách hiệu quả và lĩnh hội được tri thức đó, luôn là điều mà anh Hiến đào sâu học hỏi và ứng dụng. “Mỗi người sẽ có cách đọc sách khác nhau, nhưng tôi thường đọc theo chủ đề, thời điểm nào cần chủ đề gì thì đọc chủ đề đó. Muốn hiểu được nội dung sách, trước hết cần đọc mục lục, sau đó ghi chép từng nội dung vào sổ, để khi cần có thể kiếm thông tin được nhanh nhất. Đó là cách tôi hay áp dụng khi đọc sách, dù đọc tại nhà hay tại các thư viện” - anh Phạm Hữu Hiến chia sẻ. Duy trì thói quen đọc sách, với anh không chỉ là cách để lĩnh hội kiến thức, đó còn là cách để lan tỏa phong trào đọc sách đến những người xung quanh, trước hết chính những người con của mình.

Để gieo được một tình yêu thực sự thì người đọc phải hiểu giá trị của sách và nó mang lại gì cho mình. Tôi hay nói với các con: Sách là nguồn tri thức cần thiết. Kiến thức 12 năm học vẫn chưa đủ, cần đọc để khi ra đời, sách chính là tài sản để các con có thêm vốn sống.

Anh Phạm Hữu Hiến, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài


“Việc đọc sách rất quan trọng. Và khi bạn biết phương pháp đọc, cả thế giới sẽ ở trong tầm tay của bạn”. Câu nói này một lần nữa khẳng định vai trò của việc đọc sách đối với mọi người. Đọc sách dù bằng phương pháp nào cũng mang đến những lợi ích về mặt kiến thức cho người đọc. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số, bên cạnh duy trì cách đọc sách giấy truyền thống, Thư viện tỉnh cũng triển khai nhiều cách làm để ứng dụng hiệu quả chương trình “Chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến 2030”, qua đó lan tỏa mạnh hơn phong trào và mọi người có thể đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi.

  • Từ khóa
140458

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu