Thứ 5, 09/05/2024 03:15:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:58, 17/03/2019 GMT+7

“Dân chi phụ mẫu”

Chủ nhật, 17/03/2019 | 14:58:00 233 lượt xem
BP - Theo sách “Quảng Nam xưa và nay”, Hà Đình sinh năm 1842, nguyên tên là Nguyễn Công Nghệ, sau cải là Nguyễn Thuật, xuất thân trong gia đình Nho học vọng tộc. Gia phả tộc Nguyễn Công ở Hà Lam cho biết thủy tổ của họ là ngài Nguyễn Công Châu, quê xã Bình Luật, huyện Thạch Hà, phủ Hà Ba, Thừa tuyên Nghệ An di cư đến làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, Thừa tuyên Quảng Nam. Gia phả cho biết, ông Nguyễn Công Để thuộc đời thứ 2 của dòng tộc này là tướng của vua Lê Thánh Tông.

Năm 1471, đại quân tiến binh vào Nam đánh Chiêm Thành, mở rộng biên cương về phương Nam. Sau khi bình định xong lãnh thổ, Nguyễn Công Để được trấn nhậm Cai phủ, tước phong Phó đô hầu. Hà Đình là con ông Nguyễn Đạo (1803-1872), một người cha nhân từ, phúc hậu trong một gia đình nổi tiếng hiếu thuận, thật đúng câu “phu từ, tử hiếu, huynh hữu, đệ cung” (cha nhân từ, con hiếu kính, anh em nhường nhịn, bao dung, lễ phép). Thuở nhỏ, Nguyễn Thuật học tại nhà, rồi học tại trường Huấn Thăng Bình, trường Đốc Quảng Nam. Năm 1867, ông thi đỗ cử nhân, năm sau ông đỗ luôn Phó bảng, được triều đình bổ hàm Thị Lang nội các (1872), không lâu sau tăng chức Giáo đạo dạy các hoàng tử, rồi Tổng đốc Thanh Hóa... Nguyễn Thuật từng được phong hàm: Thái tử Thiếu Bảo, Hiệp Biện Đại học sĩ, Quản Lãnh Lại Bộ thượng thư, Sung cơ mật viện đại thần, Đông Các đại học sĩ.

Minh họa: S.H

Đường quan lộ, ông là người kinh qua nhiều trách vụ, chức vụ khác nhau, khi thì ở triều đình, khi nơi biên quận. Ban đầu ông giữ chức hàm Biên tu sung Hàn lâm viện nội các; năm Tự Đức thứ 34 thăng hàm “Tham tá các vụ” lãnh “Hộ Bộ thị lang” rồi phụng hàm Chánh sứ sang Trung Hoa năm 1880, nộp biểu xưng thần, vận động ngoại giao với Trung Hoa về việc nước ta phải ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) với Pháp để Trung Hoa giúp sức. Mặc dù cuộc vận động bất thành, khi trở về ông được thăng hàm Tham tri. Năm Tự Đức thứ 30, ông được triều đình cử làm quan duyệt quyển cho khoa thi hội.

Khi Nghĩa Hội Quảng Nam thất bại, nhiều người bị bắt thì “với chức Tuyên úy xử trí đại thần, ông đã tư Viện Cơ mật xin cho những người thuộc giáo chức, lại dịch, dân binh, già yếu được chuộc bằng bạc và xin bỏ lệ phạt tiền đối với các tổng, lý địa phương nơi có người tham gia Nghĩa Hội. Nhờ đó không những anh và hai người em trai của ông thoát vòng lao lý mà còn có đến 865 người khỏi bị giam cầm, tra khảo, được cho về quê làm ăn”.

Năm 1883, ông phụng mệnh đi sứ Trung Hoa, hội thương tại Yên Kinh (Bắc Kinh). Ở quê nhà Việt Nam, năm đó vua Tự Đức băng hà. Ông ở Yên Kinh một thời gian, công việc lại không thành, ông về nước. Năm 1884, ông được bổ Tuần vũ Thanh Hóa. Năm 1885, Pháp chiếm kinh đô Huế, ông được triệu về, sung chức Tuyên úy sứ Quảng Nam. Năm 1887, ông phụng mệnh Khâm sai làm Tổng đốc Thanh Hóa. Năm 1893, ông về kinh, được phong hàm Hiệp tá đại học sĩ tùng Nhất phẩm - phong tước Trường An Tử, lãnh Thượng thư bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần. Trong 10 năm sau, ông làm Thượng thư đủ 5 bộ tại triều đình.

Năm 1901, do bất mãn với hành trạng xu phụ thực dân Pháp của Nguyễn Thân - nguyên do Cần chánh Nguyễn Thân ra Hà Tĩnh dụ các Văn Thân chi đảng của cụ Phan Đình Phùng và đem về kinh thương lượng với Pháp, rồi đem ra pháp trường chém hết mười mấy người - việc này ông không chịu ký tên chuẩn y sự vụ, sau đó xin về hưu lúc đang chức Thượng thư bộ Binh sung Cơ mật viện đại thần.

Nguyễn Thuật là một đại thần, trải các đời vua Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, ông từng làm quan đủ 6 bộ trong Lục bộ của triều nhà Nguyễn, từng 2 lần đi sứ sang nhà Thanh, làm chủ khảo các kỳ thi hội mà gia cảnh vẫn thanh bạch. Đương thời ông được giới sĩ phu và nhân dân trọng vọng.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại này, Nguyễn Thuật là người nặng lòng với nước, với dân, với gia đình họ mạc. Dù làm quan ở chức vị nào, Nguyễn Thuật cũng áp dụng chính sách khoan hòa, nhân tình cảm phục. Ông còn là một vị đại khoa đa tài, giàu tình nghĩa. Bởi ở ông có sự nhạy bén, mưu lược của một chính khách; có tài năng hùng biện, quan hệ rộng sâu của một nhà ngoại giao; có tài học uyên nhã của một nhà giáo dục; có kiến văn sâu rộng của một sử gia; một nhà thơ trác tuyệt; một thư pháp gia, họa gia... Và Nguyễn Thuật không những được các vua trọng vì tài, nể vì đức, giao những việc quốc gia đại sự mà còn được nhân dân Quảng Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung trọng vọng vì tính thanh liêm, yêu thương và gần gũi dân, có khoa bảng mà không kiêu căng, xứng danh là bậc “Dân chi phụ mẫu”.

Vua Tự Đức từng nhận xét: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh, đĩnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”. Vua Thành Thái ca ngợi: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác, từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng. Ông là người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế”. Tiếc rằng ông sinh ra không gặp thời, sống và làm quan trong bối cảnh lịch sử hết sức nghiệt ngã, giữa một bên là triều đình cam tâm làm tay sai và một bên thực dân Pháp thống trị đất nước tàn bạo, hà khắc, bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Bởi thế, tâm tư của ông bị giằng xé thường trực giữa lẽ “trung quân” và “ái quốc”, giữa lẽ “xuất” và “xử”. Đây cũng là sự bế tắc trong tư tưởng của không ít Nho sĩ đương thời có tinh thần yêu nước, thương dân và sự bế tắc ấy chỉ được gỡ bỏ từ khi có Đảng.

N.D

  • Từ khóa
110162

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu