Thứ 5, 09/05/2024 05:59:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:45, 23/04/2019 GMT+7

Người xưa dạy con

Thứ 3, 23/04/2019 | 15:45:00 143 lượt xem

BP - Theo sách “Tam Quốc chí diễn nghĩa”, Gia Cát Lượng sinh năm 181 và mất năm 234. Ông có tên chữ là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh. Ông là nhà chính trị, nhà ngoại giao, nhà quân sự và cũng là một nhà phát minh của nhà Thục Hán thời Tam Quốc (Trung Quốc thời cổ đại).

Đóng góp lớn nhất của Gia Cát Lượng cho nhà Thục là việc giúp hình thành thế chân vạc tam quốc, liên minh Thục - Ngô chống Ngụy. Ông được công nhận là một trong những chiến lược gia vĩ đại và xuất sắc nhất trong thời đại bấy giờ, và được so sánh với một chiến lược gia tài ba khác của Trung Quốc là Tôn Tử. Tuy nhiên, 5 chiến dịch đánh Tào Ngụy do ông phát động đều không thành công, cuối cùng ông bị bệnh rồi mất trong doanh trại. Gia Cát Lượng được đánh giá là người cả đời vì nước, vì dân. Ông luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, là gương sáng cho các đời sau.

Trong cách giáo dục con, ông nhấn mạnh việc cần phải có chí hướng cao xa. Năm 54 tuổi, ông viết cho con trai lên 8 của mình là Gia Cát Chiêm bài “Giới tử thư” tổng kết kinh nghiệm cả đời của mình. Trong thư ông yêu cầu con trai mình: “Người quân tử lấy tĩnh để tu thân, lấy kiệm để dưỡng đức, không đạm bạc thì không sáng chí, không tĩnh lặng thì trí không cao. Trượng phu cần tu tâm tĩnh lặng, cũng cần tu học, không học thì không thể có tài năng quảng đại, không có chí thì việc học không thể có thành tựu”.

Ông nhắc nhở con muốn đạt tới tĩnh thì cần không ngừng tu thân và tự soi xét lại bản thân. Muốn làm được kiệm thì cần phải bồi dưỡng tài năng, đức hạnh và tiết tháo cao thượng. Tâm mà không trong sáng, có nhiều dục vọng thì không thể có chí hướng rõ ràng, không an định tĩnh lặng thì không thể thực hiện được lý tưởng cao xa. Để biến lý tưởng thành hiện thực cần phải không ngừng học tập tri thức, không có ý chí kiên định thì không thể nào thành công được.

Gia Cát Lượng đặt nhiều kỳ vọng to lớn ở các con của ông. Không phụ sự kỳ vọng ấy, các con của ông sau này đều trở thành những bậc quân tử không màng danh lợi, trung nghĩa với đất nước, vì quốc gia xã tắc mà cống hiến hết mình. Đó đúng là ý nghĩa và giá trị của “sự tĩnh lặng” và “trí cao xa” mà Gia Cát Lượng hướng đến.

Còn Khấu Chuẩn ở triều Bắc Tống từ nhỏ đã mồ côi cha, gia cảnh nghèo khó, hoàn toàn dựa vào nghề dệt vải của mẹ mà sống qua ngày. Đêm đêm Khấu mẫu thường vừa kéo sợi vừa dạy con trai đọc sách. Bà luôn không quên việc đôn đốc con trai khổ học thành tài. Về sau, Khấu Chuẩn đến kinh thành dự thi và đậu tiến sĩ. Tin vui truyền về tới quê nhà đúng lúc mẹ của Khấu Chuẩn đang bị bệnh nặng. Trước lúc ra đi, Khấu mẫu giao bức họa mà mình tự vẽ cho người nhà là bà mụ họ Lưu và nói rằng: “Khấu Chuẩn ngày sau nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm, thì bà hãy trao bức họa này cho nó!”.

Sau này, Khấu Chuẩn được thăng chức lên làm Tể tướng của triều đình. Một lần ông mời mấy người bạn tới nhà chúc mừng sinh nhật mình, chuẩn bị mở tiệc chiêu đãi các bạn đồng liêu. Bà mụ họ Lưu cho rằng đã đến lúc làm theo lời của Khấu mẫu, bèn lấy bức họa của năm xưa đưa cho Khấu Chuẩn. Khấu Chuẩn xem qua, nhìn thấy một bức “Hàn song khóa tử đồ” (bức họa một học trò gian khổ học tập). Trên bức họa có đề một bài thơ: Cô đăng khóa độc khổ hàm tân/Vọng nhĩ tu thân vi vạn dân/Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn/Tha niên phú quý mạc vong bần”. Tạm dịch nghĩa: “Cô nhi khổ học dưới đèn dầu/Mong con tu dưỡng vì muôn dân/Gia phong cần kiệm - mẹ hiền dạy/Phú quý giàu sang chẳng quên nghèo”.

Bất ngờ nhận được lời di huấn của mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại rất nhiều lần, bất giác nước mắt trào rơi như suối. Thế là, ông lập tức cho giải tán tiệc. Từ đó về sau ông luôn giữ mình trong sạch, yêu thương nhân dân, luôn theo lẽ công bằng không vụ lợi cho bản thân, trở thành vị Tể tướng tài đức nổi tiếng thời nhà Tống và lịch sử Trung Hoa.

Lời bàn:     

Từ xưa đến nay, mọi bậc cha mẹ đều hy vọng có thể đem đến cho con những điều tốt đẹp nhất. Vậy nhưng, tài sản tốt đẹp nhất mà các đấng sinh thành có thể để lại cho con vốn không phải là tiền bạc mà lại là đạo làm người. Muốn có được điều ấy thì việc giữ gìn gia phong và làm theo gia huấn của tổ tiên là một trong những sứ mệnh trọng đại trong việc xây dựng gia đình hưng thịnh của người xưa. Thời cổ đại, ngay cả những người nông dân áo vải, dù không có của cải để lại nhưng nhất định không thể không lơ là việc dạy con và lập gia huấn truyền cho con cháu. Bao trùm và xuyên suốt hàng ngàn năm lịch sử, cách dạy con của cổ nhân đều tập trung và nhấn mạnh vào việc phải tu thân dưỡng đức. Vì người xưa cho rằng chỉ có tu thân dưỡng đức tốt mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.

Tiếc rằng thời nay không mấy ai học được người xưa trong phương pháp dạy con. Nhiều bậc phụ huynh không biết dạy con mà chỉ một mực nuông chiều, không giáo dục nghiêm khắc. Rất nhiều người còn dung túng con từ việc ăn uống, lời nói đến việc làm. Có bậc cha mẹ khi cần răn đe, nhắc nhở con thì lại khen ngợi, khi cần nghiêm túc với con thì lại cười đùa. Như vậy, khi đứa trẻ hiểu chuyện, nó sẽ tưởng rằng những việc như vậy là nên làm. Khi đã tạo cho con thói quen ngạo mạn, thất lễ rồi mới can ngăn thì lúc đó có dùng roi vọt cũng bằng thừa.

ND

  • Từ khóa
110174

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu