Thứ 4, 08/05/2024 22:28:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:55, 21/06/2018 GMT+7

Thi cử thời xưa

Thứ 5, 21/06/2018 | 08:55:00 86 lượt xem

BP - Dưới thời phong kiến, khoa cử là một trong những hình thức cơ bản để tuyển dụng nhân tài, phục vụ đất nước. Vì thế, những quy chế thi cử thường hết sức nghiêm ngặt. Thí sinh có thể bị gông cổ, đánh trượng, bỏ tù nếu phạm trường quy. Còn quan lại mà gian lận trong thi cử bị xử tội rất nặng, người vi phạm có thể bị bắt làm nô lệ, bỏ tù cho đến bị xử án tử. Tuy nhiên, những hình phạt nghiêm khắc ấy vẫn không đủ sức răn đe. Thực tế là vào năm 1673, đời Lê Gia Tông, tại khoa thi hương, Tham chính Thanh Hóa Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò làm kỳ đệ tử. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ, xoay tiền của. Việc bị phát giác, cả hai đều bị xử đến tội đồ (bắt làm nô lệ).

Kỳ thi cuối năm 1696, Tham tụng Lê Hi gửi gắm con mình trong kỳ thi hương cho quan chấm thi là Sách Tuân, nhưng cuối cùng quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, rồi sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng ém đi không tâu báo. Sau khi sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt. Lê Hi là chủ mưu nhưng là quan to thì lại thoát tội.

Năm Bính Ngọ 1726, triều đình buộc phải tổ chức thi lại cho các cống sĩ, tức những nho sĩ đỗ hương cống ở các xứ tại kinh đô. Vì hồi đó, phần nhiều hương cống nhờ người “gà” văn nên được đỗ một cách quá lạm. Do vậy, Ngôi Quận Công Nguyễn Công Cơ tâu việc đó lên chúa Trịnh, khi đó là Trịnh Cương, đã bắt phải thi lại. Kết quả là có 28 người đều trượt và bị giao xuống cho đình thần trị tội nặng. Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả.

Trong kỳ thi hương năm 1834, tiến sĩ Ngô Thế Vinh được triều đình điều về trường thi Hà Nội làm giám khảo. Do vi phạm trường quy nên ông bị cách chức, tước học vị phải về nhà dạy học. Đến đời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhờ Tổng đốc Định An là Nguyễn Đình Tân dâng sớ cho phục chức hàm cho những người có tài năng từng bị cách chức, Ngô Thế Vinh mới được khôi phục học vị tiến sĩ.

Theo luật lệ thời phong kiến, các quan trong ngành giáo dục dính đến gian lận thi cử có thể bị xử phạt nặng gấp nhiều lần dân thường. Nếu sửa bài thi của thí sinh cũng có thể bị xử đến án tử. Điển hình là sự việc có liên quan đến “thần Siêu, thánh Quát”, diễn ra dưới thời nhà Nguyễn, năm 1841, niên hiệu Minh Mạng thứ 21. Trong kỳ thi hương tại Trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 quyển bài thi của học trò, đỗ được 5 người. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho đỗ.

Sự kiện này khiến dư luận bàn tán, triều đình phải vào cuộc tra xét. Các ông Quát, Nhạ bị khép tội xử tử, nhưng sau đó được tha cho đổi thành giảo giam hậu (giam được 3 năm thì thả). Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ, phạt trượng nhưng sau xét lại chỉ cách chức. Và dù bị phạt nặng hay nhẹ, các vụ án trường thi vẫn là dạng “án điểm”, các triều đình phong kiến hết sức phòng ngừa và khi phát giác sẽ xử lý rất nghiêm.

Lời bàn:

Sĩ tử thời xưa chỉ có con đường chủ yếu để tiến thân là qua thi cử. Trường thi chính là khởi đầu quá trình đào tạo quan chức. Mà khoa cử ngày xưa dùng đạo Nho để chọn những người có tài, có đức ra làm quan giúp vua trị nước. Người quân tử theo đạo Nho trị dân bằng đức hơn là quyền uy hay luật pháp vì Nho giáo dạy người sĩ tử phải tu thân trước rồi mới nghĩ đến chuyện “Tề gia trị quốc”. Muốn thi đỗ, các sĩ tử phải miệt mài trau dồi kiến thức, khi đủ độ chín muồi có thể đem thực tài ra thi thố. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những kẻ dốt nát, lười biếng vẫn mong thi đỗ, đó là những kẻ ỷ lại vào quyền lực hay tiền bạc để mua chuộc, luồn lụy quan giám khảo, giở trò gian lận trong thi cử.

Và thời nay, việc gian lận trong thi cử dường như năm nào cũng xảy ra, không ở nơi này thì nơi khác. Bởi việc thi dễ dãi, gian lận bị phát hiện cùng lắm thì bị đánh trượt, sang năm thi tiếp. Còn nếu “trót lọt” thì nghiễm nhiên sẽ có bằng cấp và rồi cũng thành “ông nọ bà kia”, nên gian lận trong thi cử chưa dừng lại. Bằng chứng là trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 vừa qua, thầy giáo Nông Hoàng Phúc, giáo viên của Trường THCS Mai Đình, Sóc Sơn (Hà Nội), là cán bộ coi thi số 2 đã mang điện thoại vào phòng thi và chụp đề thi truyền ra ngoài tại điểm thi THPT Vân Nội. Chỉ khi nào hành vi này được xử lý nghiêm minh thì mới ngăn chặn được nạn gian lận trong thi cử và mới thực sự tuyển chọn được người hiền tài - nguyên khí của quốc gia.

N.D

  • Từ khóa
110055

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu