Thứ 5, 09/05/2024 17:33:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:18, 20/01/2019 GMT+7

Biết người, biết ta

Chủ nhật, 20/01/2019 | 15:18:00 353 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Hoàn còn có tên gọi khác là Lê Đại Hành, ông là vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê nước Đại Cồ Việt. Khi còn thiếu thời, ông làm quan cho nhà Đinh dưới thời Đinh Bộ Lĩnh, đến chức “Thập đạo tướng quân”. Năm 979, viên quan Đỗ Thích giết vua Đinh Bộ Lĩnh và người con Đinh Liễn, người con thứ tên Đinh Toàn nối ngôi lúc 6 tuổi, Lê Hoàn làm Nhiếp chính, xưng là Phó vương, nắm đại quyền triều đình.

Cũng theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, cuối năm 979, khi biết Đinh Tiên Hoàng và con trai là Đinh Liễn bị ám sát, trong khi vua mới Đinh Toàn chỉ 6 tuổi, nhà Tống cho rằng thời cơ xâm lược nước Đại Cồ Việt đã đến. Kế hoạch xâm lược gấp rút được chuẩn bị. Tháng 7-980, vua Tống xuống chiếu phong Hầu Nhân Bảo làm Giao Châu lộ thủy lục kế độ chuyển vận sứ, Tôn Toàn Hưng, Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực giữ chức Binh mã đô bộ thự, chia thành 2 mũi tấn công thủy - bộ sang xâm lược nước ta.

Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép rằng, trước khi xuất quân, vua Tống gửi thư tuyên chiến tới Lê Hoàn, với lời lẽ ngạo mạn: Ta đã sửa sang binh xa và bộ tốt, hiệu lệnh chiêng trống rất nghiêm minh; nếu vâng theo giáo hóa thì được tha; nếu chống lại mệnh lệnh thì sẽ bị trị tội.

Trước nguy cơ ngoại xâm, thái hậu Dương Vân Nga và các tướng lĩnh đã suy tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi vua, chuẩn bị kháng chiến. Nhận rõ tầm quan trọng của sông Bạch Đằng và theo kinh nghiệm của Ngô Quyền năm 938, Lê Hoàn sai quân sĩ đóng cọc, bố trí trận địa chặn giặc ở đây. Tháng 1-981, cánh quân thủy do Hầu Nhân Bảo chỉ huy ồ ạt tiến vào cửa Bạch Đằng. Đạo quân thủy - bộ của ta nhất loạt xông ra chặn đánh quyết liệt. Nhưng do quân Tống đông, quân ta bất lợi, 200 thuyền chiến bị địch chiếm.

Mặc dù bị tổn thất trong trận đầu, quân ta vẫn quyết tâm chiến đấu. Trên trục đường bộ từ Ung Châu kéo sang, cánh quân do Tôn Toàn Hưng chỉ huy bị quân chủ lực cùng dân binh địa phương liên tục chặn đánh. Bị quân dân Đại Cồ Việt đánh trả rất quyết liệt, các đạo quân thủy - bộ nhà Tống không thể liên lạc với nhau. Tôn Toàn Hưng hoảng sợ đóng ở Hoa Bộ, mặc cho Hầu Nhân Bảo nhiều lần thúc giục.

Chờ mãi không thấy viện binh của bọn Lưu Trừng và Trần Khâm Tộ, Hầu Nhân Bảo quyết định cùng Quách Tiến kéo toàn bộ quân thủy - bộ tiến từ sông Bạch Đằng đến sông Luộc để phá thành Bình Lỗ, vào chiếm Hoa Lư. Quân và dân Đại Cồ Việt chiến đấu rất anh dũng. Đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo bị giáng đòn nặng nề, quân Tống thua to phải quay thuyền rút về sông Bạch Đằng. Sau thất bại ở Lục Giang, đạo thủy binh Hầu Nhân Bảo rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Tuy viện binh Tống đã kéo sang từ tháng 3, nhưng vẫn không thực hiện được việc tập trung binh lực để cùng tiến chiếm Hoa Lư. Trong khi đó, Lê Hoàn bí mật tăng cường lực lượng chuẩn bị một trận quyết chiến giáng đòn quyết định. Ngày 28-4-981, Lê Hoàn cho quân ra khiêu chiến với quân Hầu Nhân Bảo. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt thì quân ta “thua chạy”, quân Tống “thừa thắng” đuổi theo.

Khi chiến thuyền của Hầu Nhân Bảo lọt vào trận địa mai phục, Lê Hoàn tung quân ra đánh ráo riết. Các chiến binh Đại Cồ Việt từ khắp các trận địa và nhiều nẻo đường đổ về sông Bạch Đằng vây đánh quân Tống quyết liệt. Hầu Nhân Bảo bị giết chết, Lưu Trừng vội vã dẫn tàn quân tháo lui ra biển. Nghe tin Hầu Nhân Bảo tử trận trên sông Bạch Đằng, Tôn Toàn Hưng hoảng hốt dẫn quân bỏ chạy. Trần Khâm lo sợ rút lui, bị quân ta truy kích, tiêu diệt quá nửa. Các tướng Tống là Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân bị bắt sống tại trận. Vua Tống Thái Tông buộc phải ra lệnh rút lui, từ bỏ dã tâm xâm lược Đại Cồ Việt.

Lời bàn:

Tôn Tử là một thiên tài quân sự ở Trung Hoa thời Xuân Thu (722-481 trước Công nguyên). Ông nổi tiếng với cuốn “Tôn Tử binh pháp” - sách viết về mưu lược binh pháp được lưu truyền cho đến ngày nay. Trong cuốn binh pháp của mình, Tôn Tử đã viết rằng: Biết người biết ta, trăm trận không nguy; không biết người mà chỉ biết ta, một trận thắng, một trận thua; không biết người, không biết ta, mọi trận đều bại. Nói cách khác là người cầm quân trên chiến trường thì cần phải biết ưu thế của mình để phát huy, biết điểm yếu để bảo vệ; biết ưu điểm của đối thủ để né tránh, biết yếu điểm của đối thủ để tấn công. Không những thế, khi đấu tranh còn cần so sánh tương quan để quyết định chiến lược hòa hoãn núp bóng chờ thời hay tấn công.

Mục đích của Tôn Tử là dạy các tướng lĩnh rằng trước khi đánh trận phải tìm hiểu để biết rõ thực lực của quân địch lẫn quân ta rồi đi đến quyết định đánh, như vậy sẽ chắc thắng. Ngày nay rất nhiều người hiểu rộng và áp dụng kế sách này trong binh pháp Tôn Tử vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống và đã thu được kết quả như ý, nhất là trên thương trường trước sự cạnh tranh quyết liệt. Tiếc rằng, Hầu Nhân Bảo đích thực là hậu duệ của Tôn Tử nhưng lại chẳng học được gì ở tổ tiên mình, nên đã phải nhận một kết cục thảm bại và cay đắng. Vì vậy, hậu thế xin đừng ai quên lúc nào cũng cần phải “biết người, biết ta”.  

ND

  • Từ khóa
110139

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu