Thứ 2, 20/05/2024 12:46:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:18, 17/02/2013 GMT+7

Tội phạm hay phạm tội?

Chủ nhật, 17/02/2013 | 14:18:00 86 lượt xem

Tại Khoản 2, Điều 32 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Người bị buộc tội có quyền được Tòa án xét xử. Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm. Ở vế thứ nhất của khoản này tôi không có ý kiến, nhưng ở vế thứ hai với nội dung: Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, thì theo tôi là không chặt chẽ và thiếu chính xác.

Trong cuốn Từ điển Tiếng Việt của Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2002, trang 711 có viết như sau: Phạm tội là “làm điều tội lỗi”. Cũng sách trên, ở trang 918 có ghi: Tội phạm là “người phạm tội”. Như vậy, nếu sử dụng cụm từ “tội phạm” ở đây là không chính xác. Vì như vậy, ở vế này cũng có thể được hiểu là “Không ai bị kết án hai lần vì một người phạm tội”. Hơn nữa, tại Khoản 1 của Điều 22 cũng đã quy định rõ như sau: 1. Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Có nghĩa là một người nào đó chỉ khi bị tòa tuyên án kết tội và bản án có hiệu lực thì mới được xem là phạm tội, có tội. Từ quan điểm này, chúng ta xem xét lại dưới góc độ ngữ nghĩa đối với quy định trong vế thứ hai của Khoản 2, Điều 32: Không ai bị kết án hai lần vì một tội phạm, sẽ thấy rõ điều không ổn. Bất cập là ở chỗ “một tội phạm”, tức là khẳng định đã phạm tội, đã có tội. Mà một người đã bị tuyên là có tội thì làm sao có thể tuyên có tội một lần nữa. Do vậy, quy định như trên là thừa và không rõ nghĩa, dễ dẫn đến sự hiểu lầm. Theo tôi, ở vế thứ hai của Khoản 2, Điều 32 cần được viết lại như sau: Không ai bị kết án hai lần về một hành vi phạm tội.

Tại Khoản 1, Điều 34 có ghi: 1. Mọi người có quyền tự do kinh doanh. Nếu ghi như vậy tức là kể cả người già không còn đủ sức khỏe và độ minh mẫn, hay trẻ em đang ngồi trên ghế trường phổ thông và thậm chí là cả những người không có đủ năng lực hành vi dân sự cũng có quyền kinh doanh. Nếu quy định như vậy sẽ gây bất ổn cho hoạt động kinh doanh trên thị trường. Vì trẻ em, người già lẩm cẩm và người không có đủ năng lực hành vi dân sự làm sao có thể tự quyết, tự chịu trách nhiệm về tài sản của mình trong kinh doanh. Vì vậy, theo ý kiến của tôi thì ở khoản này cần bỏ từ “người” và thêm cụm từ “công dân đều” sau từ “mọi”. Và khoản này được viết lại như sau: Mọi công dân đều có quyền tự do kinh doanh.

Cũng từ quan điểm trên, theo tôi nội dung của Điều 35: “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội”, cần được sửa lại. Vì nếu viết như vậy thì chỉ có công dân mới có quyền được bảo đảm an sinh xã hội, còn những người khác chưa phải là công dân, hoặc những người bị tước quyền công dân thì không được bảo đảm an sinh xã hội. Điều này không đúng với quan điểm vì con người của Đảng ta và truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta là “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Vì vậy, theo tôi ở điều này cần bỏ cụm từ “công dân” và thay vào đó là cụm từ “mọi người đều”. Và điều này được viết lại như sau: Mọi người đều có quyền được bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Khoản 2, Điều 37 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý. Việc khám xét chỗ ở do luật định. So với Hiến pháp hiện hành, ở vế thứ nhất của khoản này đã được bổ sung cụm từ “hợp pháp” sau từ “chỗ ở”. Theo tôi, quy định như vậy là đúng, là hợp lý và chặt chẽ. Nhưng ở khoản này cũng đã bổ sung thêm vế thứ hai với cụm từ: Việc khám xét chỗ ở do luật định. Theo tôi, quy định như vậy là thừa. Ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, quyền khám xét nơi ở của công dân cũng đều do pháp luật quy định và ai cũng biết nếu không được pháp luật cho phép thì hành vi khám xét chỗ ở của người khác là phạm pháp. Vì vậy, theo tôi thì vế thứ hai của khoản này là không cần thiết và nên giữ như Hiến pháp hiện hành, tức là “có thêm cụm từ “Trừ trường hợp được pháp luật cho phép”. Và khoản này được viết lại như sau: Không ai được tự ý vào chỗ ở hợp pháp của người khác nếu không được người đó đồng ý, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.

Luật gia: N.V

(Hội Luật gia tỉnh)

  • Từ khóa
108177

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu