Thứ 4, 08/05/2024 11:10:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:51, 14/03/2019 GMT+7

Danh thơm để đời

Thứ 5, 14/03/2019 | 13:51:00 139 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, bà Lê Thị Nhâm (hay còn gọi là Nhiệm theo như trong bia khắc tên các bà tiết phụ của phủ Thăng Bình) sinh năm 1832, người làng Tiên Đõa, huyện Lễ Dương (nay thuộc xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Bà là con gái ông Lê Hữu Tánh. Ông Lê Hữu Tánh là người học giỏi có tiếng của làng. Năm 1821, ông đỗ hương cống dưới triều Minh Mạng, được bổ làm Hướng đạo huyện Bình An. Từ nhỏ, bà đã theo cha đến nơi ông trấn nhậm, được cha truyền dạy chữ nghĩa nên bà tinh thông kinh sử, không khác gì đấng nam nhi theo nghiệp sách đèn.

Năm 18 tuổi (1850), bà lấy ông Nguyễn Văn Chất ở làng Ngọc Phô, nay là xã Bình Tú cùng huyện. Ông Chất là học sinh đầy triển vọng, đang ngày đêm dùi mài kinh sử, chuẩn bị trẩy kinh ứng thí. Năm 20 tuổi, bà sinh con trai đặt tên là Nguyễn Hữu Quang. Khi Hữu Quang lên 2 tuổi thì ông Chất đột ngột qua đời. Hằng ngày, bà đều dắt con trai ra thăm mộ chồng, suốt 3 năm, không bỏ sót ngày nào, dù mưa hay nắng. Khi con lên 6 tuổi, bà bắt đầu dạy con học những bài học vỡ lòng. Năm Nguyễn Hữu Quang 14 tuổi (1866) bà đem con ra làng Hà Lam, cách nhà khoảng 7 cây số, gửi nhờ tú tài Nguyễn Thuật dạy dỗ.

Nguyễn Thuật là người văn hay, chữ tốt nổi tiếng khắp huyện, lúc này mới đỗ tú tài, đang ở nhà vừa dạy học vừa đọc sách để chuẩn bị cho khoa thi hương sắp tới. Trò chăm lại gặp thầy giỏi, Nguyễn Hữu Quang ngày càng học hành tấn tới. Khoa thi hương năm 1873, tại trường thi Thừa Thiên, ông Quang đỗ cử nhân. Sau đó, ông được bổ làm Huấn đạo huyện Quế Sơn. Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng nghe tiếng thầy Cử Quang cũng đã từng đến thọ giáo.

Bà Nhâm là người có nhan sắc, thông Nho học, lại nổi tiếng đoan chính nên nhiều người đến dạm hỏi xin cưới làm vợ nhưng đều bị bà từ chối. Trong làng có một tay lý trưởng nhà giàu tên Võ Tấn Thông dù nhiều lần bị bà từ chối nhưng ỷ có tiền và thế, cứ lui tới trêu ghẹo. Một lần đang lúc cầm dao xắt chuối, không nhịn được, bà nói thẳng: Từ nay về sau nếu mày còn nói đến chuyện ấy thì tau chặt đầu ngay. Tên lý trưởng thất kinh hồn vía, từ đó không bao giờ dám léng phéng tới nhà bà. Sau khi ông Quang đỗ cử nhân, y lại càng sợ.

Bà nổi tiếng khắp phủ huyện là người có phẩm hạnh đoan chính, thờ chồng hết đạo, dạy con nên người. Năm 1887, quan tỉnh Quảng Nam tâu về triều đề nghị khen thưởng để nêu gương. Nhà vua cấp 6 lạng bạc và một tấm biển đề 4 chữ “Tiết hạnh khả phong” (Tiết hạnh đáng làm gương). Vì thế, người đương thời thường gọi bà là bà Sanh Phong - nghĩa là người được phong tặng ngay khi còn sống. Bà mất năm 1901, thọ 70 tuổi, ông Nguyễn Hữu Quang xin từ quan về cư tang mẹ. Ông làm nhà bên mộ, hương khói suốt 3 năm, mãn tang mới thôi.

Hằng năm đến ngày giỗ của bà, đồng môn và học trò của ông Quang đều về lễ bái rất đông. Mẹ tiết hạnh, con hiếu thảo, cả hai làng Tiên Đõa và Ngọc Phô cũng được thơm lây tiếng lành. Văn thánh huyện Lễ Dương có bia ghi lại tấm gương tiết hạnh, hiếu để của mẹ con bà. Tấm bia này hiện còn để ở Tiền hiền làng Hà Lam (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi danh bà vào trang sử về “Liệt nữ”. Nguyên văn: Người huyện Lễ Dương, tỉnh Quảng Nam. Tuổi trẻ đã biết khuôn phép. Lấy chồng là Nguyễn Văn Chất đẻ một trai tên là Hữu Quang. Được một năm Văn Chất ốm chết. Thị tuổi 20, ở góa giữ chí, phụng dưỡng bố mẹ chồng, đón thầy dạy con, mong cố gắng thành đạt. Khi Hữu Quang thi đỗ cử nhân, Đồng Khánh năm thứ 2 (1887), tỉnh thần đem việc tâu lên. Được nêu khen và thưởng ngân bài cùng bạc lạng.

Lời bàn:

Trong “Kinh Thi” giảng: “Cha sinh ra ta, mẹ nâng đỡ ta, vuốt ve ta, cho ta bú, nuôi ta khôn lớn, dạy bảo ta nên người, chăm lo ta, ôm ấp ta, ra vào để bảo vệ cho ta, muốn đáp trả ơn huệ ấy, chỉ biết như bầu trời lồng lộng đến vô cùng”. Và người sáng lập ra Nho giáo - Khổng Tử, đã dạy rằng: “Bách thiện hiếu vi tiên”, câu này nghĩa là, trong trăm thứ hạnh tốt, chữ “hiếu” xếp đầu tiên. Còn trong kinh Phật cũng đã chỉ rõ sự khó nhọc của cha mẹ sinh ra con. Đồng thời, báo đáp ân cha mẹ đứng ngang cùng báo ân Tam bảo, ân đất nước, ân chúng sinh. Vậy có phải chỉ nuôi được cha mẹ đã có thể cho là chí hiếu hay chưa? Về vấn đề này, Khổng Tử đã nói: Kẻ được gọi là hiếu thời nay chỉ ở chỗ nuôi được cha mẹ, nhưng nếu không có kính, thì giữa nuôi cha mẹ với nuôi con vật có gì khác đâu?

Vì vậy, nếu chỉ có nuôi được cha mẹ, giúp cha mẹ không lo về ăn mặc thì vẫn còn xa mới đủ, cần phải biết tôn kính cha mẹ. Bởi “kính” là chỗ cao nhất của “hiếu” và không gì lớn hơn tôn kính. Ý nghĩa chân chính của “hiếu” là lấy “kính” làm tiền đề. Điều ấy có nghĩa là “Cha mẹ gọi, không được chần chừ, cha mẹ yêu cầu, không được lười biếng. Cha mẹ dạy, phải kính cẩn mà vâng lời; cha mẹ trách mắng, cần thuận theo”. Phóng viên Tạp chí “Chance” của Ý có lần đã phỏng vấn Bill Gates - người sáng lập Microsoft rằng: Ngài cho rằng điều gì trong nhân sinh không thể chần chừ nhất? Tưởng rằng sẽ được chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh, nhưng người phóng viên không ngờ lại nhận được câu trả lời: “Sự việc mà con người không được phép chần chừ, không gì khác ngoài việc kính hiếu với cha mẹ”.

N.D

  • Từ khóa
110161

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu