Thứ 5, 09/05/2024 18:31:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 17:06, 13/01/2019 GMT+7

Nghe vợ đỗ trạng

Chủ nhật, 13/01/2019 | 17:06:00 435 lượt xem

BP - Hiện nay, bên hồ Tây (Hà Nội) vẫn còn một ngôi mộ đã 600 năm tuổi, ít được ai để ý và biết rằng đó là nơi an nghỉ của trạng nguyên Vũ Tuấn Chiêu. Sự nghiệp của ông cũng gắn liền với hình ảnh người vợ tần tảo lam lũ, không quản mưa gió với mong muốn được nhìn thấy chồng đỗ đạt. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Vũ Tuấn Chiêu là người làng Xuân Lôi, xã Cổ Ra (nay thuộc xã Nam Hùng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), đỗ trạng nguyên năm 1475, khi đó ông đã ngoài 50 tuổi và là một trong 3 vị trạng nguyên lớn tuổi nhất. Con đường khoa bảng của Vũ Tuấn Chiêu rất gian nan. Năm lên 6 tuổi thì cha ông lâm bệnh rồi mất, họ hàng thân thích không nhiều, gia cảnh lâm vào túng thiếu, mẹ ông phải bán hết nhà cửa, chỉ giữ lại mảnh đất hương hỏa.

Cuối cùng hoàn cảnh khó khăn khiến bà phải để lại mảnh đất hương hỏa, nhờ hàng xóm cũng là bạn của chồng là ông Trần Công trông coi giúp. Hai mẹ con về quê ngoại ở làng Nhật Thiên, xã Nhật Chiêu, huyện Quảng Đức, ngoại thành Thăng Long, sống nương nhờ sự đùm bọc của nhà ngoại. Cuộc sống của mẹ con ông cứ thế trôi qua suốt 10 năm trong khó khăn. Năm lên 16 tuổi thì mẹ ông qua đời. Ông quyết định trở lại làng Xuân Lôi làm ăn sinh sống. Lúc này, ông Trần Công đã già, vợ đã mất. Thấy Vũ Tuấn Chiêu tuấn tú, khỏe mạnh nên quyết định gả con gái là Trần Thị Chìa cho. Trần Thị Chìa là cô gái nết na, thùy mị, chăm việc ruộng đồng, dệt vải kéo tơ; vừa phụng dưỡng cha già, lại vừa nuôi chồng ăn học. Năm 1459, ông Trần Công mất, Trần Thị Chìa dồn sức chăm lo cho chồng ngày đêm đèn sách, mong có ngày ông được vinh quy bái tổ.

Tuy Vũ Tuấn Chiêu mặt mày khôi ngô nhưng học hành lại tối dạ. Mười mấy năm đèn sách, ngày ngày đều đến thầy nhưng không mấy tiến bộ. Mặc dù vậy, ông vẫn kiên trì cố gắng, tuổi đã ngoài tứ tuần nhưng vẫn đến lớp học cùng đám hậu sinh tóc còn để chỏm. Biết chồng học kém nhưng bà Chìa vẫn kiên trì khuyên nhủ chồng chịu khó học hành. Hằng tháng, đều đặn bà gánh gạo từ nhà đến làng Hạ Vũ chu cấp để chồng yên tâm ăn học.

Có lần bà Chìa gánh gạo đến, thầy giáo gặp mặt rồi nói muốn trả chồng về vì học kém quá, cứ như thế thì ở nhà cày ruộng còn hơn. Thầy giáo nói: Trò Chiêu tuổi đã nhiều, học không tấn tới, nay ta cho về giúp con việc nhà, việc đồng ruộng cho bớt bề vất vả. Bà Chìa xin hết lời, nhưng thầy giáo vẫn không thay đổi ý định, bà đành chào thầy rồi cùng chồng thu xếp quần áo, sách vở trở về nhà. Đến đầu làng, hai vợ chồng dừng chân nghỉ bên chiếc cầu đá bắc qua nhánh sông nhỏ. Vũ Tuấn Chiêu nhìn thấy mấy cây cột đá chân cầu bị mòn vẹt mới ngạc nhiên hỏi vợ, bà Chìa đáp rằng:

Nước chảy lâu ngày đã làm mòn những cột đá của cây cầu! Chàng thấy đấy, cột đá là vật cứng rắn, dòng nước thì mềm nhưng qua năm tháng cứ chảy mãi lâu ngày khiến đá cũng phải mòn, cho nên làm việc gì nếu có chí, sự kiên trì, nhẫn nại tất sẽ thành. Lời người vợ hiền khiến Vũ Tuấn Chiêu bừng tỉnh, ông bảo vợ về nhà, còn mình mang quần áo, sách vở trở lại để tiếp tục học. Gặp thầy, ông thưa rằng: Nước chảy đá mòn, thưa thầy, việc học cũng như vậy, nếu có chí học thì thế nào cũng sẽ khá lên. Nay con trở lại trường quyết tâm dùi mài kinh sử, mong một ngày chiếm tên trên bảng vàng, trước là khỏi phụ công ơn dạy dỗ của thầy, sau là đền đáp tấm lòng của vợ và cũng là để thỏa cái chí của con.

Dù lời nói rất có khẩu khí nhưng thầy giáo không còn tin tưởng vào người học trò đã rất lớn tuổi này nên tìm cớ để đuổi học trò về. Thầy nghĩ ra một vế đối là: Lác đác mưa sa làng Hạ Vũ. Sau một lúc suy nghĩ, Tuấn Chiêu đối rằng: Ầm ì sấm động đất Xuân Lôi. Và vế đối này đã làm thầy đồ hài lòng, từ đó ông được ở lại tiếp tục dùi mài kinh sử, sức học cũng tiến dần lên. Trong 5 năm tiếp theo, bà Chìa tóc đã hoa râm, già theo năm tháng, bà vẫn vừa lo việc ruộng vườn vừa chăm sóc con cái, lại đều đặn gồng gánh đem gạo, mang dầu thắp đèn và tiền bạc từ nhà đến nơi trọ học của chồng cho đến khi lâm bệnh mất. Năm đó, Vũ Tuấn Chiêu đã gần 50 tuổi và đến năm 1475, ông đỗ trạng nguyên.

Lời bàn:

Từ một học trò có lực học dưới mức bình thường, nhưng sau một thời gian “dùi mài kinh sử”, Vũ Tuấn Chiêu đã trở thành trạng nguyên - người ở bậc cao tột đỉnh của bằng cấp thời phong kiến. Nếu không phải là người có ý chí phi thường thì chắc chắn không thể làm được điều đó. Xét dưới góc độ tâm lý học, thì ý chí là mặt năng động của ý thức, biểu hiện ở năng lực thực hiện những hành động có mục đích, đòi hỏi phải có sự nỗ lực khắc phục khó khăn bên ngoài và bên trong. Nói cách khác, ý chí là khả năng tự xác định mục đích cho hành động và quyết tâm đạt cho được mục đích đó.

Và một điều không ai có thể phủ nhận đó là, ý chí không tự nhiên sinh ra mà nó được hình thành, tôi luyện trong quá trình con người đấu tranh với khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống. Ý chí được biểu hiện trong hành động, thông qua những phẩm chất cơ bản là tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì, tính dũng cảm và tính tự chủ. Và nội dung của giai thoại người xưa để lại cho hậu thế thêm một lần nữa chứng minh rằng “có công mài sắt, có ngày nên kim” hay “thiên tài chỉ có 1% là do trời phú, 99% còn lại là mồ hôi và nước mắt”. Vâng, một mình bạn không thể thay đổi thế giới, nhưng có thể thay đổi bản thân mình. Việc cần làm là chọn lựa một con đường đúng đắn và kiên trì bước tiếp. 

ND

  • Từ khóa
110136

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu