Thứ 4, 08/05/2024 19:43:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:45, 20/08/2019 GMT+7

Chuyện về Lê Uy Mục

Thứ 3, 20/08/2019 | 14:45:00 1,397 lượt xem

BP - Sử cũ chép lại rằng, từ khi lên ngôi, vua Lê Uy Mục chỉ ham rượu chè, gái đẹp và giết người. Việc triều chính, vua bỏ bê cho bọn hoạn quan và bên họ ngoại khuynh đảo, lộng hành, chèn ép, vơ vét của cải của dân chúng, khiến cuộc sống người dân vô cùng cực khổ mà không biết kêu ai. Lê Uy Mục còn có những thú vui tiêu khiển quái đản như giết phi tần, cung nhân sau mỗi lần hành lạc hay xem quản tượng đánh nhau...

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lê Uy Mục có tên húy là Lê Tuấn, là vị vua thứ 8 của nhà hậu Lê và là con thứ hai của vua Lê Hiến Tông với Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn Thị Cận. Mẹ của vua Lê Uy Mục là người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Giang. Lê Uy Mục lên ngôi sau khi vua em là Lê Túc Tông mất sớm ở tuổi 17.

Về việc lên ngôi của vua Lê Uy Mục, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có viết: Tháng 12-1505, mồng 6, vua Lê Túc Tông sắc dụ triều thần là Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Cống Xuyên bá Lê Năng Nhượng và các quan văn võ rằng: Bệnh trẫm chưa khỏi, lo rằng việc phó thác nặng nề e sẽ không kham. Con thứ hai của tiên hoàng đế là Tuấn, là người hiển minh, nhân hiếu, có thể nối được ngôi chính thống để thừa kế tổ tông, vỗ về thân dân. Đại thần và các quan hãy hết lòng trung trinh để giúp nên nghiệp lớn. Thân vương nào dám tiếm vượt ngôi trời thì người trong nước cùng nhau giết đi.

Mồng 7, vua ốm nặng. Mồng 8, vua băng hà ở điện Hoàng Cực, có di chiếu cho các quan để tang theo đúng lễ cổ. Ngày 18, Trung quân Đô đốc phủ tả đô đốc Bình Sơn hầu Lê Quảng Độ, Tông nhân lệnh Tự ân sứ Lê Năng Nhượng cùng các công, hầu, bá, phò mã, đô úy, các quan năm phủ, sáu bộ, Ngự sử đài, Đông các, Hàn lâm, Lục tự, Lục khoa, đề hình các quan 13 đạo cùng đến điện Hương Minh kính đón con thứ hai của Hiến Tông là Tuấn lên ngôi hoàng đế.

Tuy nhiên, trái với niềm tin về một vị vua “hiền minh, nhân hiếu” mà vua Lê Túc Tông mong muốn, vua Uy Mục hoàn toàn là một vị vua ăn chơi vô độ, ham rượu chè, gái đẹp, tàn bạo giết hại nhiều người vô tội. Ngay khi vua Lê Uy Mục mới lên làm vua thì giết tổ mẫu là bà thái hoàng thái hậu, tức Trường Lạc hoàng hậu của vua Lê Thánh Tông, vì lẽ trước đây thái hậu Trường Lạc có ý không chịu lập Lê Uy Mục lên ngôi vua. Mặc dù theo sự ủy thác của người em là vua Túc Tông, thái tử Tuấn được chọn là người kế vị, song hoàng thái hậu Trường Lạc kịch liệt phản đối.

Theo bà, việc hoàng tử Tuấn là con của kẻ nữ tì, xuất thân hèn kém không được giáo dục tử tế, lên ngôi thiên tử là không thể chấp nhận. Bà cũng khẳng khái mà nói rằng, hoàng tử Tuấn là kẻ không có tư chất của bậc vương giả. Sở dĩ hoàng thái hậu Trường Lạc nói vậy là bởi, mẹ của vua Lê Uy Mục là Nguyễn Thị Cận vốn mồ côi cha từ nhỏ, nhà lại nghèo khó nên tự bán mình cho một viên quan nhỏ ở Đông Đô. Khi người này phạm tội thì Nguyễn Thị Cận bị triều đình bắt vào làm nô tỳ trong Cấm thành.

Bấy giờ, hoàng hậu Trường Lạc đang phải ở cung riêng, Nguyễn Thị Cận được vào hầu hoàng hậu ở đó. Vua Hiến Tông lúc này đang là thái tử vào thăm mẹ, thấy Nguyễn Thị Cận lần đầu đã đem lòng yêu mến, rồi lấy làm thiếp. Nguyễn Thị Cận sinh hạ được hoàng tử Tuấn, rồi qua đời. Lúc này Kính Phi, vốn là ái phi của vua Hiến Tông, đã nhận Tuấn làm con nuôi. Sau này, hoàng tử Tuấn biết chuyện giữ trong lòng mối thâm thù.

Lên ngôi chưa được bao lâu, khi việc triều chính vừa ổn định, vua Uy Mục đã sai quân đến cung bắt thái hoàng thái hậu Trường lại và cũng là bà nội của mình đem giết, rồi cho nghỉ thiết triều 7 ngày. Chép về việc này, sử sách có ghi rằng: Mẹ vua là Chiêu Nhân hoàng thái hậu Nguyễn thị, húy là Cận, người làng Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, lúc bé mồ côi cha, nhà nghèo, tự bán mình cho người ở phủ Phụng Thiên, sau nhà ấy có tội, Nguyễn thị bị tịch thu sung làm quan tỳ, do đó được vào hầu Quản Ninh hoàng hậu.

Lời bàn:

Theo sử cũ, “Hồng Đức thịnh thế” là thời trị vì của vua Lê Thánh Tông - người nổi tiếng thông minh, tài giỏi nhất trong số các vị vua Việt Nam nói chung và các vua thời Lê sơ nói riêng. Ông đã tiến hành cải cách chính trị, mở mang học hành, chỉnh đốn võ bị, đề cao văn hóa... đưa quốc gia phát triển rực rỡ về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội, đến giáo dục, quân sự và trở thành một cường quốc, làm nên nền quân chủ chuyên chế Việt Nam đạt đến đỉnh cao vàng son. Điều này khiến vua Lê Thánh Tông trở thành một trong những vị hoàng đế vĩ đại nhất của lịch sử phong kiến Việt Nam và là hiện thân của một thời đại hoàng kim của quốc gia Đại Việt.

Thế nhưng, trong việc lựa chọn người kế vị và giữ vững ngai vàng thì Lê Thánh Tông giỏi đến mấy... cũng đành bất lực. Sử sách chép rằng: Một hôm, vua nói với Lương Thế Vinh: Trẫm có nhiều con trai, việc thiên hạ không việc gì phải lo ngại nữa. Thấy vậy, Lương Thế Vinh tâu: Lắm con trai là lắm giặc. Vì ngôi báu chỉ có một, nên phải lo lắm chứ! Đúng như lời tiên đoán của Lương Thế Vinh, sau này con cháu nhà vua, người hiền tài nối ngôi thì mệnh yểu; kẻ tài hèn, trí mọn, sống sa đọa thì lúc nào cũng đua tranh giành ngôi thứ, chém giết lẫn nhau, làm cho triều chính đổ nát, trăm họ lầm than..., và Lê Uy Mục là một minh chứng.

N.D

  • Từ khóa
110221

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu