Thứ 5, 09/05/2024 07:18:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:05, 24/06/2018 GMT+7

Bài học vì dân

Chủ nhật, 24/06/2018 | 13:05:00 277 lượt xem

BP - Tri phủ, hay tri châu là một chức quan văn trong hệ thống quan chế triều đình Việt Nam. Tri phủ là người đứng đầu một phủ hoặc châu, có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt. Thời Nguyễn, tri phủ là chức quan văn thuộc bộ Lại, trật Tòng Ngũ phẩm (quan chế các triều đại quân chủ ở nước ta thời xưa). Chức tri phủ thay đổi theo từng thời kỳ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Thời Lê sơ, đất nước được chia thành 5 đạo. Dưới đạo là trấn, dưới trấn là lộ, dưới lộ là châu và huyện và dưới châu, huyện là xã. Đứng đầu chính quyền các đạo là chức hành khiển (phụ trách cả dân sự lẫn quân sự). Đứng đầu các trấn là an phủ sứ; các lộ là tuyên phủ sứ; các châu, huyện là tri châu hay tri huyện; các xã là xã quan. Tháng 6-1466, các lộ, trấn đều được bãi bỏ và đặt lại thành phủ. An phủ sứ đổi làm tri phủ, trật Tòng Lục phẩm. Trấn phủ sứ đổi làm đồng tri phủ. Thời nhà Nguyễn, vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), chuẩn tri phủ trật Tòng Ngũ phẩm. Còn các nơi đặt đồng tri phủ chuẩn trật Chánh Lục phẩm.

Tranh minh họa vua và các quan đại thần thời xưa - Ảnh internet

Mặc dù làm quan tới chức ấy, song Nguyễn Chí vẫn không thoát khỏi bị hãm hại bởi các triều thần là sâu mọi của nhà Lê. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn ghi lại rằng, vào năm 1505 sau khi vua Lê Túc Tông mất mà không có con nối dõi, bà Kính phi là mẹ nuôi hoàng tử Lê Tuấn (em của Túc Tông) tính mưu kế dựng Lê Tuấn lên làm vua, tức vua Lê Uy Mục. Vua Lê Uy Mục thích uống rượu, hay giết người, hiếu sắc, làm oai... Chính sự rối ren, đất nước nhiễu loạn và chỉ 5 năm sau khi lên ngôi, ông ta bị chính chú ruột là Lê Tương Dực giết chết.

Nguyễn Chí làm Trung thư giám chính tụ thời vua Lê Hiến Tông và dưới thời Lê Uy Mục làm Thiếu doãn phủ Phụng Thiên (kinh đô Thăng Long), sau đổi làm Tri phủ Phú Bình. Nguyễn Chí tính khẳng khái, không chịu khuất lụy kẻ quyền thế nên bị Nguyễn Trọng - người có quan hệ họ ngoại với vua Lê Uy Mục, tìm cớ bắt rồi đánh đến bất tỉnh. Nghĩ ông đã chết, Nguyễn Trọng sai quân mang xác ông vứt ra ngoài thành.

Con cháu của Nguyễn Chí biết tin và ra đồng nhặt xác lấy chiếu bó lại rồi đưa về nhà để chuẩn bị lo đám tang thì ông bỗng dưng tỉnh lại. Tuy nhiên, vì sợ bị lộ nên ông phải trốn trong nhà người em và chịu cảnh khổ cực vì hằng ngày phải ở dưới hang, đêm xuống thì ngủ trên cành cây. Trước cuộc sống như vậy, vợ con ông đã dùng kế “kim thiền thoát xác”, lấy thi hài người khác đem chôn, rồi tổ chức làm đám ma giả và mọi người thân trong gia đình đều để tang như thường lệ.

Những năm đó, triều đình dưới sự cai trị của vua Lê Uy Mục đã hết sức ngả nghiêng. Những người họ ngoại của vua chuyên quyền cậy thế, kìm hãm quan lại, có khi chỉ vì ý riêng mà giết hại dân lành hoặc yêu sách đòi tiền của... Nhân dân trong nước đều oán thán mà vua không thay đổi. Năm 1509, viên tướng Nguyễn Văn Lang bị vua đuổi về nhà đã cùng đại thần tôn thất là Nghi quận công Lê Năng Cẩn và Giản Tu công Lê Oanh dấy binh khởi nghĩa.

Khi quân khởi nghĩa của Giản Tu công từ Tây Kinh (Thanh Hóa) đánh ra để chống lại vua Lê Uy Mục, Nguyễn Chí sau 3 năm ẩn mình đã xin gia nhập dưới trướng và được cho làm “bí thư xá nhân”, được ban cho tên là Hoàn Sinh (người đã chết mà còn sống lại). Cuối tháng 8-1509, quân của Giản Tu công tiến vào Thăng Long, bắt được vua Uy Mục rồi giết. Tháng chạp năm đó, Giản Tu công lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Hồng Thuận năm thứ nhất, tức vua Lê Tương Dực.

Nguyễn Chí sống đến hết thời vua Lê Tương Dực và vua Lê Chiêu Tông, cho đến khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê (1527). Ông còn được vua nhà Mạc phong làm Tri phủ ở phủ Nghĩa Hưng và ở Cao Bằng.

Lời bàn:

Nhìn vào lịch sử thời phong kiến nước ta cho thấy, các triều đại thay nhau cầm quyền, thịnh suy mỗi thời mỗi khác. Tuy nhiên, tất cả triều đại ấy đều có chung một đặc điểm là không một bộ máy cầm quyền nào có thể duy trì sự thống trị của mình mãi mãi, dù đã tìm đủ phương cách và thủ đoạn để duy trì quyền lực tối cao của dòng họ mình. Bởi sau quá trình phát triển đến đỉnh cao, nước nhà thịnh vượng thì các triều đại phong kiến lại nhanh chóng thoái trào và đi đến con đường sụp đổ. Sự sụp đổ của các triều đại phong kiến tuân theo quy luật lịch sử của nó. Nhưng trước khi triều đại này thay triều đại khác bao giờ cũng có những dấu hiệu chung nhất cho thấy nó đang “hấp hối” bên bờ vực suy vong.

Vào đầu thế kỷ XVI, triều Lê sơ suy sụp do các vua không còn quan tâm đến việc triều chính, chỉ lo ăn chơi, sa đọa. Còn các tầng lớp quan lại, địa chủ thì nhân đó hoành hành, hạch sách nhân dân, chiếm đoạt ruộng đất. Trăm họ sống trong lầm than đến cùng cực và buộc họ phải nổi dậy đấu tranh. Suy cho cùng, nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của các triều đại phong kiến ở nước ta là do triều đình không phải của dân, cũng không vì dân. Mà đẩy thuyền đi cũng là nước và lật thuyền cũng là nước, trong khi đó, sức dân lại mạnh như nước nên nếu chính quyền đã không vì dân thì việc “lật thuyền” ắt sẽ xảy ra. Bài học giữ nước này xin hậu thế đừng ai quên. 

N.D

  • Từ khóa
110056

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu