Thứ 4, 08/05/2024 16:43:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:45, 16/05/2019 GMT+7

Nhà cải cách thuế

Thứ 5, 16/05/2019 | 14:45:00 130 lượt xem

BP - Theo các tài liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, Trịnh Cương là vị chúa đã để lại một số việc làm có ý nghĩa đối với đất nước dưới thời Lê - Trịnh. Ông ở ngôi chúa 20 năm (1709-1729). Đây là thời gian cuộc chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã kết thúc, nhưng không phải vì thế mà đất nước không còn những biến động. Sau một thời gian ngưng chiến, các tập đoàn thống trị không những đã ít quan tâm tới đời sống xã hội mà họ còn tăng cường hơn về sự xa hoa hưởng lạc, dẫn đến bùng nổ nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân, khiến vua Lê - chúa Trịnh càng phải lo nhiều tới việc đối phó.

Cùng thời gian đó, ở vùng biên viễn của đất nước đã nổi lên những vấn đề mà chính quyền Lê - Trịnh không thể làm ngơ, như vấn đề biên cương và quan hệ Việt - Thanh. Từ sau khi nhà Mạc bị nhà Trịnh đánh đổ, vùng biên cương phía Bắc trở nên căng thẳng hơn. Trong nhiều việc làm nhằm ổn định tình hình chung, chính quyền Lê - Trịnh lúc này đã ý thức rất rõ về việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất  nước. Ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của chính quyền Lê - Trịnh dưới thời Trịnh Cương thể hiện trên 2 phương diện: Bảo vệ vùng biên cương và xác lập chủ quyền lãnh thổ qua quan hệ ngoại giao với nhà Thanh.

 

Sau khi Trịnh Cương lên ngôi chúa, triều đình Lê - Trịnh đã bắt đầu hạ lệnh cho các quan trấn thủ ở biên giới phải đến đóng tại trấn ty. Vì trước đây, các trấn ở xa như Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn...triều đình đã ủy thác cho các viên quan ở nội trấn kiêm quản lĩnh hoặc bổ dụng bầy tôi thân cận quản lĩnh, nhưng những viên quan kiêm quản này lại ở yên tại trấn, những viên quan thân cận thì quyến luyến ở kinh sư. Trong khi nội trấn và ngoại trấn cách xa nhau, mà công việc ở biên giới thì không thể nào dự định trước được. Triều đình thấy rằng, nếu quan cai quản không đóng ở trấn khi có biến cố xảy ra thì sẽ khó lòng quản cố. Ngoài ra, còn nhiều việc kiện tụng của dân trong trấn, nếu quan coi trấn ở xa, mà lại dịch ở gần cứ sách nhiễu thì khiến dân càng khổ cực. Vì vậy, triều đình đã hạ lệnh, từ đây trở đi các quan trấn thủ ở biên giới đều phải đến làm việc tại lỵ sở.

Chủ trương này của chính quyền Lê - Trịnh đã mang lại kết quả tốt là giữ yên được những trấn ở biên cương khi hữu sự. Như năm 1714, Lưu thủ Yên Quảng là Văn Đình Nhâm đã đem quân đánh dẹp yên được bọn giặc biển nhiều lần vào cướp bóc nhân dân ở đây. Năm 1722, nhân thổ tù địa phương là Đèo Mỹ Lâm chiếm Lai Châu, đánh phá châu Quỳnh Nhai, đốt phá nhà cửa của nhân dân và dựa vào thế lực nhà Thanh để giữ đất, triều đình đã cử Lưu thủ trấn Hưng Hóa là Nguyễn Thành Lý đem quân đánh dẹp, đất Hưng Hóa trở lại yên ổn.

Năm 1721, đối với các ngoại trấn xa ngoài biên giới, triều đình còn cho giảm bớt các quan trong 2 ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện. Vì, theo lệnh của Trịnh Cương “dân ở vùng biên giới bị phiêu tán, làng xóm tiêu điều, nếu không giảm bớt số viên chức đi thì sự cung cấp về bổng lộc, phiền nhiễu về đưa đón làm thế nào cho đủ được”, nên các quan trong 2 ty Thừa chính, Hiến sát và phủ huyện ở các trấn Cao Bằng, Tuyên Quang, Hưng Hóa và Lạng Sơn đều tạm bớt đi, công việc của các viên quan ấy giao cả cho ty trấn thủ nhận giữ. Duy chỉ có 2 ty Thừa chính, Hiến sát và phủ Phú Bình cùng 7 huyện Tư Nông, Đồng Hỷ, Bình Tuyền, Phổ Yên, Phú Lương, Đại Từ, Văn Lãng thuộc Thái Nguyên, địa thế liền với nội trấn, không thể ví như nơi biên viễn khác, viên chức ở nơi ấy vẫn phải đến lỵ sở giữ chức phận như cũ.

Để xác định rõ ràng ranh giới của đất nước, năm 1723, triều đình Lê - Trịnh đã cho định lại bản đồ trong nước (khu vực Đàng ngoài) và cho định lại cương giới các đạo, phủ, châu, huyện, gồm 13 đạo, 55 phủ, 226 huyện, châu. Mốc giới chỗ này, chỗ khác định lại rõ ràng, giao cho Thừa ty chia ra để cai quản. Nhờ thế, biên giới đất nước được xác định. Sách “Đại Việt sử ký tiền biên” cũng ghi rõ chỉ dụ của triều đình là: Cương giới các quận trong nước hoặc căn cứ vào núi sông, hoặc dựa vào đồng bằng, nên làm cho dứt khoát. Vậy hãy bàn định việc chia vạch, để giới phận bờ cõi được chính xác.

Lời bàn:

Sử gia đầu thời Nguyễn là Phan Huy Chú trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” đã khen ngợi khả năng trị nước của Trịnh Cương như sau: Trong khi chúa giữ chính, chăm chỉ lo toan trị nước, cùng với các tể tướng ngày đêm trù tính. Phàm việc binh, dân, tiền của, thuế khóa đặt ra rõ ràng đầy đủ... Bấy giờ vua nối nghiệp thái bình, không phải lo việc đao binh, trong nước vô sự. Triều đình đặt nhiều việc pháp độ, kỷ cương rất hẳn hoi đầy đủ, các phương xa đến cống hiến và Trung Quốc trả lại đất đai. Thực là đời rất thịnh. Nhưng tiếc thay, vị chúa có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách đất nước đã mất khi mới tuổi 44, ở ngôi chúa 20 năm.

Những giá trị về tư tưởng, những đường lối, chủ trương, chính sách, cải cách tiến bộ đa dạng, phong phú toàn diện của chúa Trịnh Cương không những chỉ để lại cho hậu thế ngày nay kế thừa và phát triển, mà còn để lại cho người quản lý nhà nước muôn đời sau noi theo. Từ cuộc đời và sự nghiệp của ông, chúng ta có thể khẳng định rằng, chúa Trịnh Cương xem là người có nhiều tâm huyết với công cuộc cải cách kinh tế, chính trị. Đặc biệt, ông là nhà cải cách tài chính đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XVIII.

N.D

  • Từ khóa
110181

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu