Thứ 5, 09/05/2024 20:03:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:44, 31/07/2018 GMT+7

Hội thề Đông Quan

Thứ 3, 31/07/2018 | 07:44:00 1,180 lượt xem

BP - Tháng 10-1426, Vương Thông bị đánh bại ở trận Tốt Động, Chúc Động nên rút vào Đông Quan cố thủ. Vương Thông thế cùng, muốn hòa, sau đó lại thay đổi ý định, đào hào, đắp lũy, gọi thêm viện binh. Năm 1427, vua nhà Minh sai Liễu Thăng đem 10 vạn quân, Mộc Thạnh 5 vạn quân chia làm 2 đường cứu viện Vương Thông. Cánh quân Liễu Thăng bị đánh bại, Mộc Thạnh sợ hãi bỏ chạy. Vương Thông thế cùng phải mang thư đến nghĩa quân Lam Sơn xin cầu hòa. Tổng binh Vương Thông và nội quan Sơn Thọ nhà Minh sai viên thiên hộ họ Hạ mang thư đến giảng hòa, xin mở cho đường về. Lê Lợi chấp nhận, lại gửi tặng thổ sản và hải sản.

Vương Thông xin giảng hòa nhưng vẫn do dự chưa quyết. Sau đó, Vương Thông đem hết quân trong thành ra đánh. Nghĩa quân Lam Sơn  đặt phục binh rồi vờ thua chạy, quân Minh đuổi theo, tới ổ phục binh thì bị đánh tan. Vương Thông ngã ngựa suýt bị bắt, nghĩa quân tiến đến cửa Nam thành, rồi đắp bờ lũy chống giữ. Lê Lợi thân đốc các tướng đem quân đắp lũy từ phường Yên Hoa thẳng tới cửa Bắc thành Đông Quan. Quân Minh chỉ ở trong thành không dám ra. Vương Thông bị vây cùng quẫn lại xin hòa. Lê Lợi đồng ý và sau đó đã diễn ra Hội thề Đông Quan vào ngày 10-12-1427. Bài văn hội thề với nội dung như sau:

Minh họa: S.H

Năm Tuyên Đức thứ hai của nước Đại Minh, tức năm Đinh Mùi tháng 11 mồng 1 là ngày Ất Dậu qua đến ngày 24 là ngày Mậu Thân. Tôi là đại đầu mục nước An Nam tên là Lê Lợi và bọn Trần Văn Hãn, Lê Nhân Chú, Lê Vấn, Trần Ngân, Trần Văn Sảo, Trần Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chính, Trần Lý, Phạm Bôi, Trần Văn An, Bế Khắc Thiệu Ma Luân, cùng với: Quan tổng binh của thiên triều là Thái bảo Thành Sơn hầu tên là Vương Thông, và các quan tham tướng hữu đô đốc là Mã Anh, thái giám là Sơn Thọ, Mã Kỳ, Vinh Xương bá là Trần Trì, Yên bình bá là Lý An, Đô đốc là Phương Chính, Chưởng đô ti sự Đô đốc Thiêm sự là Thuế Lự, Đô đốc Thiêm sự là Trần Hậu, Giám sát ngự sử là Châu Kỳ Hậu, Cấp sự trung là Quách Vĩnh Thanh, Bố chánh là Đặc Kiêm, Tả tham chính là Thanh Quảng Bình, Hữu tham chính là Hồng Thừa Lương, Hữu tham nghị là Lục Trinh, Án sát xứ là Dương Thời Tập, Thiên sự là Quách Hội; Kính cáo hoàng thiên (trời), hậu thổ (đất) cùng với danh sơn (núi), đại xuyên (sông) và thần kỳ các xứ:

Chúng tôi cùng nhau phát tự lòng thành, ước hẹn thề thốt với nhau: Từ sau khi lập lời thề này, quan tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông quả tự lòng thành, đúng theo lời bàn, đem quân về nước, không thể kéo dài năm tháng, để đợi viện binh đến nơi. Lại phải theo đúng sự lý trong bản tâu, đúng lời bàn trước mà làm. Bọn Lê Lợi chúng tôi còn chứa giữ lòng làm hai, tự làm việc lừa dối, không dẹp xa ngay quân lính ngựa voi, việc làm khống lời nói ngầm sai...  Các việc nói trên tuy là không tự mình làm lấy, lại chuyển sang người khác, có xâm phạm đến một chút nào, tức thì trời, đất thần minh, núi cao, sông lớn, cho đến thần kỳ các xứ, tôi cùng con cháu thân của tôi, và người cả một nước tôi, giết chết hết cả, không để sót lại mống nào.

Về phía bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, nếu không có lòng thực, lại tự trái lời thề (đối với việc) người phục dịch và các thuyền đã định rồi, cầu đập đường sá đã sửa rồi, mà không làm theo lời bàn, lập tức đem quân về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh; cùng là ngày về nước, còn kéo dài năm tháng để đợi viện binh; cùng là ngày về đến triều đình, lại không theo sự lý trong bản tâu, không sợ thần linh núi sông ở nước An Nam lại bàn khác đi, hoặc cho quan quân đi qua đâu cướp bóc nhân dân, thì trời, đất cùng là danh sơn, đại xuyên và thần kỳ các xứ tất đem bọn quan Tổng binh Thành sơn hầu là Vương Thông, tự bản thân cho đến cả nhà, thân thích, làm cho chết hết, và cả đến quan quân cũng không một người nào về được đến nhà. Nếu mà cả hai bên đều do lòng thành cả thì trời, đất thần minh đều phù hộ cho để bản thân mình mạnh khỏe, trong nhà mình vinh thịnh, cũng hưởng lộc vị, đều được bình yên. Trời, đất thần kỳ cùng soi xét cho!

Lời bàn:

Theo sử cũ, hầu hết các triều đại phong kiến ở nước ta ra đời là kết quả của sự kế thừa, chuyển giao quyền lực từ tập đoàn dòng họ này sang tập đoàn dòng họ khác, mà ở đó ít nhiều có đổ máu bởi những cuộc thanh toán nội bộ tàn bạo, quyết liệt để tranh quyền đoạt vị. Nhưng triều Lê sơ được thành lập lại hoàn toàn khác. Đó là kết quả của công cuộc kháng chiến cứu quốc lâu dài, gian khổ suốt 10 năm (1418-1427). Và làm nên hào quang của cuộc kháng chiến chống quân Minh lâu dài, anh dũng vẻ vang ấy của dân tộc có sự đóng góp to lớn của chính sách ngoại giao. Và để giữ “thể diện” cho “thiên triều”, đồng thời chính thức xác nhận những điều khoản đã cam kết, lễ đầu hàng của quân Minh được tổ chức dưới hình thức hội thề. Đó là Hội thề Đông Quan có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, là dấu mốc kết thúc cuộc khởi nghĩa anh dũng, quật cường, khẳng định sức mạnh, tầm vóc dân tộc Đại Việt, mở ra thời kỳ trung hưng mới của nước nhà. Bài “Văn hội thề” đã đi vào lịch sử với giá trị như một bản hiệp định rút quân. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta bằng những thắng lợi quân sự oanh liệt đã đập tan ý chí xâm lược của kẻ thù, buộc chủ tướng của “thiên triều” phải chính thức và công khai tuyên bố đầu hàng với lời thề từ bỏ dã tâm xâm lược, xin rút quân về nước.

N.D

  • Từ khóa
110071

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu