Thứ 5, 09/05/2024 15:46:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:03, 18/12/2018 GMT+7

Kẻ loạn thần

Thứ 3, 18/12/2018 | 13:03:00 258 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vua Lý Anh Tông lên kế vị ngai vàng khi mới 3 tuổi. Đỗ Anh Vũ khi đó làm Thái úy nhiếp chính lại tư thông với Lê thái hậu nên lũng đoạn triều cương. Năm 1150, Anh Tông lên 14 tuổi, tướng Vũ Đái và một số người trong hoàng tộc bất bình với Anh Vũ bèn mang quân bắt giữ. Tuy vậy, Vũ Đái lại tham lam, nhận vàng của thái hậu đút lót nên không giết Anh Vũ. Lê thái hậu bày mưu mở nhiều hội và ân xá để Anh Vũ được tha tội, rồi xin vua phục chức cho Đỗ Anh Vũ. Anh Vũ phục chức rồi quay lại sát hại các trung thần, trong đó có Vũ Đái và những người cùng cánh, lưu đày một số người khác.

Năm 1158, Anh Vũ chết, Tô Hiến Thành mới giúp vua đánh Đông dẹp Bắc, giữ cho nước được yên. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về việc này như sau: Khi vua còn trẻ thơ, chính sự không cứ việc lớn, nhỏ đều ủy cho Đỗ Anh Vũ cả. Anh Vũ sai vợ là Tô thị ra vào cung cấm hầu hạ Lê thái hậu, do đó mà Anh Vũ tư thông với Lê thái hậu, nhân thế lại càng kiêu rông, ở triều đình thì khoát tay lớn tiếng, sai bảo quan lại thì hất hàm ra hiệu, mọi người đều liếc nhau nhưng không ai dám nói. Điện tiền đô chỉ huy sứ là Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi, Nội thị là Đỗ Ất, cùng với bọn Trí Minh Vương, Bảo Ninh hầu, phò mã lang Dương Tự Minh cùng mưu bắt giam Anh Vũ. Bàn tính xong, bọn Vũ Đái đem quân lính đến ngoài cửa Việt Thành hô to rằng: Anh Vũ ra vào cấm đình, làm nhiều điều ô uế, tiếng xấu đồn ra ngoài, không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau... Bèn có chiếu sai cấm quân đến bắt Anh Vũ trói giam ở hành lang tả Hưng Thánh, giao cho Đình úy tra xét.

Minh họa: S.H

Thái hậu sai người mang cơm, rượu cho Anh Vũ, ngầm để vàng vào trong đồ đựng món ăn để đút lót Vũ Đái và các người canh giữ. Khi đó, Hỏa đầu ở đô tả Hưng Thánh là Nguyễn Dương nói: Các ông tham của đút, tôi với các ông tất không thoát khỏi tay Anh Vũ đâu, chi bằng cứ giết trước đi cho khỏi tai họa về sau”. Nói xong, Nguyễn Dương bèn cầm giáo định đâm. Thấy vậy, Đô tả Hưng Thánh là Đàm Dĩ Mông ôm Dương, cướp lấy giáo, ngăn rằng: Điện tiền bảo Anh Vũ tội đáng chết, nhưng còn phải đợi mệnh lệnh của vua, không nên tự tiện. Dương giận, chửi: Điện tiền Vũ cứt chứ chẳng phải Đái! Sao tham của đút mà không tiếc đến mạng mình! Nói xong, tự biết không khỏi chết, bèn nhảy xuống giếng tự tử nhưng được cứu.

Bấy giờ, vua xét án của Anh Vũ, đày Anh Vũ làm Cảo điền nhi. Thái hậu lo buồn, cố nghĩ làm thế nào để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ nên nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân, mong Anh Vũ được dự vào đấy. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại làm Thái úy phụ chính như cũ nên càng được yêu dùng hơn, do đấy chuyên làm oai, làm phúc, sinh sát mà lòng báo thù lúc nào cũng tỏ rõ. Anh Vũ còn sợ rằng bọn quân lại đi bắt bớ phần nhiều không được như ý nên dâng sớ xin hơn một trăm người thủ hạ để làm đô Phụng quốc vệ, người nào phạm tội đều giao cho đô Phụng quốc vệ đi bắt.

Anh Vũ mật tâu với vua rằng: Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem cấm quân xông vào cung đình, tội ấy không gì to bằng, nếu không sớm trừng trị, sợ một ngày kia sinh biến, không thể lường được. Vua chẳng biết gì cả, bèn chuẩn tâu. Anh Vũ sai đô Phụng quốc vệ đi bắt bọn Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Đồng thời, hạ chiếu giáng Trí Minh Vương xuống tước hầu, Bảo Ninh hầu xuống tước minh tự, Bảo Thắng hầu xuống tước phụng chức, Nội thị là bọn Đỗ Ất 5 người bị “cưỡi ngựa gỗ”, bọn Hỏa đầu đô Ngọc Giai là Đồng Lợi 8 người bị chém ở chợ Tây Giai, bọn Điện tiền đô chỉ huy sứ Vũ Đái cùng 20 người bị chém bêu đầu ở các bến sông, bọn phò mã lang Dương Tự Minh 30 người bị tội lưu ở nơi xa độc, những người dự mưu đều bị tội đồ làm điền hoành, khao giáp, quả như lời nói của Nguyễn Dương.

Lời bàn:

Đỗ Anh Vũ là một vị đại thần gây nhiều tranh cãi, được nhắc đến bên cạnh Việt quốc công Lý Thường Kiệt, không chỉ vì vai trò trong triều đình mà còn vì quan hệ cậu, cháu với Lý Thường Kiệt. Tương truyền, ông có quan hệ với Linh Chiếu thái hậu, mẹ của Anh Tông và là người giữ vai trò nhiếp chính khi ấy. Việc này khiến cung đình nhà Lý xảy ra một cuộc nội loạn gây nhiều tổn hại trong chính quyền triều đình. Thế nhưng, theo các tư liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay, ban đầu Đỗ Anh Vũ là người có công lao to lớn đối với nhà Lý. Vì trong bối cảnh triều chính loạn lạc, vua còn nhỏ tuổi, nhưng ông đã dám xả thân chịu nhiều oan ức để đứng ra bảo vệ vương triều, giúp nhà Lý giữ thế cân bằng để tiếp tục truyền ngôi cho các thế hệ tiếp theo.

Tuy nhiên, cũng chính vì trong tay nắm quyền cao, chức trọng, lại được vua tin dùng, Đỗ Anh Vũ đã trở thành kẻ loạn thần và ngày càng đẩy nhà Lý đến chỗ suy vong. Và trong cuốn “Việt sử giai thoại”, nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần có bàn về việc Vũ Cát Đái và những người đồng mưu bắt Đỗ Anh Vũ chẳng qua chỉ vì muốn giành những gì béo bở mà địa vị của Đỗ Anh Vũ có thôi. Có thế họ mới thản nhiên ăn của đút, bất chấp cả sự giận dữ của Nguyễn Dương. Ôi, vua nhỏ tuổi, thái hậu dâm loạn, quyền thần gian tà thi nhau lũng đoạn, phép nước chẳng còn ai lưu tâm tới nữa... Nước chẳng có giặc mà thực là như đang có giặc, nguy lắm thay và cũng chí lý lắm thay!

ND

  • Từ khóa
110128

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu