Thứ 4, 08/05/2024 23:07:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:56, 10/04/2018 GMT+7

Thời thái bình thịnh trị

Thứ 3, 10/04/2018 | 09:56:00 1,142 lượt xem

BP - Vào thế kỷ XI, khi vương triều Lý thành lập thì những rường mối cho một chính quyền phong kiến thế tập mới thực sự được hoàn thiện. Vua Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn là nhân vật được sự hậu thuẫn của giới tăng lữ Phật giáo, lại là một người được học tập cả sách Nho và sách Phật. Lý Công Uẩn làm quan dưới triều Lê Long Đĩnh được phong đến chức Tả thân vệ điện tiền chỉ huy sứ, uy tín và đức độ bậc nhất triều đình. Năm 1009, ông được triều thần suy tôn làm vua sau khi vua Lê Long Đĩnh chết.

Cuộc đổi ngôi này êm thắm hiếm thấy bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Trong thời gian trị vì, vua Lý Thái Tổ đã thiết lập lại trật tự cho nhà nước quân chủ. Ông thường xuyên phải đi đánh dẹp những phiên thần không quy phục triều đình, sửa sang văn trị, trọng nông nghiệp, mở rộng giao thương. Dưới thời ông, tam giáo Nho - Phật - Lão đều được phát triển, bổ khuyết cho nhau để hình thành một hệ thống tư tưởng mới cho đất nước. Nếu như Nho giáo dạy người trung quân, ái quốc giúp thuận lợi cho xây dựng nhà nước quân chủ, thì đạo Phật góp phần làm nên một xã hội hài hòa, thuận lợi phát triển đời sống nhân dân. Đặc biệt, Lý Thái Tổ đã cho định đô ở thành Đại La, đổi tên là thành Thăng Long, đánh dấu một thời kỳ mới của dân tộc. Người Việt không còn giữ thế thủ ở đô thành Hoa Lư hiểm trở, mà đã hiên ngang với một kinh đô mới nằm giữa đồng bằng cao thoáng, nhằm phát triển mọi mặt từ kinh tế, văn hóa đến sức mạnh quân sự.

Minh họa: S.H

Các vua đầu triều Lý đều là những bậc minh quân. Nhờ vậy mà thế nước ngày một vững mạnh. Trải qua các đời vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, nước Đại Cồ Việt đã dần vươn lên trở thành một đất nước thịnh vượng, văn minh và mạnh mẽ. Năm 1054, Lý Thánh Tông đổi tên nước thành Đại Việt. Từ đây, quốc hiệu Đại Việt đã cùng dân tộc ta trải qua biết bao vinh quang, cay đắng, những thăng trầm trong tiến trình lịch sử.

Chuyện kể rằng, vua Lý Thánh Tông tuổi đã gần tứ tuần mà chưa có con trai nối ngôi, nên ngày ngày cầu khấn mong sinh được hoàng tử. Vua thường đi chơi khắp các chùa quán, dân gian thấy xa giá đến đâu thì rủ nhau xúm lại xem. Vua đi cầu tự ở chùa Dâu, thấy dọc đường mọi người đổ xô ra đón, duy chỉ có người con gái hái dâu đứng ở phía xa, tựa vào gốc cây lan mà hát. Vua lấy làm thích, đưa người con gái ấy vào cung, phong làm Ỷ Lan phu nhân. Được vua yêu, ít năm sau Ỷ Lan sinh hoàng tử, đặt tên là Lý Càn Đức. Ngay sau khi sinh ra, hoàng tử Càn Đức đã được vua Lý Thánh Tông phong làm Đông cung thái tử. Trăm họ vui mừng, bá quan phấn khởi. Số mệnh của cậu bé Lý Càn Đức đã được định sẵn, sinh ra để làm quân chủ nước Đại Việt.

Ỷ Lan được vua phong làm thần phi, sau vua lại phong là Ỷ Lan nguyên phi, đứng đầu các phi tần, chỉ sau Thượng Dương hoàng hậu. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, lấy cớ là nước Chiêm Thành đã lâu không sai sứ sang chầu và thường quấy nhiễu biên giới phía nam. Ỷ Lan nguyên phi được vua tin cậy giao quyền nhiếp chính, cùng Thái sư Lý Đạo Thành trông coi chính sự. Bấy giờ, vua đánh Chiêm Thành lâu ngày mà không dứt điểm được, bèn lui quân. Thuyền ngự về đến châu Cư Liên, nghe tin Ỷ Lan nguyên phi trị quốc tài giỏi, trong nước muôn dân ca tụng. Vì vậy, vua bèn dẫn quân quay trở lại đánh tiếp. Lúc này sĩ khí lên cao, quân Đại Việt đại thắng. Đô thành Vjiaya của Chiêm Thành bị chiếm, vua Chiêm là Chế Củ cùng 5 vạn dân Chiêm bị bắt. Chế Củ dâng 3 châu Ma Linh, Bố Chính, Địa Lý để chuộc mạng. Vua bằng lòng, lãnh thổ Đại Việt được mở rộng về phương nam, bờ cõi phía nam cũng được yên.

Mọi chuyện diễn ra rất tốt đẹp kể từ sau chiến thắng Chiêm Thành. Nước Đại Việt bấy giờ là một đất nước thanh bình, thịnh vượng với nền nông nghiệp phát triển, với những công trình cung điện, chùa chiền tráng lệ. Các nghề thủ công như đúc đồng, điêu khắc, làm gốm, làm mộc... đều phát triển rực rỡ. Thuyền buôn Đại Việt giương buồm đi khắp nơi trên vùng biển Đông Nam Á, đến các nước Tống, Chiêm Thành, Chân Lạp, Java... để buôn bán các sản phẩm như gia vị, hương liệu, tơ lụa, đồ gốm, thổ sản. Hải cảng Vân Đồn tấp nập ghe thuyền ngoại quốc đến buôn bán. Dưới triều Lý Thánh Tông, nước Chân Lạp cũng thường gửi sứ sang dâng cống phẩm. Nước Tống khi đó quả không dám vọng động nhòm ngó về phương Nam.

Lời bàn:

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn được quần thần tôn lên làm vua, sáng lập vương triều Lý. Nhà Lý trị vì thiên hạ được 216 năm, trải 9 đời vua. Thời gian ở ngôi báu của các vị vua tuy dài ngắn khác nhau, song các vua nhà Lý đều dốc lòng vì vương triều, vì nước, vì dân và đều để lại dấu ấn của vương triều mình trong quá trình đấu tranh giữ nước, xây dựng và kiến thiết đất nước. Vì vậy, các sử gia đương thời cũng như hậu thế đều đồng lòng đánh giá cao triều Lý là một vương triều đã đóng góp nhiều thành tựu cho lịch sử nước nhà ở một số lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, kiến trúc...

Không những thế, vương triều Lý đã mở ra một kỷ nguyên văn minh mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên văn minh Đại Việt. Đó là thời kỳ cả dân tộc vươn lên trong khí thế rồng bay, xây dựng lại đất nước sau hơn ngàn năm Bắc thuộc. Nước Đại Việt nhanh chóng trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất và văn minh thịnh đạt ở Đông Nam Á, mà Thăng Long là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước, nơi hội tụ, tỏa chiếu ánh sáng của tâm hồn và trí tuệ dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
110031

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu