Thứ 5, 09/05/2024 05:07:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:43, 16/07/2019 GMT+7

Tra khảo hòn đá

Thứ 3, 16/07/2019 | 09:43:00 293 lượt xem
BP - Theo sử sách cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Nguyễn Khoa Đăng không những xử án như thần, mà ông còn lắm mưu nhiều kế, dàn dựng nên những vụ xử án khiến người ta không chỉ tâm phục khẩu phục, mà còn kinh sợ, thán phục, tôn vinh. Và giai thoại về việc ông tra khảo hòn đá sau đây là một ví dụ điển hình.

Chuyện xưa kể lại rằng, một lần ông được đổi đi làm quan ở hạt miền núi. Khi ông mới đến, người ta cho biết hạt ấy nổi tiếng có nhiều bọn trộm cướp nhà nghề. Các quan trước đều bó tay không thể trị nổi. Khi ấy, ông chỉ cười nhạt không nói gì, nhưng sau đó ông ngầm sai người đi dò la hành tung và quê quán từng tên cướp. Thế rồi, ông vẫn tảng lờ như không hay biết gì. Qua một làng nọ, ông thấy có một hòn đá lớn ở vệ đường. Ông hỏi dân sở tại thì họ đáp: Đây là ông Mốc, ngài thiêng lắm, ai cầu khẩn việc gì cũng đều được linh ứng. Ông nghe nói liền họa theo: Phải thế thì ta tới cầu ngài giúp trừ yên cướp trộm để bớt hại cho dân chúng mới được! Nói rồi một mình bước tới khấn vái, hồi sau ông trở ra bảo với mọi người rằng: Ngài bảo rằng vài hôm nữa cho người đến rước ngài về, ngài sẽ vạch mặt tất cả bọn gian phi trong toàn huyện.

Minh họa: S.H

Ít hôm sau, ông sai mấy người ban đêm bí mật đào hầm ở giữa sân công đường rồi cho người thân tín cầm theo danh sách những tên trộm, cướp trong vùng rồi xuống nấp ở dưới đó. Tờ mờ sáng hôm sau, ông sai lính khiêng hòn đá về đặt trên miệng hầm. Trước mặt đông đủ mọi người, ông dõng dạc hỏi hòn đá rằng: Ta nghe đồn thần rất thiêng, “hữu cầu tất ứng”. Nay ta vâng mệnh hoàng đế đến đây trấn nhậm, nhưng hiện nay trong huyện hạt có nhiều trộm cướp nhũng nhiễu hại dân cư. Vậy ta mời thần về đây để mách hộ ta truy tầm kẻ phạm pháp. Nếu có công, ta sẽ tâu triều đình phong tặng. Ông hỏi xong nhưng hòn đá không trả lời. Hỏi mãi, đá vẫn một mực làm thinh, ông nổi giận quát lớn: Hay là đá đồng lõa với kẻ phạm pháp. Lính đâu, hãy tra tấn nó cho đến lúc nó phải khai thực!

Bấy giờ, mọi người nghe tin đến xem đông như hội. Lệnh truyền xa, lính dùng roi đánh vào đá túi bụi, tự nhiên đá bật ra tiếng khóc, xin dừng tay lại để khai. Thế rồi, hòn đá lần lượt khai và vạch tội từng tên một. Mỗi lần đá khai ra tên nào, ông sai lính lấy bút mực rồi viết ngay trát, giao cho lính đã chực sẵn đi nã bắt lập tức. Suốt ngày hôm đó, ông bắt được ba mươi tên. Khi giải cả một xốc về, bọn trộm cướp nhìn nhau kinh ngạc, không ngờ lại có việc xảy ra như thế và bắt đúng tên như thế. Chúng cho là chỉ có thần đá linh thiêng mới biết một cách rành mạch tội trạng của mình, bèn không đợi khảo đả mà vội vàng thú nhận tất cả.

Tiếc thay, cuộc đời vị Nội tán Nguyễn Khoa Đăng tài năng, đức độ này lại không được suôn sẻ. Năm 1725, mùa hạ, chúa Minh Nguyễn Phúc Chu mất. Khi ấy, Nguyễn Khoa Đăng đang bận việc dẹp loạn ở Cam Lộ, Quảng Trị. Nhân cơ hội này, Chưởng doanh Nguyễn Cửu Thế, con trai thứ 3 của Nguyễn Cửu Ứng, là một quyền thần vốn có nhiều ganh ghét với Nguyễn Khoa Đăng, đã làm giả di mệnh của chúa, rồi cho triệu ông về dinh. Dọc đường về, Nguyễn Cửu Thế lén cho người giết chết khi ông mới 35 tuổi.

Khi ấy, các quan trong triều và người đương thời đều cho rằng, ông là vị quan cương trực, liêm chính, khiến đám quyền thần và bọn cường hào ác bá đều kiêng oai. Tuy nhiên, do quá cứng rắn, thiếu cảnh giác, ông bị kẻ gian thần giết chết. Nguyễn Phúc Khoát nối ngôi chúa, thương tiếc người tài chết oan mới sai tìm con của Nguyễn Khoa Đăng để bổ dụng.

Về sau, người con trai trưởng đã đưa di hài ông từ Quảng Trị về an táng tại khu mộ của dòng họ Nguyễn Khoa, ở thôn Tứ Tây, xã Thủy An, thành phố Huế. Mộ 2 ông bà chỉ cách mộ song táng của cha ông là Bảng Trung hầu Nguyễn Khoa Chiêm và phu nhân hơn chục mét. Toàn thể khu mộ và nhà thờ này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử - văn hóa.

Lời bàn: 

Trong lịch sử các triều đại phong kiến ở Việt Nam, có không ít viên quan tài năng xuất chúng nhưng lại xuất thân từ trong nhân gian. Hơn ai hết, họ là những người có tài quan sát, tìm hiểu cuộc sống đời thường cộng với trí thông minh trời phú và cá tính nhanh nhạy đã giúp họ lưu danh muôn thuở. Nguyễn Khoa Đăng trong giai thoại này là một minh chứng. Vì ông biết vận dụng trí thông minh của bản thân kết hợp với những kinh nghiệm vốn có trong cuộc sống để làm sáng rõ những vụ án tưởng chừng bế tắc, giúp tạo nên ngã rẽ bất ngờ cho việc điều tra.

Tuy nhiên, với Nguyễn Khoa Đăng, điều làm nên vị “thần xử án” tài tình còn là phẩm chất cao đẹp, đức tính coi trọng sự thật, công bằng và công lý trong con người ông. Tiếc rằng, một con người vì dân, vì nước như Nguyễn Khoa Đăng lại bị gian thần hãm hại. Thế mới biết, đường đời rất rộng, nhưng tất cả mọi người không thể đi trên cùng một hàng, phải có người đi trước và có người đi sau. Những người đi sau cũng chưa chắc đã là những người yếu kém, quan trọng là có đi được đến cái đích mà mình muốn hay không. Nếu người xưa hiểu được điều này thì chắc chắn Nguyễn Khoa Đăng đã không bị chết oan!

N.D

  • Từ khóa
110205

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu