Thứ 4, 08/05/2024 16:17:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:18, 04/08/2019 GMT+7

Chết vì một lạng vàng

Chủ nhật, 04/08/2019 | 09:18:00 263 lượt xem

BP - Dưới thời trị vì của mình, để giữ yên xã tắc, vua Minh Mạng có những biện pháp xử lý rất nặng đối với quan lại có hành vi tham nhũng.Vua Minh Mạng có tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ tư của vua Gia Long, sinh năm Tân Hợi (1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định. Sau khi lên ngôi, ông lấy niên hiệu là Minh Mạng, đặt quốc hiệu là Đại Nam. Theo sách “Chín đời chúa, mười ba đời vua Nguyễn”, Minh Mạng là ông vua hết sức cần mẫn, làm việc không biết mệt mỏi, hết lòng vì nước, là tấm gương sáng cho các bậc đế vương noi theo.

Dù Gia Long là người đặt nền móng nhưng phải dưới thời Minh Mạng, kỷ cương đất nước mới đi vào quy củ. Năm Tân Mão (1831), nhà vua tiến hành cải cách hành chính trên toàn quốc, chia đất nước làm 31 tỉnh theo từng địa hình và cương vực hợp lý như ngày nay. Dưới thời Minh Mạng, Đại Nam trở thành quốc gia rộng lớn và hùng mạnh hàng đầu khu vực, các nước lân bang đều phải kiêng nể.

Để đất nước thịnh trị, một trong những biện pháp Minh Mạng rất coi trọng đó là trị quan tham. Nhà vua thường đưa ra những hình phạt rất nặng với những ai có hành vi đục khoét của công. Để trị tội tham quan, vua từng xử tử, chặt ngón tay của những kẻ có hành vi tham nhũng. Trong số các vụ án trị quan tham của Minh Mạng, nổi tiếng nhất là vụ tử hình cha vợ nhà vua là Huỳnh Công Lý, khi ông này tham nhũng 30.000 quan tiền. Và vụ án sau đây là một minh chứng.

Theo sách “Đại Nam thực lục”, tháng 5-1823, dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841), một ông quan làm việc tại phủ Nội vụ tên là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn 1 lạng vàng bị phát giác. Theo quy định của Luật Gia Long, tội ăn trộm ngân khố dù ít hay nhiều cũng sẽ bị chém đầu. Nhưng xét thấy Lý Hữu Diệm vốn có nhiều công trạng nên bộ Hình đã tha tội chết, chỉ bắt đi đày viễn xứ. Khi án được tâu lên, vua Minh Mạng không đồng ý với đề nghị của bộ Hình.

Vốn là một vị vua nghiêm khắc, nhằm giữ gìn kỷ cương phép nước, vua Minh Mạng đã xử tội chém đầu Lý Hữu Diệm. Bởi tại Điều 229 của Bộ luật triều Nguyễn quy định: Kho của vua gọi là Nội phủ, nó ở trong cấm địa của hoàng thành. Hễ lấy trộm món gì ở đó dù nhiều hay ít đều bị tội chém đầu. Vì thế, vua Minh Mạng không chấp nhận giảm án và dứt khoát hạ lệnh cho bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy.

Cũng sách nêu trên đã chép lại lời dụ của vua Minh Mạng như sau: Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thông đồng với thợ bạc là Nguyễn Khoa Nguyên đúc trộm ấn giả, để trộm đổi ấn ở kho, đều xử chém ngay. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám lợi dụng lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn đã không có pháp luật. Chi bằng theo đúng tội danh mà định tội để răn người khác. Lý Hữu Diệm phải giải ngay đến chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người biết. Hồ Hữu Thẩm phải truyền cho bọn viên lại Nội vụ phủ cùng đến xem, hoặc giả mắt thấy lòng sợ mà tự khuyên răn nhau để khỏi mắc tội, há chẳng là một “phương thuốc hay” cho mọi người sao?

Sau khi Hữu Diệm bị xử chém, nhiều ý kiến cho rằng, bản án là quá nặng. Thế nhưng, đối với vua Minh Mạng, mọi người, kể cả hoàng thân quốc thích đến thứ dân, binh lính đều bình đẳng trước pháp luật. Đối với những vụ án tham nhũng, đòi ăn hối lộ và biển thủ công quỹ thì Minh Mạng trị tội rất nặng, có khi vượt qua cả pháp luật.

Vua Minh Mạng có công lao to lớn trong việc xây dựng quốc gia Đại Nam trở thành đất nước rộng lớn, hùng mạnh vào bậc nhất trong khu vực thời ấy. Các nước lân bang đều phải kính nể. Với những biện pháp mạnh tay và cực kỳ nghiêm khắc với quan lại tham nhũng, vua Minh Mạng đã phần nào làm nhụt chí “bọn sâu mọt”, giúp đất nước phát triển cường thịnh. Đó chính là bài học đáng suy ngẫm cho hậu thế.

Lời bàn:

Người xưa có câu rằng “Tham thì thâm”. Câu thành ngữ hàm ý chê trách kẻ tham lam sẽ gặp điều xấu, hám lợi dễ bị lừa, bị hại. Và tham ở đây là muốn lấy của người khác, biến tài sản của công làm của riêng mình. Thực tế ở đời xưa nay cho thấy, người đã có tính tham lam thì để giành được những thứ mà mình muốn, họ sẽ làm bằng mọi giá, bất chấp mọi thủ đoạn thâm độc. Vì thế, nếu lòng tham mà đi liền với tham nhũng thì sẽ sinh ra muôn vàn mưu mô chước quỷ, đã thế lại đi liền với xa hoa đồi trụy thì núi cũng đổ và trời cũng phải sập.

Vì nhận thức đúng đắn về tác hại của nạn tham ô, tham nhũng, sách nhiễu nhân dân trong bộ máy hành chính, vua Minh Mạng đã thẳng tay nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước. Và nội dung của giai thoại đã nêu là một minh chứng. Ngày nay, Đảng ta cũng đã chỉ rõ tác hại của tham nhũng trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII): ...tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước... làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Đảng; làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, là một nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Có thể nói, tư tưởng về việc xử phạt quan tham, nhận hối lộ của vua Minh Mạng là bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với nước ta giai đoạn hiện nay, nhất là trong việc xây dựng luật pháp về phòng, chống tham nhũng.

N.D

  • Từ khóa
110213

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu