Thứ 2, 20/05/2024 18:06:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 14:41, 17/02/2022 GMT+7

Giáo dục nghề nghiệp tạo đột phá từ chuyển đổi số

Ngân Hà
Thứ 5, 17/02/2022 | 14:41:15 2,718 lượt xem
BPO - Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2222/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin theo kịp với chương trình chuyển đổi số. Một số trường đã đầu tư mạnh vào thiết bị số để giảng dạy thực hành cho sinh viên. Phát triển chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng công nghệ sẽ là bước ngoặt lớn để các trường đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động và kinh tế toàn cầu trong thời đại 4.0.

Đưa công nghệ vào từng tiết học

Mỗi tiết học trực tuyến của ngành công nghệ ôtô, Khoa Kỹ thuật công nghệ, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su (TP. Đồng Xoài), giảng viên đều sử dụng kết hợp giữa máy tính, màn hình máy chiếu cùng với video hướng dẫn. Việc sử dụng linh hoạt các thiết bị công nghệ cùng với các mô hình mô phỏng động cơ ôtô đã giúp các bài giảng được trực quan, sinh động. Nhờ đó, những tiết học về lý thuyết nhưng vẫn lôi cuốn và nhận được sự hào hứng tương tác của sinh viên.

Được học tập và trang bị những kỹ năng số khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ trang bị cho sinh viên Trường cao đẳng Công nghiệp cao su nhiều lợi thế nghề nghiệp sau khi ra trường

Ông Nguyễn Hữu Ninh, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật công nghệ cho biết: Trong thời điểm học sinh, sinh viên không thể đến trường do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi môn học, giáo viên đều linh hoạt thiết kế các bài giảng online, kết hợp với video hướng dẫn trực quan, sinh động để học sinh, sinh viên tiếp thu bài học tốt nhất. Sau thời gian ứng dụng công nghệ vào giảng dạy, thông qua các bài giảng trực tuyến, các em hào hứng không kém các bài giảng trực tiếp. Hình thức giảng dạy có sự hỗ trợ của công nghệ mở ra kho kiến thức đa dạng, phong phú, thúc đẩy một nền giáo dục mở.

Chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN được xem là cơ hội mà trường đang nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng đào tạo thích ứng với từng hoàn cảnh.

Ông Lê Văn Phương, giảng viên Khoa Kế toán, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su

Để học sinh, sinh viên tiếp cận với các động cơ hiện đại, thông dụng nhất hiện nay, trường đã đầu tư trên 1 tỷ đồng cho các mô hình động cơ ôtô. Mục tiêu của mô hình này là giúp sinh viên, học viên tiếp cận những kiến thức, cách làm sát với thực tế để khi ra trường các em không bị bỡ ngỡ, doanh nghiệp cũng không phải hướng dẫn lại cách vận hành những thiết bị hiện đại.

“Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang cần nguồn lao động chất lượng cao với các ngành nghề như cơ khí, ôtô, điện, điện tử... Mỗi giáo viên và cán bộ quản lý cũng không ngừng trau dồi kỹ năng số để nâng cao chất lượng GDNN” - ông Lê Văn Phương, giảng viên Khoa Kế toán chia sẻ.

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng giáo dục

Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố hàng đầu trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của doanh nghiệp. Vì vậy, Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cũng đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt nhu cầu thị trường, từ đó chuyển đổi chương trình giảng dạy, cho học sinh, sinh viên cọ xát với thực tế nhiều hơn. Em Nguyễn Thị Ngọc Ánh, lớp Cao đẳng 20 kế toán cho biết: “Kiến thức chuyên môn là điều bắt buộc mà sinh viên cần nắm vững khi ra trường. Với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng yêu cầu người lao động phải có thêm kỹ năng về ngoại ngữ, tin học và đặc biệt là phải biết sử dụng các thiết bị công nghệ mới, hiện đại. Được học tập và trang bị những kỹ năng số khi còn ngồi trên ghế nhà trường sẽ giúp cho sinh viên nhiều lợi thế nghề nghiệp sau khi ra trường”.

Bình Phước có 23 cơ sở GDNN đang hoạt động, trong đó 2 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 8 trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên, 4 trung tâm GDNN, 6 đơn vị có đăng ký hoạt động GDNN. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GDNN sẽ giúp các trường đổi mới phương thức đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đẩy mạnh triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số, trường đã đầu tư hạ tầng, nền tảng, thiết bị hiện đại phục vụ dạy và học; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá học sinh. Trường thường xuyên đánh giá nhu cầu xã hội, thị trường việc làm để mở các ngành nghề mới. Trong năm 2021, trường đã được Tổng cục GDNN cho phép đào tạo thêm 3 nghề trình độ cao đẳng, 1 nghề trình độ trung cấp, 1 nghề trình độ sơ cấp, nâng tổng số nghề hiện nay trường đang đào tạo trình độ cao đẳng 10 nghề, trung cấp 11 nghề, 27 nghề trình độ sơ cấp.

Ông Bùi Đình Ninh, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp cao su cho biết: Đưa công nghệ vào giảng dạy, thay thế dần các phương thức dạy học truyền thống, mục tiêu trường hướng tới là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cần thiết của doanh nghiệp. Cùng với đó là phát triển quan hệ hợp tác và duy trì kết nối với doanh nghiệp từ khâu tuyển sinh, đào tạo, đánh giá kỹ năng nghề và giới thiệu việc làm cho học viên sau khi ra trường. Mỗi năm trường đào tạo khoảng 600 lao động có tay nghề cao, phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Mục tiêu của chương trình chuyển đổi số trong GDNN giai đoạn 2025-2030 là hình thành nền tảng số GDNN quốc gia và kho học liệu, tài nguyên số dùng chung. Phấn đấu 100% trường cao đẳng, trung cấp có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối với nền tảng số GDNN quốc gia. 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; tích hợp kết quả học tập lên môi trường số… Vì vậy, để nâng cao vị thế GDNN trong xã hội cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hệ thống GDNN trong tỉnh phải tập trung thực hiện chuyển đổi số nhanh, mạnh hơn để đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế.

  • Từ khóa
137183

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu