Thứ 4, 08/05/2024 12:14:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:38, 06/08/2019 GMT+7

Vụ án cân gian

Thứ 3, 06/08/2019 | 15:38:00 198 lượt xem

BP - Trong lịch sử phong kiến Việt Nam nổi lên 2 vị vua là khắc tinh của tham quan. Dưới thời những vị vua này, tham quan không còn đường sống. Đó là vua Lê Thánh Tông và vua Minh Mạng. Là người rất tích cực hoạt động chống tham nhũng, tiêu cực, trong thời gian cai trị, vua Minh Mạng đã xử lý nhiều vụ án với các biện pháp kiên quyết, cứng rắn, khắt khe để nghiêm trị và ngăn chặn tệ nạn này, đồng thời làm gương răn đe đối với những kẻ có ý định xấu.

Để đất nước hùng mạnh xứng với tên “Đại Nam”, vua Minh Mạng rất nghiêm khắc với tham quan, không ngoại trừ bất kỳ ai dù là hoàng thân quốc thích khiến tham quan bị diệt sạch không còn đường sống. Một trong những vụ án điển hình được chính sử nhà Nguyễn ghi lại trong bộ “Đại Nam thực lục” đã thể hiện rõ sự nghiêm khắc của vua Minh Mạng, đó là vụ án Đinh Văn Tăng cân gian. Sách “Đại Nam thực lục” có ghi chép cụ thể về vụ việc này như sau:

Đinh Văn Tăng là người coi kho lương ở tỉnh Sơn Tây (nay là thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội), có nhiệm vụ cân đong thóc cho binh lính mỗi khi đến kỳ họ lĩnh lương, nhận thóc. Để bớt xén thu lợi riêng, lúc cân thóc, Đinh Văn Tăng thường nhanh tay gạt làm thóc không đầy hộc khiến binh lính có lời kêu ca đến quan Tổng đốc Lê Đại Cương. Viên quan này đã cho người bí mật theo dõi và bắt quả tang hành vi gian dối của Tăng vào tháng 3 năm Nhâm Thìn (1832), sau đó làm tấu trình về triều đề nghị áp dụng hình phạt xử tử.

Vua Minh Mạng nhận được tờ tâu mới phán bảo bộ Hình rằng: Trước đây binh dịch ở kho và quan lại trông coi thông đồng với nhau làm bậy, khi phát thóc ra thì nhẹ tay, đong vào thì nặng tay, lợi mình thiệt người, cái gì cũng làm. Ta biết rõ hết nên khi việc phát giác ra tất trị tội nặng để răn đe kẻ điêu gian, lại nghĩ đổi lại cách thức cái hộc, cái phương đặt làm quy chế lâu dài. Chẳng ngờ ta khổ tâm lo nghĩ và quan tâm tới dân chúng, muốn đặt ra khuôn phép tốt lành để tỏ sự tin thực công bằng ấy lại bị bọn kia dám giở nhiều ngón xảo trá, xoay cách vơ vét, thật đáng căm giận biết bao. Tên chính phạm Đinh Văn Tăng tội chết có thừa.

Sau khi ban thưởng hậu cho người có công, đồng thời vua Minh Mạng lệnh thi hành ngay bản án, chém đầu Đinh Văn Tăng đem bêu và chặt một bàn tay ướp muối phơi khô rồi treo lên để quan lại, binh lính nhìn thấy mà ghê sợ.

Những người liên can đến vụ án này, tùy theo mức độ bị xử phạt khác nhau, viên coi kho Nguyễn Oanh Chấn cũng can dự vào việc bớt xén cùng Đinh Văn Tăng đã bị xử thắt cổ. Suất đội Nguyễn Viết Tân có nhiệm vụ giám sát nhưng không phát hiện ra hành vi gian dối của Đinh Văn Tăng cũng bị phạt đánh 100 trượng và bị đi đày 3 năm. Còn quan Bố chính Lê Nguyên Hy vì không xem xét kỹ hoạt động cấp phát, cân đo thóc của cấp dưới nên cũng bị liên lụy giáng chức. Đối với 4 người lính coi kho khác cũng liên can đến việc cân gian của Đinh Văn Tăng bị đóng gông giam ở cửa kho thóc 1 tháng, khi hết hạn bị đánh thêm 100 trượng.

Theo vua Minh Mạng, hình phạt nghiêm khắc là nhằm triệt tiêu những tệ nạn, vua ban dụ cho các quan rằng: Dùng hình phạt để mong đi đến chỗ không cần hình phạt nữa. Chính vì vậy, các chính sách chống tham nhũng, tiêu cực của vua Minh Mạng tuy còn giới hạn trong khuôn phép của chế độ phong kiến nhưng ít nhiều đã đạt được hiệu quả tốt để lại những bài học trong hoạt động chống tham nhũng, tiêu cực ngày nay.

Minh Mạng là vị vua anh minh, nghiêm khắc không kể tình thân quyến, bất kỳ ai phạm tội cũng xử đúng theo luật định khiến quan tham không còn “đất dụng võ”. Nhờ đó, Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh bậc nhất trong khu vực thời bấy giờ.

Lời bàn:

Minh Mạng là vị hoàng đế thứ 2 của triều nhà Nguyễn, ông trị vì từ năm 1820 đến khi qua đời vào năm 1841. Ông được người đương thời cũng như hậu thế đánh giá là vị vua thông minh, năng động, quyết đoán, chăm lo việc nước và sự an bình cho đời sống của người dân. Ông mang trong mình tham vọng xây dựng một triều đại bền vững, hùng mạnh trên mọi lĩnh vực. Và ông quan niệm rằng, muốn có được quốc gia cường thịnh, dân giàu thì một trong những việc làm hiệu quả nhất là phải xây dựng bộ máy hành chính trong sạch, đội ngũ quan lại thanh liêm. Và để thực thi được điều này  thì trước hết trị những kẻ “sâu dân, mọt nước”. Vẫn biết rằng việc này sẽ dẫn đến mất mát, đau thương, nhưng đó là sự cần thiết, bởi “giặc nội xâm” nguy hiểm cũng không kém gì giặc ngoại xâm.

Vâng, từ tư duy cho đến hành động của vua Minh Mạng hoàn toàn đúng. Bởi xưa nay làm quan có mấy ai phải sống trong cảnh bần hàn mà phải ăn trộm, gian lận. Một khi làm quan mà tham lam, gian dối thì làm sao trị được muôn dân? Và thượng mà đã bất chính thì hạ ắt sẽ tắc loạn. Việc chém đầu kẻ gian tham tuy nghiêm khắc, nhưng lại có tác dụng răn dạy lớn đối với những kẻ tham nhũng, đồng thời qua đó gửi đi một thông điệp rõ ràng của vua Minh Mạng rằng: quan tham ắt sẽ bị nghiêm trị. Vì thế, nội dung của giai thoại này đáng để hậu thế phải suy ngẫm về công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.

N.D

  • Từ khóa
110214

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu