Thứ 5, 09/05/2024 22:28:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:32, 16/12/2018 GMT+7

Thi võ thời xưa

Chủ nhật, 16/12/2018 | 14:32:00 287 lượt xem

BP - Ngày xưa, người ta gọi người học võ là võ sinh, người dạy võ là võ sư, nhà dạy võ là võ đường, người lập thân bằng võ nghệ là võ sĩ. Trong số đó, nổi lên những người kiệt xuất, thực học sâu xa, thông hiểu võ đạo, có thành tích rực rỡ trong nghiệp võ. Năm 1723, đời Lê Dụ Tông, việc thi võ được tổ chức để khảo chọn những cử nhân võ và có 572 võ sinh dự thi. Ban giám khảo được thành lập gần như quy chế của các kỳ thi hương (bên văn), cũng có điều kiện (chủ khảo), có 2 phúc khảo và 4 đồng phúc khảo, tất nhiên do các quan võ đảm nhiệm. Thí sinh cũng phải qua 3 kỳ thi như thi hương.

Từ thời vua Gia Long, những người có tài võ nghệ rất được vua trọng dụng. Chính các võ tướng như Tôn Thất Hội, Nguyễn Văn Trương, Lê Văn Duyệt đã phụ tá đắc lực cho vua Gia Long đánh Nam dẹp Bắc, thống nhất giang sơn lập nên nhà Nguyễn. Tiếp nối cha, sau khi lên ngôi năm 1820, vua Minh Mạng rất coi trọng việc chiêu hiền đãi sĩ cả văn lẫn võ để phục vụ triều đình, mở mang bờ cõi. Vua cho xây dựng Võ Miếu vào tháng 11-1835 tại An Ninh Thượng (nay là thôn An Bình, phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bên cạnh Văn Thánh Miếu để thờ các bậc danh tướng triều Nguyễn lập nhiều chiến công.

Trong sách “Đại Nam thực lục” đã ghi lại lời dụ của vua Minh Mạng như sau: Điều cốt yếu của việc trị nước là cả văn lẫn võ, không thể riêng bỏ bên nào. Đặt ra Võ Miếu là việc nên làm... Huống chi bản triều từ ngày khai quốc đến trung hưng, công liệt rực rỡ, không kém người xưa, đáng biểu dương để khuyến khích nhân tài. Vua Minh Mạng chiêu hiền đãi sĩ những người giỏi giang về võ thuật, dũng cảm và mưu lược. Năm 1837, triều đình quy định lấy các năm Dần, Tỵ, Thân, Hợi thi hương võ; các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu mở khoa thi hội võ.

Trong khoa thi hương võ, triều đình quy định người nào 3 kỳ thi đầu đều trúng thì là cử nhân võ, dự trúng 2 kỳ là tú tài võ. Đối với cử nhân võ thì ngày xướng danh, phúc hạch sẽ được hỏi 3-4 câu ở sách Võ kinh, Tứ tử, ai thông suốt thì được xếp ở hạng đầu bảng. Các cuộc thi hương võ thường được triều đình tổ chức tại các trường thi võ ở Huế, Bình Định, Hà Nội, Thanh Hóa.

Theo “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, trong kỳ thi hội võ, các võ sinh phải trải qua 3 nội dung thi, người nào thi trúng cả 3 lại kiêm thông chữ thì cho vào thi tại cung điện nhà vua. Tại đây, võ sinh nào có điểm số cao về binh pháp, văn lý sẽ đỗ tiến sĩ võ. Những võ sinh không được vào thi tại cung điện nhà vua liệt làm phó bảng võ. Sau đó, các võ sinh thi đỗ sẽ được triều đình vinh danh, bổ nhiệm vào các chức quan võ. Theo sách “Đại Nam thực lục”, vào thời vua Thiệu Trị năm 1846, triều Nguyễn đã mở khoa thi võ ở kinh thành Huế, những võ sinh vượt qua kỳ thi được thăng bổ quan chức và sung làm thị vệ, túc vệ, hành tẩu.

Cũng giống các giám sinh đỗ tiến sĩ văn ban, võ sinh đỗ tiến sĩ võ cũng được triều Nguyễn cho khắc tên vào võ bia thờ tự tại Võ Thánh Miếu để lưu danh thiên cổ với các danh xưng như đệ nhất giáp tiến sĩ, đệ nhị giáp tiến sĩ, đệ tam giáp tiến sĩ. Bên cạnh tổ chức khoa thi võ, triều Nguyễn cũng tổ chức các trường luyện tập võ nghệ để tập hợp võ cử, võ sinh của các tỉnh.

Các khoa thi dưới triều Nguyễn đã chọn ra được những bậc danh tướng giúp triều đình mở mang bờ cõi, dẹp giặc. Trong đó, có các danh tướng như Võ Văn Đức đỗ tiến sĩ võ năm 1865; Nguyễn Văn Vận, Phạm Học, Nguyễn Văn Tứ, Dương Viết Thiệu đỗ tiến sĩ võ ở khoa thi Mậu Thìn - năm 1868. Tên tuổi các danh tướng này đều được khắc vào võ bia thờ tự ở Võ Thánh Miếu và vẫn còn tồn tại cho đến hôm nay.

Hiện nay, tại Võ Thánh Miếu ở trong kinh thành Huế còn 5 tấm bia đá khắc tên các danh tướng có công khai quốc triều Nguyễn và tên các vị tiến sĩ võ, trong đó có 3 tấm bia được gọi là Võ công bi ký, Võ công tả bi và Võ công hữu bi. Bia Võ công bi ký được khắc lời dụ của vua Minh Mạng về việc tuyển chọn 10 vị võ tướng có công với triều Nguyễn từ khi khai quốc.

Lời bàn:

Suốt mấy ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, truyền thống thượng võ luôn được giữ gìn và phát huy như một nét tinh hoa trong đời sống. Truyền thống học võ trong dân gian cũng có từ buổi đầu dựng nước, những lò dạy võ được lập nên ở các làng quê đã thu hút đông người đi học võ. Tuy nhiên, khác hẳn với việc học văn, ngày xưa học võ không phải để hướng đến con đường khoa cử, cốt đỗ đạt để ra làm quan. Người học võ lấy võ đạo làm đầu, trọng đạo nghĩa, học võ để phòng thân, bảo vệ xóm làng hoặc xa hơn nữa là đem tài sức giúp nước khi có giặc ngoại xâm. Và đã có thời người ta học võ như học một nghề, hơn nữa, lại là một nghề gắn liền với tiếng tăm, danh dự.

Tiếc rằng ngày nay, việc dạy võ, học võ đã giản lược đi nhiều, vì chủ yếu là để rèn luyện sức khỏe, nên cái tinh túy, kỹ lưỡng của nghề cũng mai một dần. Thậm chí có người còn muốn nổi tiếng thông qua việc thách đấu giữa 2 cá nhân, không đại diện cho môn phái nào cả, không đại diện cho nền võ thuật của Việt Nam. Hơn nữa, cuộc thách đấu này bất chấp hạng cân, bất chấp lứa tuổi, như vậy không khác là bao so với 2 người đánh nhau ngoài đường. Vì vậy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần hướng tới những quy định về việc cá nhân, tổ chức đứng ra thách đấu thể thao.

ND

  • Từ khóa
110127

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu