Thứ 5, 09/05/2024 15:17:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:35, 26/08/2018 GMT+7

Số phận nghiệt ngã

Chủ nhật, 26/08/2018 | 15:35:00 194 lượt xem

BP - Theo sử cũ của nhà Nguyễn còn lưu truyền đến ngày nay, Nguyễn Phúc Cảnh là con trưởng của vua Gia Long. Hoàng tử Cảnh tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Cảnh, sinh năm 1780, ở Gia Định. Mẹ là Thừa Thiên Cao hoàng hậu, là con quan Chưởng Doanh Tống Phúc Khuông. Thừa Thiên Cao hoàng hậu sinh được 2 người con trai là hoàng tử Chiêu và hoàng tử Cảnh. Hoàng tử Chiêu mất từ khi còn nhỏ. Tháng 11-1784, hoàng tử Cảnh vâng lệnh cha, theo Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện.

Hành trình sang phương Tây của vị hoàng tử trẻ tuổi khi đó đã được ghi lại trong sử sách. Đó là tháng 2-1785, hoàng tử Cảnh đến 1 vùng thuộc địa của Pháp ở Ấn Độ nhưng phải tạm dừng chờ ở đây vì Pháp lúc đó đang có biến. Đến tháng 6-1786 thì bắt đầu sang Pháp bằng thuyền và tháng 2-1787 đến Paris. Do hoàng tử Cảnh không thạo tiếng Pháp nên được xếp cho ở cùng Bá Đa Lộc ở Hội Truyền giáo nước ngoài. Ngày 5-5-1787, hoàng tử Cảnh vào triều kiến ở Versailles. Trước đó, Bá Đa Lộc đã thuê người sửa tóc cho hoàng tử, bỏ khăn nhiễu thay bằng khăn lĩnh đỏ thắt múi. Triều đình Pháp lại may cho hoàng tử 1 bộ y phục kiểu Pháp pha Á đông, bỏ áo dài, quần lụa và thuê họa sĩ Maupérin vẽ chân dung hoàng tử Cảnh trong trang phục đó.

Ngày 28-11-1787, Bá Đa Lộc và Bá tước de Montmorin, Ngoại trưởng Pháp, đã ký Hiệp ước Versailles với nội dung: Pháp sẽ ủng hộ quân sự cho vua Gia Long chống Tây Sơn với điều kiện Nguyễn Ánh nhường cho Pháp một số vùng đất và cho Pháp giữ độc quyền thương mại. Đến tháng 12-1787, hoàng tử Cảnh và Bá Đa Lộc lên đường về Việt Nam. Ngày 24-6-1789, cả 2 người về tới Nam kỳ. Sau khi cùng Bá Đa Lộc về nước, tháng 3-1794, hoàng tử Cảnh lên 14 tuổi, được lập làm Đông Cung thái tử, phong chức Nguyên Súy Quận công. Hoàng tử Cảnh được ban Đông Cung Chi Ấn, dựng phủ Nguyên Súy, đặt văn võ đại thần, việc nhỏ do các đại thần phân xử, việc lớn bẩm súy phủ quyết định.

Ảnh minh họaẢnh minh họa - Sỹ Hòa

Theo sử sách chép lại rằng, hoàng tử Cảnh thiên tư sáng suốt, hiếu học và ưa lời nói thẳng. Vậy nên vua Gia Long cũng rất chăm lo đến việc giáo dục Đông Cung. Ngoài sư phó Bá Đa Lộc, ngay sau khi hoàng tử Cảnh chính vị Đông Cung, vua đã cho dựng nhà Thái học, đặt Ngô Tòng Chu vào chức phụ đạo, lại có 2 thị giảng, 8 hàn lâm viện thị học. Trong số này có Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định là những người nổi tiếng giỏi giang. Cả hai cùng với 6 Quốc tử giám thị học, ngày 2 buổi giảng bàn kinh sử với hoàng tử Cảnh.

Hoàng tử Cảnh nói gì, làm gì, thị học đều phải ghi chép, mỗi tháng 1 lần dâng lên vua xem. Tháng 10-1795, vua Gia Long lại sai Phó tướng Tả quân Phạm Văn Nhân làm phụ đạo. Tháng 4-1798, vua Gia Long tiếp tục sai Ngô Tòng Chu cùng Lễ bộ kiêm Đốc học Nguyễn Thái Nguyên phụ đạo Đông Cung. Đến tháng 4-1800, lấy hàng thần là Nguyễn Gia Cát, tiến sĩ nhà Lê, làm Đốc học hầu Đông Cung. Tuy nhiên, do từ nhỏ hoàng tử Cảnh theo Bá Đa Lộc sang Pháp. Rồi ăn ở chung với Bá Đa Lộc, được dạy dỗ theo đạo Thiên chúa nên tỏ ra rất quyến luyến Bá Đa Lộc và rất mộ đạo. Khi vua Gia Long nghe các quan can gián về việc không nên để hoàng tử Cảnh quá gần gũi với Bá Đa Lộc, vua đã quyết định cho hoàng tử ra riêng ở Đông Cung thì Bá Đa Lộc vẫn kín đáo đến thăm.

Sách sử còn chép rằng khi ở Pháp về, hoàng tử Cảnh không chịu bái yết Tôn Miếu, nhờ Cao hoàng hậu khéo dạy, sau mới đổi tính. Trong sách “Đại Nam Việt Quốc triều sử ký” có đoạn viết: Sau khi Bá Đa Lộc qua đời, tính nết Đông Cung khác lắm. Sau đó, hoàng tử Cảnh buông mình theo tính xác thịt, đắm mê tửu sắc, chẳng còn tưởng nhớ gì đến sự đạo nữa. Khi thấy mình đau nặng gần chết thì mới nhớ đến đức Chúa trời, cùng ra sức giục lòng ăn năn tội và xin quan nhỏ kia có đạo làm phép rửa tội cho mình kín đáo không ai biết.

Lời bàn:

Trong lịch sử triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam có không ít trang bi thảm và không ít nhân vật bi thảm. Nguyễn Phúc Cảnh, tức hoàng tử Cảnh, con trưởng của Nguyễn Ánh, tức vua Gia Long là một trong những người như vậy. Ông chẳng những không bao giờ trở thành vua, lại còn phải trải qua một số phận cực kỳ gian truân và đau đớn. Một điều cay đắng nữa là, sau khi hoàng tử Cảnh qua đời, nhiều thân quyến của ông đã bị chết thảm trong những chuyện tai ương khốc liệt. Và có ai đó đã nói rằng, phàm đã là hoàng đế thì chẳng thể dung tha dòng trưởng của tộc họ nhà mình. Điều này với vua Minh Mạng quả là không sai.

Chính việc ứng xử nhẫn tâm với nội tộc và dung túng cho Bá Đa Lộc mà vua triều Nguyễn  đã làm cho nước Việt thụt lùi trước đà tiến bộ về khoa học - kỹ thuật của nhân loại vào đầu thế kỷ XIX. Về việc này, nhà cách mạng Phan Bội Châu đã viết: Giáo đồ Thiên chúa người Pháp ở nước Việt Nam đều noi theo chính sách của Bá Đa Lộc, ngoài thì đeo mặt nạ giả đạo đức, trong thì làm nhiệm vụ giúp Chính phủ Pháp thi hành chính sách tàn ác bạo ngược. Cho nên các đức cha và các thầy tu truyền giáo người Pháp ở Việt Nam, ai cũng thỏa được dục vọng, ai cũng giàu sang; còn người Việt Nam ở dưới ách của nhà tôn giáo thì hằng ngày chỉ đem thân trâu ngựa phục vụ cho họ mà thôi... 

ND

  • Từ khóa
110082

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu