Thứ 6, 10/05/2024 02:12:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:39, 16/09/2018 GMT+7

Người vợ tài danh

Chủ nhật, 16/09/2018 | 14:39:00 214 lượt xem

BP - Vua Tự Đức tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Thì, là vị hoàng đế thứ tư của triều Nguyễn. Ông là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất của nhà Nguyễn (năm 1847-1883). Vì anh trai của ông là Nguyễn Phúc Hồng Bảo ham chơi, mê cờ bạc, không chịu học hành nên Thiệu Trị trước lúc qua đời đã để di chiếu truyền ngôi cho ông. Bấy giờ ông mới 19 tuổi, nhưng học hành đã thông thái. Tháng 10-1847, ông chính thức lên ngôi ở điện Thái Hòa, đặt niên hiệu là Tự Đức, bắt đầu từ năm sau (1848). Khi Tự Đức lên cầm quyền, triều đình vẫn cai trị tuân theo phong cách Nho giáo.

Tự Đức được đánh giá là vị vua có tư cách tốt. Ông chăm chỉ xem xét việc triều chính và không hề trễ nải, được các quan nể phục. Theo “Việt Nam sử lược”, ông thường hay chít khăn vàng và mặc áo vàng, khi có tuổi ông hay mặc quần vàng và đi giày hàng vàng do nội vụ đóng. Tự Đức được người đời ca tụng là một ông vua có hiếu. Lệ thường cứ ngày chẵn thì chầu cung, ngày lẻ thì ngự triều: trong 1 tháng chầu cung 15 lần và ngự triều cũng 15 lần, trừ khi đi vắng và lâm bệnh. Trong suốt 36 năm thường vẫn như thế, không sai chút nào.

Minh họa: S.H

Theo bài vị tại văn bia, vua Tự Đức có 103 bà vợ được chia theo 9 bậc. Đa số bà vợ có thứ bậc cao là con quan đại thần, trong đó có 1 bà hàng tiệp dư tên Nguyễn Thị Bích. Là người thông minh, hay chữ, bà tiệp dư Nguyễn Thị Bích được vua Tự Đức giao dạy học cho các hoàng tử.

Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, bà Nguyễn Thị Bích tự Lang Hoàn, sinh năm 1830, quê huyện An Phúc (Bình Thuận), là con gái thứ tư của Bố chính sứ hộ lý tổng đốc Thanh Hóa Nguyễn Nhược Sơn. Lúc bé, bà thông minh, có tiếng về văn học. Năm 1848, khi 18 tuổi, bà được tiến vào cung. Trong một buổi ngâm vịnh, vua Tự Đức bảo bà làm bài thơ tảo mai. Bài thơ được vua khen hay, thưởng 20 đỉnh bạc, tuyển vào cung được phong làm tài nhân và hầu vua. Năm thứ 13 thời vua Tự Đức, bà được phong làm mỹ nhân, sau đó tấn phong làm quý nhân, tiệp dư. Với tài trí thông minh, bà được vua Tự Đức sai dạy kinh điển và dạy tập nội đình cho các hoàng tử. Những hoàng tử con nuôi của vua Tự Đức do bà dạy dỗ sau này trở thành vua là Đồng Khánh và Kiến Phúc. Năm 1883, vua Tự Đức mất, vâng ý chỉ của hai cung là bà Đức Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức và bà Trang Ý, vợ chính vua Tự Đức, bà đã thảo sắc dụ. Trong sự kiện kinh đô Huế thất thủ năm 1885, bà theo vua Hàm Nghi và 2 cung đi Quảng Trị. Nhưng sau khi ra Quảng Trị, thấy sức khỏe hai cung không tốt, khó nhọc bà đã theo trở lại kinh thành Huế, sau đó lên Khiêm Lăng phụng thờ vua Tự Đức và chịu sự quản chế của người Pháp.

Theo cuốn “Chuyện nội cung các vua” của nhà sử học Nguyễn Đắc Xuân, bà Nguyễn Thị Bích đã ở bên cạnh vua Tự Đức và chứng kiến những sự kiện xảy ra ở triều đình Huế từ sau ngày vua Tự Đức mất. Với sự hiểu biết của mình, bà đã viết tác phẩm “Loan Dư Hạnh Thục Quốc Âm Ca” (thường gọi tắt là “Hạnh Thục Ca”). Với lời thơ trang nhã, âm điệu nhẹ nhàng, phảng phất nỗi buồn, “Hạnh Thục Ca” kể lại việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, ca tụng đức độ của vua Tự Đức, nói về việc nhà vua nuôi nhiều con nuôi, đề cập việc đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết phế lập các vua Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phúc, Hàm Nghi...

Bên cạnh đó, “Hạnh Thục Ca” còn nói đến việc vua Đồng Khánh băng hà, vua Thành Thái lên ngôi. Đoạn sau cùng của “Hạnh Thục Ca” nói đến lễ bát tuần của bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Năm Thành Thái thứ 3 (1891), lần đầu tiên triều đình Huế tổ chức lễ tế đàn Nam Giao sau ngày kinh đô Huế thất thủ (tháng 5-1885). Bà tiệp dư Nguyễn Thị Bích đã làm bài thơ chữ Hán nói về sự kiện này, thể hiện sự mừng rỡ về vua Thành Thái trẻ tuổi nhưng có lòng với tổ tiên, biết nối lại quy củ, phục hồi lễ tế đàn Nam Giao với lễ nhạc đầy đủ mong đất nước thái bình. Không chỉ làm thơ, bà Nguyễn Thị Bích đã thảo ra nhiều chỉ dụ của triều đình nhà Nguyễn theo ý của 2 cung.

Lời bàn:

Lịch sử nhà Nguyễn ghi nhận một bậc tài nữ vô cùng nổi tiếng, vì bà vừa là phi tần của hoàng đế, lại là dưỡng mẫu của một vị hoàng đế khác - vua Khải Định, vừa là thầy dạy của 3 vị vua (Hàm Nghi, Duy Tân, Khải Định) lại vừa giữ chức nữ quan. Người phụ nữ ấy là Dực Tông đế Tam giai Lễ tần Nguyễn Nhược Thị, huý Bích, tự Lang Hoàn, thụy Lễ Thuận. Nhờ tư chất thông minh, lại được đi học ngay từ nhỏ nên Nguyễn Nhược Thị sớm nổi tiếng về tài văn chương. Vừa có tài sắc lại được Phụ chính đại thần Lâm Duy Nghĩa tiến cử, nên năm 18 tuổi bà được tuyển vào cung. Và trong số 103 người vợ của vua Tự Đức, không có ai hơn được tiệp dư Nguyễn Thị Bích về tài văn chương, thơ phú, chính điều đó đã khiến vua đặc biệt khen ngợi, thán phục rồi đưa vào cung làm vợ sau khi thử tài bà.

Dưới thời phong kiến, người được chọn làm thầy dạy các hoàng tử phải là những nhân vật xuất chúng và đạt giải cao trong các khoa thi. Riêng bà tiệp dư Nguyễn Thị Bích thân là nữ nhi và lại chẳng qua khoa thi nào nhưng vẫn được chọn làm thầy dạy cho con vua thì kiến thức phải uyên thâm đến chừng nào. Tiếc rằng, dù thơ phú có giỏi đến chừng nào thì cả vua Tự Đức lẫn bà tiệp dư Nguyễn Thị Bích và thậm chí cả triều đình nhà Nguyễn khi đó cũng không thể thay đổi vận mệnh đất nước. Chỉ mải mê với văn chương, thơ phú nên vua Tự Đức suốt những năm ngự trị đã không theo đề xuất cách tân, đổi mới của những triều thần tiến bộ như Bùi Viện, Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ... nên mất nước là điều không thể tránh. Thật đáng trách thay!

N.D

  • Từ khóa
110091

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu