Thứ 5, 09/05/2024 03:49:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:07, 05/03/2019 GMT+7

Phúc tướng

Thứ 3, 05/03/2019 | 12:07:00 167 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, trong chiến dịch đánh Thăng Long, Nguyễn Văn Trương chỉ huy thủy quân tiến chiếm cửa Giồn (Hà Tĩnh), cửa Hội (Nghệ An), chiếm vùng Sơn Nam Hạ rồi tiến vào Thăng Long. Trong suốt cuộc chiến, tham gia hàng trăm trận đánh, nhưng chưa trận nào ông bị thua. “Đại Nam liệt truyện” chỉ nói đến trận thua duy nhất của quân ông vào năm 1801 ở núi Thần Đâu nhưng lại do viên phó tướng chỉ huy và vì không tuân theo chỉ dẫn của ông.

Năm 1803, Gia Long vi hành ra Thăng Long, Nguyễn Văn Trương theo phò. Khi Nguyễn Văn Thành được cử đi kinh lý các tỉnh, Nguyễn Văn Trương được cử làm quyền Tổng trấn Bắc Thành (1803-1804), sau đó về kinh cùng Lê Chất lo việc xây đắp kinh thành Huế. Năm sau ông được cử vào Nam làm Lưu trấn Gia Định (1805-1808). Là tướng tài, lập nhiều công nhưng Nguyễn Văn Trương lại rất khiêm tốn, nhân hậu và không ham danh vọng. Khi làm tướng Tây Sơn, quân Nguyễn Ánh bị thua, lội qua sông chạy trốn. Quân Tây Sơn truy đuổi, Nguyễn Văn Trương ngăn lại bảo: Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là kẻ mạnh, nhờ vậy nhiều người thoát chết. Sau này, làm tướng của Nguyễn Ánh, ông đều xử sự như vậy với quân Tây Sơn. Khi làm quyền Tổng trấn Bắc Thành, một năm lụt lội dân bị đói, ông tự ý mở kho phát chẩn. Vì việc này, ông bị quở trách.

Minh họa: S.H

 Khi làm Lưu trấn Gia Định, quyền sinh sát trong tay nhưng bao giờ ông cũng châm chước công tội, thấu tình đạt lý, tâu về triều chờ lệnh chứ không tự ý quyết đoán. Năm 1803, bắt đầu thời kỳ bình xét công trạng, ông lại dâng sớ xin về hưu. Người đương thời gọi ông là “phúc tướng”. Gia Long từng nói: Làm tướng mà nhân hậu như Trương xưa nay hiếm. Ông mất năm 1810, thọ 70 tuổi. Nhà vua ban  quan tài bằng gỗ giáng hương, cấp 1.000 quan tiền để lo ma chay, lại sai Phó tướng Hoàng Văn Điểm, Tham tri Ngô Nhân Tĩnh trông coi việc tang. Ngày an táng, đích thân nhà vua ngự thuyền rồng trên sông Hương đi đưa. Sai các quan đến dự lễ tế, cấp phu trông coi phần mộ. Năm Gia Long thứ 14 (1815), ông được thờ ở miếu Trung Hưng công thần.

Năm Gia Long thứ 16 (1817), nhà vua sai Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng vinh danh ông trong danh sách công thần Vọng Các. Năm Minh Mạng thứ 5 (1824), được thờ ở Thế Miếu, cấp thêm ruộng tự điền. Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), được  truy phong Tá vận công thần,  Đặc tiến Tráng vũ đại tướng quân, Trung quân Đô Thống phủ chưởng phủ sự, hàm Thái bảo, đổi tên thụy là Chiêu Vũ, phong Đoan Hùng quận công. Năm Minh Mạng thứ 16 (1835) được thờ ở Võ Miếu.

Con cháu của Nguyễn Văn Trương tất cả đều thành danh. Con thứ là Nguyễn Văn Vân được phong Phó tướng Trung quân, làm quan đến Đô thống chế. Khi chết được ban chức Chưởng doanh, tên thụy là Tráng Nghị, thờ trong đền Trung Nghĩa. Con út là Nguyễn Văn Ngoạn, được Gia Long chọn làm phò mã, gả công chúa đầu là Bình Thái, làm quan đến Khâm sai, thống chế, Đốc trấn Thanh Hóa. Cháu đích tôn là Nguyễn Văn Minh làm Cai đội. Cháu nội là Nguyễn Văn Thuận làm Quản cơ Vĩnh Bảo, khi chết được phong Phó vệ úy, thờ ở đền Trung Nghĩa. Các chắt của ông có Nguyễn Văn Lược làm Vệ úy hậu vệ doanh tiền phong, tước Đoan Hùng tử; Nguyễn Văn Duật lấy công chúa thứ 46 của Minh Mạng, làm phò mã đô úy.

Sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn dành gần nửa quyển 8 để viết về ông, trong đó có đoạn: Trương tính tình nhân hậu không muốn giết người, trước là tướng cho giặc, quân ta đánh nhau với hắn bị thua, lội qua sông chạy, giặc xúm lại đâm, Trương ngăn lại bảo: Nhân lúc nguy của người mà đâm, không phải là mạnh, giặc mới thôi. Thế tổ từng khen rằng: Làm tướng có lòng nhân như Trương là ít lắm. Đến khi theo hàng thường dựng công lớn, đời khen là phúc tướng. Lại biết giữ pháp độ cẩn thận, không đem công nghiệp tự khoe, cho nên tuy xuất thân là hàng tướng mà trước sau được vua yêu mến, ít người theo kịp. Vợ của Trương cũng được gọi là phu nhân.

Lời bàn:

Với dân chúng và binh lính, Nguyễn Văn Trương luôn yêu thương, gần gũi, trợ giúp, trị dân có ân có uy. Ông khôn khéo trong cách ứng xử nên được nể phục. Nguyễn Văn Trương đã để lại những giá trị về văn hóa ứng xử trong quan hệ vua - tôi. Đối với vua, ông là một bề tôi trung thành được tin dùng, luôn có những ý kiến, quan điểm độc lập. Những giá trị mà võ nghiệp của Nguyễn Văn Trương để lại có thể giúp mỗi người ngày nay tìm ra những bài học về giá trị phù hợp cho mình trong hoạt động xã hội. Những thách thức và tình huống quân sự, tư tưởng quân sự... mà ông thực hiện là minh chứng cho giá trị văn hóa Việt ngay cả trong thời hiện đại.

Trong sách “Đại Nam liệt truyện” của Quốc sử quán triều Nguyễn dành gần nửa quyển 8 để viết về ông, trong đó có đoạn: Trương tính tình nhân hậu, làm tướng mà không muốn giết người... lại biết giữ pháp độ cẩn thận, không đem công nghiệp tự khoe, cho nên tuy xuất thân là hàng tướng mà trước sau được nhà vua, quân sĩ và nhân dân yêu mến, ít người theo kịp... Và cũng chỉ cần ngần ấy chữ đã là quá đủ để tên tuổi cùng sự nghiệp của ông sống mãi với thời gian. Bởi ông là một tài năng đặc biệt trên lĩnh vực cầm quân, là điển hình cho đạo đức con nhà võ với đức tính cương trực, thẳng thắn, quyết đoán. Ông có đủ vũ dũng, mưu trí, nhân nghĩa để cho hậu thế nghĩ suy về những bài học mang tính giá trị trong mọi hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa ở nước ta.

N.D

  • Từ khóa
110157

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu