Thứ 5, 09/05/2024 03:25:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:54, 28/03/2019 GMT+7

Vì nước, vì dân

Thứ 5, 28/03/2019 | 14:54:00 140 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, cuộc đời bà Nguyễn Thị Hướng đẹp và thanh cao như huyền thoại. Bà sinh tại đất Hòa Vang trong một dòng họ khoa bảng - dòng họ Nguyễn Đức, làng Quan Nam, huyện Hòa Vang (nay thuộc thành phố Đà Nẵng). Chú ruột của bà là cử nhân Nguyễn Đức Phong, thi đỗ khoa thi niên hiệu Tự Đức thứ nhất (1848), được bổ làm Hàn lâm viện điển tịch, sau thăng Án sát sứ Quảng Bình, rồi Bắc kỳ tán tương quân vụ. Cha bà là Nguyễn Đức Hoan, sau 3 khoa đều đỗ tú tài, mãi đến khoa Giáp Tý, niên hiệu Tự Đức 17 (1864) mới đỗ cử nhân, được bổ làm Biên tu sử quán, sau đó làm Tri phủ Thăng Bình, Quảng Nam.

Người con gái đầu của ông là Nguyễn Thị Hướng, sinh ngày 2 tháng 6 năm Kỷ Mùi (1859) được ông đem theo nơi trấn nhậm - làng Hà Lam, phủ Thăng Bình để vừa dạy chữ nghĩa, đạo lý làm người vừa thay mẹ lo cơm nước cho cha. Tại đây, bà Hướng sớm lọt vào mắt xanh và nên chuyện vợ chồng với ông tân khoa Nguyễn Hữu Lệ - người nổi tiếng hay chữ của làng Hà Lam, đỗ cử nhân khoa thi hương năm Mậu Thìn (1868).

Sau khi thi đỗ, ông Nguyễn Hữu Lệ được bổ làm Chủ sự sơn phòng sứ Quảng Nam. Chồng làm quan xa nhà nhưng do được thừa hưởng nền giáo dục của gia đình đầy đủ, truyền thống hiếu học và yêu nước của quê hương, nhất là từ tấm gương đạo đức của thân phụ và thúc phụ, bà đã sớm thành người vợ hiền, dâu thảo, được nhà chồng quý mến, bà con trong vùng nể phục. Làm quan chưa được bao lâu, năm 1880, ông Hữu Lệ qua đời đột ngột. Lúc này bà Hướng mới chỉ 21 tuổi, là “gái một con”, lại có nhan sắc và học vấn, đang thời kỳ phơi phới xuân thì, bà được nhiều người dòm ngó, đánh tiếng xin cưới về làm vợ, nhưng bà đều cự tuyệt. Bà quyết thủ tiết thờ chồng nuôi con và tham gia làm việc nghĩa.

Năm 1885, hưởng ứng hịch Cần Vương của vua Hàm Nghi, Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập, lãnh tụ lại là một nhà khoa bảng nổi tiếng, từng trấn nhậm cơ quan của chồng lúc sinh thời, đó là Chánh sơn phòng sứ Quảng Nam, tiến sĩ Trần Văn Dư, người làng Chiên Đàn, huyện Hà Đông - cũng là người đỗ đồng khoa cử nhân với ông Nguyễn Hữu Lệ năm 1868. Mặc dù là phận nữ, lại góa bụa nhưng bà Nguyễn Thị Hướng vẫn nhiệt tình tham gia phong trào. Bà vận động anh em ở quê nhà, làng Quan Nam, đóng góp cho đạo nghĩa quân của Thống Hay (tướng Hồ Học) đang hoạt động ở vùng núi từ Hải Vân đến An Ngãi, Hòa Vang.

Ở quê chồng, bà đóng góp tiền của cho đạo nghĩa quân của Tán Hàm (tức Tiểu La Nguyễn Thành). Các lãnh tụ nghĩa quân tôn vinh bà là “Nữ Tiêu Hà”. Tiêu Hà là Thừa tướng nhà Hán, là người đã đóng góp nhiều công trạng cho sự nghiệp của Lưu Bang trong thời Hán - Sở tranh hùng ở Trung Hoa. Sau khi Nghĩa hội tan rã, do sự đàn áp, đốt phá của quân Nguyễn Thân, Quảng Nam rơi vào nạn đói dữ dội, bà cùng với vợ của Sơn phòng sứ Nguyễn Trường (thân phụ của Tiểu La) nấu cháo cứu đói, lo chôn cất những người chết.

Khi phong trào Đông Du, Duy Tân ra đời (từ năm 1903-1908) bà là người tích cực tham gia ủng hộ. Nhà bà trở thành nơi liên lạc của các chí sĩ, ngoài việc tiếp đãi ăn uống, bà còn cung cấp, đóng góp tiền, không hề đắn đo, tính toán. Những lần Phan Bội Châu đến Quảng Nam đều được bà sắp xếp chỗ ăn ở, liên lạc với các đồng chí, lo tiền lộ phí. Bà đã vận động nhiều người cùng bà đóng góp tiền của cho Cường Để, Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính và các du học sinh ở Nhật. Phong trào Đông Du xem bà là cánh tay phải.

Công việc của bà làm rất cẩn thận, chỉ có các đồng chí biết mà thôi. Nhờ thế hoạt động của phong trào luôn giữ được bí mật. Bà mất ngày 2-3-1939, thọ 81 tuổi. Phan Bội Châu lúc này đang bị “an trí” ở Huế, có gửi một câu đối vào viếng: Hận ngã bất vương tôn, quốc sĩ vị thường thanh cựu nhãn; Phùng nhân đàm Phiếu Mẫu, tuyền đài thượng đãi bạch sơ tâm. Nghĩa là: Giận mình không phải vương tôn, quốc sĩ lắm phen nhìn mặt trắng; Gặp ai cũng khen Phiếu Mẫu, tuyền đài có đợi tỏ lòng son. Câu đối hiện còn treo ở ngôi từ đường tộc Nguyễn Hữu tại thị trấn Hà Lam.

Lời bàn:

Đến đây xin được tóm lược về điển tích “Phiếu Mẫu”. Chuyện xưa kể lại rằng: Bà Phiếu Mẫu tuy nhà nghèo khó nhưng đã giúp Hàn Tín trong cơn đói cơm, rách áo. Thuở hàn vi, Hàn Tín nghèo rớt mồng tơi, ngày ngày câu cá, nhưng không kiếm đủ miếng ăn. Tuy vậy, Hàn Tín lại rất ham mê đèn sách, nghiên cứu binh thư. Bà Phiếu Mẫu ở cạnh nhà, tuy vẫn thiếu trước hụt sau nhưng thấy Hàn Tín quá đói khát, bà thường dẫn về nhà cho ăn cơm. Về sau, Hàn Tín thấy hổ thẹn nên không dám tìm qua kiếm cơm nữa. Nhưng ngày ngày bà vẫn đem cơm đặt trước căn lều của Hàn Tín. Người trong làng xóm biết chuyện, gọi đó là “Bát cơm Phiếu Mẫu”.

Khi đã trở thành Thừa tướng, Hàn Tín vẫn hãnh diện vì cái quá khứ bát cơm Phiếu Mẫu của mình và cũng từ đó, lưu truyền trong dân gian điển tích này. Theo nội dung của giai thoại trên, một người như Phan Bội Châu còn phải gọi bà Nguyễn Thị Hướng là Phiếu Mẫu, thì đủ biết công của bà với phong trào Đông Du, Duy Tân lớn như thế nào. Và nếu không có tấm lòng vì dân, vì nước thì chắc chắn bà Nguyễn Thị Hướng không thể làm được những công việc đại sự như vậy. Tiếc rằng, phụ nữ thời cơ chế thị trường ngày nay không phải ai cũng học và làm được như tiền nhân. Bởi thế mới có người mượn cửa Phật để “thỉnh vong” trục lợi.

N.D

  • Từ khóa
110166

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu