Thứ 2, 20/05/2024 17:20:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chuyển đổi số 05:05, 18/01/2022 GMT+7

Giá trị hạnh phúc tạo dựng từ xã hội số

Ngân Hà
Thứ 3, 18/01/2022 | 05:05:55 576 lượt xem
BPO - Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 về chuyển đổi số toàn diện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được Bình Phước xây dựng dựa trên những thành quả đạt được của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Mục tiêu của nghị quyết là tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong phát triển kinh tế - xã hội từ chuyển đổi số. Trong 3 trụ cột của chuyển đổi số thì xã hội số chính là yếu tố “nền”, vì vậy ý thức của người dân trong việc chủ động sử dụng các dịch vụ số, hình thành “công dân số” là yếu tố mang tính quyết định thành công của công cuộc chuyển đổi số.

Công dân số - nền tảng chuyển đổi số

Ðã thành thói quen, mỗi khi có nhu cầu nộp thủ tục hành chính, anh Bùi Minh Thắng ở thôn Phước Lộc, xã Phước Tín, TX. Phước Long, lại vào cổng dịch vụ công được cài đặt trên điện thoại thông minh của mình để đăng ký và nộp hồ sơ trực tuyến. Làm thủ tục đăng ký giấy khai sinh cho con, thay vì phải đến bộ phận một cửa của xã như trước thì nay anh Thắng ngồi nhà soạn và nộp hồ sơ trực tuyến với thủ tục đơn giản hơn rất nhiều và chỉ mất khoảng 10 phút để hoàn tất thủ tục này. Đây chính là một trong những lợi ích người dân được thụ hưởng khi xã thực hiện chuyển đổi số. 

Người dân phường Long Thủy dùng công nghệ thông tin để tham gia các hoạt động xã hội, chính trị và chính quyền

“Không chỉ với các thủ tục đơn giản mà ở những lĩnh vực có nhiều giấy tờ phức tạp như đất đai, bảo hiểm y tế, tôi cũng thực hiện trên mạng. Điều này đang tạo thuận lợi rất lớn không chỉ với bản thân tôi mà còn giảm áp lực cho cán bộ, công chức bộ phận một cửa các cấp. Với dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tôi có thể giao tiếp với chính quyền 24/24 giờ trong ngày, tại bất cứ nơi đâu có kết nối internet” - anh Thắng cảm nhận.

Phước Tín là một trong 4 xã, phường của TX. Phước Long được chọn để chuyển đổi số toàn diện, vì vậy xã đã ưu tiên lựa chọn các lĩnh vực được xem là thế mạnh để làm điểm nhân rộng và rút kinh nghiệm như: mô hình camera an ninh; chuyển đổi số mô hình Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé. Mục tiêu xã hướng tới là trở thành xã nông thôn mới thông minh toàn diện, giúp người dân trở thành “công dân số” chủ động trong việc tiếp cận và cung cấp thông tin với các cấp chính quyền. 

Công dân số được hiểu là người dân dùng công nghệ thông tin để tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị và chính quyền. Công dân số là những người sử dụng internet thường xuyên và hiệu quả. Làm bí thư chi bộ đã nhiều năm nên ông Nguyễn Hữu Hợi, Bí thư chi bộ, Trưởng khu phố 3, phường Long Thủy, TX. Phước Long hiểu rất rõ những lợi ích khi biết tận dụng công nghệ vào công việc của mình: “Mỗi ngày, tôi tiếp nhận hàng chục công văn, thông báo từ phường đưa tới. Nếu cứ phải đến từng nhà dân để tuyên truyền thì sẽ rất mất thời gian. Mạng xã hội cùng với dịch vụ tin nhắn SMS của phường đã giúp người dân tiếp cận thông tin kịp thời, nhanh chóng”. 

Chuyển mình để thích ứng

Trong các giải pháp xây dựng xã hội số, UBND phường Long Thủy, TX. Phước Long đã đưa vào hoạt động chương trình gửi tin nhắn SMS đến số điện thoại người dân. Đây chính là cách làm linh hoạt, đảm bảo mỗi người dân đều nhận được đầy đủ thông tin thông báo hằng ngày của chính quyền. “Được sự hỗ trợ chính sách khuyến mãi từ các tập đoàn viễn thông, gói SMS - nhắn tin cho người dân, phường Long Thủy đã chuyển tải các nội dung tin nhắn liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm của người dân về thủ tục hành chính, an ninh trật tự, thông tin thời sự, công tác phòng, chống dịch, lịch tiêm chủng kịp thời đến người dân. Thông tin được phân cấp theo từng nhóm đối tượng, từ đó tuyên truyền hiệu quả hơn. Đảm bảo tất cả thuê bao di động có đăng ký đều nhận được thông báo, ngay cả khi không có internet” - bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND phường Long Thủy nhấn mạnh.

Mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ số chưa đạt như kỳ vọng nhưng số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến có sự cải thiện. Sự thích ứng, chủ động thay đổi tư duy, thói quen, chuyển từ “công dân truyền thống” giao dịch trực tiếp, sang “công dân số” tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch hành chính công trực tuyến. Đây chính là những giải pháp “nền” giúp mục tiêu chuyển đổi số toàn diện cấp phường sẽ sớm thành hiện thực.

Chị Trần Thị Thanh Hà, công chức tư pháp - hộ tịch phường Long Thủy, TX. Phước Long tự tin.

Ngoài ra, phường Long Thủy còn chú trọng xây dựng tác phong, phương pháp làm việc của cán bộ với người dân, tạo ra hình ảnh người cán bộ thân thiện, trách nhiệm, làm hết việc chứ không hết giờ, hướng tới sự hài lòng của người dân. Bộ phận một cửa của phường được trang bị cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhiệm vụ cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số. Từ sự sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp nhu cầu thực tiễn trong chuyển đổi số đã tạo ra hình ảnh chính quyền thân thiện, gần dân, trách nhiệm.

Trong xây dựng xã hội số, Bình Phước đã và đang chuẩn bị khá kỹ về hạ tầng công nghệ nhằm tăng tính kết nối, liên thông, tương tác giữa người dân với các tổ chức và giữa người dân với chính quyền. Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 về chuyển đổi số của tỉnh cũng nhấn mạnh, mục tiêu phát triển xã hội số đến năm 2025 là mọi người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ được định danh và lưu giữ dưới dạng số hóa. Khuyến khích người dân áp dụng công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống… Điều này cũng đặt ra yêu cầu mỗi người dân phải tự chuyển mình để thích ứng với công cuộc số hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên tất cả lĩnh vực để xây dựng Bình Phước ngày càng văn minh, mang lại giá trị hạnh phúc cho từng người dân.

  • Từ khóa
135590

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu