Thứ 5, 09/05/2024 21:12:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:30, 18/09/2018 GMT+7

Tấm lòng rộng lớn

Thứ 3, 18/09/2018 | 07:30:00 911 lượt xem
BP - Theo lịch sử ghi lại thì cha của Trần Quốc Tuấn là An Sinh Vương Trần Liễu mang theo mối hận với vua, trước khi chết đã trăn trối với con rằng: Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được. Sự việc này được cả nhà vua và tất cả hoàng thân quốc thích trong triều đình nhà Trần biết rõ, nhưng vì sao vua Trần Thái Tông vẫn phong Trần Quốc Tuấn làm Quốc Công Tiết Chế - Tổng chỉ huy quân đội đánh quân Nguyên - Mông?

Điều này không thấy có câu trả lời trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” nhưng lại được nói rõ trong cuốn “Đông A di sự” của Trần Triều Bình Chương Quốc Sư, Băng Hồ Tướng Công Trần Nguyên Đán. “Đông A di sự” là một bộ sử được coi là đúng nhất viết về các chuyện trong hoàng cung của nhà Trần, vì do những người trong hoàng cung ghi chép lại. Theo cuốn sách này, người phụ nữ có vai trò củng cố tinh thần kháng Nguyên và giúp Trần Quốc Tuấn đảm nhiệm Quốc Công Tiết Chế không phải ai xa lạ, mà chính là Huệ Túc phu nhân - vợ của vua Trần Thái Tông.

Minh họa: S.H

Và cũng trong chuyên mục này, ở kỳ trước chúng tôi đã có dịp nói về việc vua Trần Thái Tông thử tài Hoàng Chu Linh, con gái của Hoàng Bính. Sau khi gieo quẻ và đoán về thân thế, sự nghiệp của Thái sư Trần Thủ Độ, Hoàng Chu Linh đã khẳng định: Thưa tiên sinh, xét số tiên sinh, thì tiên sinh chính là Thái sư Trần Thủ Độ. Đến lúc này, vua Trần Thái Tông không còn giấu giếm gì nữa, mà tuyên chỉ: Thái sư thua Hoàng cô nương rồi. Vậy thái sư phải làm cho cô nương 3 điều đi thôi.

Ngay sau đó, Hoàng Chu Linh nói điều ước thứ nhất của mình là mong toàn thể gia đình được ở Đại Việt, 2 điều ước còn lại sẽ nói sau. Cũng lúc này, Hoàng Bính mới quỳ trước vua và nói rằng: Chuyến về Thăng Long lần này, mục đích của ông là dâng con gái cho nhà vua, để tỏ lòng trung với Trần triều. Lập tức nhà vua ban chế phong Hoàng Chu Linh là Huệ Túc phu nhân. Năm 1285, khi 50 vạn quân Nguyên - Mông chuẩn bị tiến đánh Đại Việt, nhiều người lo lắng, một số tôn thất bàn nên hàng giặc như Trần Nhật Hạo, Trần Di Ái. Huệ Túc phu nhân lúc này thấy lá số của nhiều tôn thất trong hoàng tộc đều rất vẻ vang, nhiều người là anh hùng, bèn khuyên nhà vua nên quyết tâm chống giặc.

Bà cũng thấy rõ Trần Quốc Tuấn là anh hùng dân tộc, sự nghiệp và tên tuổi của ông sẽ lưu lại thiên thu, nên dù cho mâu thuẫn gia tộc bà cũng khuyên nhà vua nên giao chức Quốc Công Tiết Chế cho Trần Quốc Tuấn. Huệ Túc phu nhân tâu với vua rằng: Thiếp xem tử vi cho các thiếu niên trong hoàng tộc thấy họ đều là các vị anh hùng xã tắc mai sau. Sự nghiệp của Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn mai sau rực rỡ vô cùng. Số của Quốc Tuấn là số của một vị anh hùng, là bậc thánh nhân chắc không có việc tạo phản đâu. Trong số các vị thái tử, thiếp chỉ lo có số của Trần Ích Tắc, tuy thông minh nhưng sau này hình khắc lục thân, trôi nổi...

Huệ Túc phu nhân cũng thấy rõ lá số của Trần Quốc Tuấn là người thông tuệ, tấm lòng sáng tỏ như đôi vầng nhật nguyệt, tuyệt đối không thể làm phản nên hết lòng tiến cử Quốc Tuấn và nhà vua đã tin tưởng nghe theo lời bà mặc cho có lời bàn tán. Nhờ đó, Trần Quốc Tuấn được cất nhắc làm Tiết chế, Tổng chỉ huy quân đội ngay từ lần chống quân Mông Cổ thứ nhất. Cuộc chiến chống quân Mông Cổ lần thứ 2, khi 50 vạn quân Nguyên tiến sang, phía nam Toa Đô dẫn 20 vạn quân đánh ngược lên, người giữ thành Nghệ An là Trần Kiện cùng toàn bộ gia quyến đã đưa toàn quân đầu hàng giặc. Quân giặc từ 2 hướng Bắc - Nam như 2 gọng kìm siết chặt, Đại Việt rối bời.

Lúc này, nhiều người nói với Trần Quốc Tuấn rằng đây là cơ hội tốt nhất để trả thù cho cha. Thế nhưng Trần Quốc Tuấn bỏ ngoài tai, kể cả những lời nhắc nhở của con trai và người thân khác về thù nhà. Ông dốc lòng đem tài thao lược của mình với kế sách “Vườn không nhà trống”, “dùng đoản binh phá trường trận”, từng bước lấy lại thế trận đánh bại 50 vạn đại quân Nguyên - Mông, giữ vững giang sơn xã tắc nước Đại Việt.

Lời bàn:

Nếu ai từng đọc và học kiệt tác của Trần Hưng Đạo -Hịch tướng sĩ, ắt sẽ không bao giờ quên đoạn văn mà ông viết từ ruột gan của mình: Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm tức chưa được xả thịt, lột da, nuốt gan, uống máu quân thù. Dẫu cho trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa, ta cũng vui lòng. Và đây có thể coi là một trong những câu nói nổi tiếng nhất của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị tướng soái kiệt xuất bậc nhất trong lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, nó chưa thể lột tả hết con người bậc đại nhân, đại trí, đại dũng của ông.

Với một vị tướng đại tài Trần Quốc Tuấn, không chỉ người đương thời mà cả hậu thế ngày nay đều tôn vinh. Ông không những là danh tướng của mọi thời đại, mà còn nuôi dưỡng, giáo dục được rất nhiều nhân tài trở thành trụ cột cho nước nhà như Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu, Yết Kiêu, Dã Tượng... Điều đặc biệt nữa là Trần Hưng Đạo còn nuôi dạy con cháu trở thành người có ích cho triều đình và đất nước. Nếu như không có lời tiến cử của Huệ Túc phu nhân, không có tấm lòng trung trinh của Trần Quốc Tuấn thì có lẽ lịch sử Đại Việt thời ấy đã thay đổi?!

N.D

  • Từ khóa
110092

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu