Thứ 4, 08/05/2024 20:20:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:06, 09/07/2019 GMT+7

Đòi tiền nhà chúa

Thứ 3, 09/07/2019 | 14:06:00 151 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Khoa Đăng (SN 1690) quê huyện  Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ông là công thần dưới trướng chúa Nguyễn Minh Vương Nguyễn Phúc Chu, là nhân vật có tài xử án, với những câu chuyện ly kỳ được lưu lại trong sử sách và lưu truyền đến ngày nay. Ông là hậu duệ của bậc công thần khai triều các chúa Nguyễn là Nguyễn Đình Thân. Năm 1557, ông Nguyễn Ư Kỳ, Thái phó triều Lê và là cậu ruột của tướng Nguyễn Hoàng đã theo Nguyễn Hoàng vào trấn thủ xứ Thuận Hóa.

Khi ấy, Nguyễn Ư Kỳ dẫn theo một người con nuôi mới lên 6 tuổi, tên Nguyễn Đình Thân, vốn là người ở làng Trạm Bạc, huyện An Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương (nay là tỉnh Hải Dương). Ông Thân làm tướng trải 2 triều chúa là Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên. Sau đó, con cháu ông thay nhau làm quan cho các chúa Nguyễn. Nguyễn Đình Khôi là con ông Thân, được chúa ban tước Thuần Mỹ nam. Năm 1636, chúa Nguyễn Phúc Lan dời phủ chúa từ vùng Bắc Thuận Hóa về làng Kim Long (huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên), ông Khôi cũng đến nhập tịch ở huyện ấy và được phép chúa Nguyễn cho đổi từ họ Nguyễn Đình thành họ Nguyễn Khoa.

Ông Khôi có người con là Nguyễn Khoa Danh được ban tước Cảnh Lộc bá. Ông Danh có người con trai duy nhất là Nguyễn Khoa Chiêm, làm quan đến chức Chánh đoán sự, tước Bảng Trung hầu và là danh sĩ giỏi thơ văn. Ông Chiêm là tác giả của sách “Nam triều công nghiệp diễn chí” soạn vào khoảng năm 1719, là cuốn tiểu thuyết chương hồi viết về chuyện các chúa Nguyễn khai phá vùng Thuận - Quảng và chiến tranh với chúa Trịnh, mở đầu từ lúc chúa Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 và kết thúc khi chúa Nguyễn Phúc Thái mất năm 1691. Bộ truyện có 30 hồi được độc giả ngày nay quen thuộc với bản dịch “Trịnh Nguyễn diễn chí”.

Nguyễn Khoa Đăng là con thứ của Nguyễn Khoa Chiêm, được mô tả là người thông minh từ nhỏ. Năm 18 tuổi, ông ra làm quan, lần lượt trải đến chức Nội Tán kiêm Án sát sứ, Tổng tri Quân quốc Trọng sự, tước Diên Tường hầu. Ông nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ. Nguyễn Khoa Đăng còn là người có tài xử kiện cáo, đủ trí xét ngay gian, cho nên ông được người đời gọi là “Bao công”. Sử sách nhà Nguyễn chép rằng, Nguyễn Khoa Đăng tính tình nghiêm khắc, ngay thẳng, không nể kẻ quyền thế. Thời đó, các hoàng thân quốc thích thường ăn tiêu xa xỉ nên hay mượn tiền kho nhưng lâu trả lại. Vì vậy, ông xin đòi nợ và đã tâu với chúa Nguyễn rằng: Phép làm nên bắt đầu từ người thân trước thì việc mới thành được. Và chúa Nguyễn nghe theo lời ông.

Ngày ấy, có một trưởng công chúa (chị ruột của chúa) nợ tiền công rất nhiều, các thuộc viên không ai dám đến cửa đòi nợ. Nguyễn Khoa Đăng liền sai vài người thị tỳ rình trưởng công chúa từ phủ đi ra liền giữ kiệu lại đòi nợ. Bà công chúa này giận quá, vào cung khóc lóc tố với nhà chúa rằng: Chúa thượng lại không bênh vực được chị à? Nội tán sao dám làm thế? Chúa an ủi bảo rằng: Phép nước thi hành từ người thân trước, Nội tán chấp hành đúng phép thì làm thế nào được? Nói rồi chúa bèn cho tiền để trưởng công chúa trả nợ. Từ đó các hoàng thân quốc thích mắc nợ đều đem tiền trả, không dám để chậm nữa.

Tuy nhiên, những sự chặt chẽ của Nguyễn Khoa Đăng có khi cũng thái quá. Bộ “Đại Nam liệt truyện”, phần “Truyện các danh thần” của chúa Nguyễn có đoạn kể lại rằng: Ông từng nghiêm ngặt hạn chế việc mua thịt, ai mua nhiều thì bắt tội. Những kẻ quyền quý, vai vế cho là bất tiện, phần nhiều oán ghét ông. Một hôm có ông Quốc thúc (chú ruột của chúa, có sách nói là Luân quốc công) đón ông đến nhà, mời ăn cơm với muối. Nguyễn Khoa Đăng từ chối, ông Quốc thúc cười nói: Anh không ăn cơm muối được sao lại cấm người ta ăn cơm với thịt?

Với tính tình cương trực, ông đã khiến đám quần thần và bọn cường hào ác bá đều kiêng oai. Tuy nhiên do quá cứng rắn, lại thiếu cảnh giác, nên đã khiến ông chuốc oán với nhiều người làm quan trong triều đương thời. Vì thế, Nguyễn Khoa Đăng bị sát hại khi tuổi đời vừa tròn 35.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại này, sinh thời, Nguyễn Khoa Đăng nổi danh là người có mưu lược, trung thực và đức độ. Hơn thế nữa, ông còn là người trung thành, thanh liêm, chính trực và không bị khuất phục bởi cường quyền. Đương thời, không ai dám đòi tiền nhà chúa, nhưng Nguyễn Khoa Đăng đã dám làm điều này với ngay cả chị ruột của chúa Nguyễn. Chỉ riêng điều đó cho thấy, ông là người thượng tôn pháp luật. Và lời nói của ông với chúa Nguyễn cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Bởi pháp luật muốn được thực thi nghiêm thì trước hết phải từ những người có chức, có quyền và không có vùng cấm. Tiếc rằng, thời nay có nhiều người biết và hiểu rõ điều ấy, nhưng không phải ai cũng làm theo. Bởi thế mới có không ít người quyền cao chức trọng, có người là bộ trưởng, thứ trưởng, lại có người là tướng, tá,... nhưng vì lòng tham nên họ đã phải trả giá bằng việc cuối đời lâm cảnh thân bại danh liệt và ngồi nhà đá gỡ lịch. Mong rằng những ai đang có đôi bàn tay sạch, xin hãy cố giữ đừng để dính bẩn.

N.D

  • Từ khóa
110202

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu