Thứ 4, 08/05/2024 12:22:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:17, 12/04/2018 GMT+7

Vì dân vì nước

Thứ 5, 12/04/2018 | 09:17:00 152 lượt xem

BP - Lý Thường Kiệt là bậc tướng lĩnh tài ba, luôn giữ đạo làm quan, một lòng trung với nước. Vì có công lớn, ông được ban quốc tính, mang họ vua (do đó có họ tên là Lý Thường Kiệt) và được phong làm Phụ quốc thái phó, dao thụ chư trấn tiết độ, đồng trung thư môn hạ, thượng trụ quốc, thiên tử nghĩa đệ, phụ quốc thượng tướng quân, tước Khai quốc công. Sau lại có công nữa, ông được phong làm Thái úy. Ông là vị thái giám đầu tiên của nền quân chủ Việt Nam có công đức và đóng góp cho đất nước.

Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, Lý Nhân Tông lên ngôi khi mới 7 tuổi, Thượng Dương hoàng hậu nắm quyền nhiếp chính. 4 tháng sau, Lý Nhân Tông phế truất Thượng Dương thái hậu, giáng chức Thái sư Lý Đạo Thành xuống làm Tả gián nghị đại phu, trấn thủ Nghệ An. Nguyên phi Ỷ Lan, mẹ đẻ của vua, lên làm Linh Nhân thái hậu, buông rèm nhiếp chính, chấm dứt thời kỳ rối loạn trong nội bộ nhà Lý. Các nhà sử học cho rằng Lý Thường Kiệt góp phần quan trọng vào sự thay đổi này. Tuy nhiên, ông luôn chủ trương củng cố khối đoàn kết, tránh để kẻ thù lợi dụng mâu thuẫn nội bộ. Trước tình thế quân Tống chuẩn bị xâm lược, Lý Thường Kiệt bắt tay vào việc hàn gắn các rạn nứt trong nội bộ quý tộc và tướng lĩnh cấp cao. Ông đề nghị Linh Nhân thái hậu mời Lý Đạo Thành về kinh, khôi phục chức Thái sư. Triều đình đoàn kết, cùng chống ngoại xâm.

Minh họa: S.H

Danh tướng nhà Lý cũng là vị quan hết lòng vì dân. Khi tiến quân đánh Tống, ông kêu gọi sự ủng hộ từ nhân dân, đồng thời ra lệnh binh lính không được sách nhiễu, đụng đến “cái kim, sợi chỉ của dân”. Sau này, khi cuộc kháng chiến chống Tống trên đà thắng lợi, Lý Thường Kiệt chủ động nghị hòa vì thấy tình cảnh chiến tranh liên miên khiến dân chúng không được yên ổn sinh sống. Sau khi non sông sạch bóng quân thù. Lúc này vua mới 12 tuổi. Lý Thường Kiệt lại tiếp tục gánh trách nhiệm lớn của triều đình trong công cuộc xây dựng đất nước, chăm lo đời sống nhân dân. Ông cho tu bổ đê điều, đường sá, đình chùa hư hỏng trong chiến tranh và tiến hành nhiều biện pháp nhằm cải tổ bộ máy hành chính trong toàn quốc. Trong sách “Ngưỡng sơn Linh Xứng tự bi minh”, nhà sư Thích Pháp Bảo ca ngợi Lý Thường Kiệt: Thái úy vào trong thì sáng suốt, khoan hòa, ra ngoài thì nhân từ, giản dị, đổi dời phong tục nào có quản công, việc gì cũng siêng năng, sai bảo dân thì ôn hòa, cho nên đời được cậy nhờ chẳng phải ít.

Năm 1082, ông thôi chức Tể tướng và được cử về trị nhậm trấn Thanh Hóa. Làm việc ở đây suốt 19 năm, đến năm 1101 vua Lý Nhân Tông mời ông trở lại triều giữ chức Tể tướng. Lúc này ông đã 82 tuổi. Tuổi cao, nhưng ông vẫn tình nguyện cầm quân đi đánh giặc Lý Giác ở Diễn Châu (năm 1103), dẹp giặc Chiêm Thành quấy nhiễu ở Bố Chính (năm 1104). Ông còn tổ chức lại quân đội, duyệt đổi lại các đơn vị từ cấm binh đến dân quân. Tháng 6 năm Ất Dậu (1105), Thái úy Lý Thường Kiệt mất, thọ 86 tuổi. Lý Nhân Tông ban cho ông chức Nhập nội điện đô tri kiểm hiệu thái úy bình chương quân quốc trọng sự, tước Việt quốc công, thực ấp một vạn hộ, cho người em là Lý Thường Hiến được kế phong tước hầu.

Sử thần nhà Lê trung hưng Ngô Thì Sĩ, trong sách “Việt sử tiêu án”, đã đề cao Lý Thường Kiệt: Nước ta đánh nhau với quân nước Trung Hoa nhiều lần, từ vua Nam Đế trở về trước, sau này vua Ngô Tiên Chúa đánh Bạch Đằng, vua Trần Nhân Tông đánh đuổi được Toa Đô, Thoát Hoan, những trận được vẻ vang đó là câu chuyện hãnh diện của nước ta, nhưng đều là giặc đến đất nước, bất đắc dĩ mà phải ứng chiến. Còn đường đường chính chính đem quân vào nước người, khi đánh không ai địch nổi, khi kéo quân về không ai dám đuổi theo, như trận đánh Ung Liêm này thật là đệ nhất võ công, từ đấy người nước Tàu không dám coi thường chúng ta, đến những đồ cống, hình thức thơ từ, không dám hà trách, chỉ sợ lại sinh ra hiềm khích..., thế thì triều Lý được trịch với Tống nhiều lắm.

Lời bàn:

Lý Thường Kiệt sinh ra trong bối cảnh Đại Việt bị kìm kẹp giữa liên minh Tống - Chiêm, giang sơn có thể bị mất bất kỳ lúc nào. Thế nhưng, sự xuất hiện của ông vào đúng thời điểm lịch sử này không chỉ giúp giang sơn Đại Việt được giữ vững, mà những cuộc tấn công “bình Chiêm, phạt Tống” của ông giúp bờ cõi được mở mang, Chiêm Thành quy phục, Tống triều phải nể sợ. Và bài thơ “Nam quốc sơn hà” không chỉ được người đương thời, mà cả hậu thế ghi nhận là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Và dù chưa biết đích xác tác giả bài thơ này là ai, song đến nay lịch sử vẫn công nhận ông là người đã dùng bài thơ làm vũ khí chống ngoại xâm thành công.

Lịch sử mãi ghi nhớ công ơn người anh hùng dân tộc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà chính trị và ngoại giao tài ba Lý Thường Kiệt, người lãnh đạo quân dân Đại Việt thời Lý, phá Tống bình Chiêm thắng lợi. Với công lao hiển hách ấy, Lý Thường Kiệt được cả triều đình nhà Lý quý trọng. Ngay lúc ông còn sống, Lý Nhân Tông đã cho làm bài hát để tán dương công trạng. Ông được lịch sử ghi nhận là anh hùng kiệt xuất, một con người hiến dâng cả tâm hồn, sức lực cho sự nghiệp độc lập của Tổ quốc ở buổi đầu thời tự chủ. Tài năng quân sự kiệt xuất của ông làm kẻ thù khiếp phục.

N.D

  • Từ khóa
110032

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu