Thứ 6, 10/05/2024 02:06:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:30, 20/12/2018 GMT+7

Thất trảm sớ

Thứ 5, 20/12/2018 | 10:30:00 2,206 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trần Dụ Tông là vị hoàng đế thứ 7 của triều đại nhà Trần, ở ngôi 28 năm, từ năm 1341-1369. Trần Dụ Tông là con thứ 10 của vua Trần Minh Tông và là em của vua Trần Hiến Tông. Năm 1341, vua Trần Hiến Tông mất sớm, thượng hoàng Minh Tông lập Dụ Tông làm vua. Khi đó, nhà vua mới 5 tuổi nên thượng hoàng quyết định mọi việc, chính sự khá tốt đẹp. Sau khi thượng hoàng qua đời, Dụ Tông đích thân chấp chính. Lúc này, nhà Nguyên đang đại loạn, ông đã cho quân lính phòng ngự ở biên giới để tránh bạo loạn.

Ở phía Nam, lúc đó Chiêm Thành trở nên không thông hiếu, nhiều lần qua cướp các vùng Thanh Hóa, Hóa Châu, làm hại dân lành, Dụ Tông ra sức sai quân lính bảo vệ biên cương, nhưng vẫn ở thế giằng co. Tuy hăng hái về chính sự nhưng Dụ Tông lại thích hưởng lạc, xây dựng nhiều cung điện, thích đánh bạc, nuôi chim, thú lạ khắp nơi, trong cung lại hiện ra khung cảnh hào hoa tráng lệ khác thường. Cơ nghiệp nhà Trần từ đây suy yếu.

Minh họa: S.H

​​​​​​​Vì thấy Trần Dụ Tông ham chơi lười chính sự, quyền thần nhiều kẻ làm trái phép nước, Chu Văn An khuyên can nhiều lần nhưng Trần Dụ Tông không nghe. Cụ thể là ông đã dâng sớ xin chém 7 tên nịnh thần, đều là những kẻ quyền thế được vua yêu. Người bấy giờ gọi là “Thất trảm sớ”. Sau khi bản sớ dâng lên nhưng không được trả lời, ông liền treo mũ về quê. Theo cuốn “Vương triều sụp đổ”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Hoàng Quốc Hải, do Nhà xuất bản Phụ nữ phát hành năm 2006, thì 7 tên gian thần bị Chu Văn An xin xử trảm, gồm:

Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái nhà lương dân, để nhiều người chết trẻ, chết già vì mòn mỏi trong cung thất; lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn hoàng thượng vào con đường vô đạo.

Trâu Canh - viên ngự y phạm tội làm cho hoàng thượng liệt dương từ năm 3 tuổi, lại bày trò phục dương cho bề trên khi 15 tuổi. Y đã bắt cóc 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thang cho bài thuốc hồi dương của quan gia. Rồi y bày trò cho quan gia thông dâm với chị ruột mình, nói là phương thuốc chữa trị. Trong khi chữa trị cho quan gia, y lại thông dâm với cung nhân của chính quan gia. Trâu Canh là người Hán, cháu nội Trâu Tôn đi theo quân nhà Nguyên vào xâm lược Đại Việt, rồi bị bắt, y đã xin hàng, lại xin được cư trú. Nay Trâu Canh lộng hành, dẫn dắt đức vua vào con đường thương luân bại lý.

Bùi Khoan, Chính chưởng phụng ngự. Y bày trò cờ bạc, rượu chè dơ dáy ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ, bê tha.

Văn Hiến hầu can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, ngờ vực lẫn nhau, làm cho đức vua khó phân biệt người ngay, kẻ nịnh.

Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, tới cạn kiệt quốc khố.

Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm mọi cách tăng thu thuế, tăng các sắc thuế từ thượng cổ chưa từng có, để bòn rút của dân, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trác táng của hoàng thượng. Kể cả những năm mất mùa đói kém, dân chết đói đầy đường, chúng cũng không tha giảm.

Đoàn Nhữ Cẩu, Đồng binh chương sự, bòn rút khẩu phần của lính, các đồ binh khí đã cũ, hỏng vẫn không chịu thay thế để lấy tiền công bỏ túi. Y xao nhãng việc luyện tập canh phòng biên cương phía Bắc, phía Nam gần như bỏ ngỏ. Hiện thời Chiêm Thành đang ráo riết nhòm ngó miền Châu Hóa.

Lời bàn:

Năm 1357, thượng hoàng Minh Tông mất. Lúc đó, Trần Dụ Tông được toàn quyền trị nước lại bỏ bê triều chính, ham mê tửu sắc, ăn chơi sa đọa, ra lệnh cho xây nhiều cung vàng, điện ngọc, thu sưu cao, thuế nặng làm cho nhân dân vô cùng khổ sở và ca thán. Khi đó, các đại thần như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát tuy có năng lực nhưng không can gián được vua bớt hưởng lạc. Vì thế, trong nước giặc giã nổi lên khắp nơi, tại triều đình thì gian thần kéo bè kết đảng và trở nên lộng hành vô cùng. Những điều đó chính là nguyên nhân đưa triều Trần bước dần ra khỏi vũ đài chính trị, bị mất vương quyền vào tay họ khác.

Và lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng: Một quốc gia mà nội bộ không có sự đoàn kết, chia năm xẻ bảy, bè đảng phe phái kình chống lẫn nhau, chỉ biết chuyên quyền, tư lợi thì sớm muộn gì cũng xảy ra ngoại xâm, nội loạn. Một xã hội không quý trọng người hiền tài thì không thể nào phát triển, tiến bộ. Một xã hội không biết kính trọng người hiền đức, không trân quý điều thiện, sống theo điều thiện thì xã hội đó không có nền tảng vững bền, con người không có cuộc sống yên ổn vì mất an ninh, trật tự an toàn xã hội. Nếu quốc gia nào biết vận dụng tốt những điều thiện, trọng dụng người hiền tài thì chắc chắn sẽ thành công trong xây dựng và phát triển đất nước. Xin hậu thế đừng ai quên điều này!

ND

  • Từ khóa
110129

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu