Thứ 5, 09/05/2024 04:02:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:16, 29/03/2018 GMT+7

Mãnh tướng tài ba

Thứ 5, 29/03/2018 | 15:16:00 202 lượt xem
BP - Con trai của Lý Thái Tổ là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang sinh ở đất Thăng Long nhưng dành trọn cuộc đời chống giặc ngoại xâm, chiêu dân lập làng, phát triển kinh tế ở vùng biên viễn phía Nam. Sinh thời, ông được tôn vinh là mãnh tướng tài ba và được phong “Thánh” ngay khi vẫn đang sống.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, thân mẫu là hoàng hậu Trinh Minh, người có nguồn gốc họ Lê. Về năm sinh của Uy Minh Vương, cho đến thời điểm hiện tại chưa có tài liệu nào ghi chép một cách chính xác, còn năm mất của ngài là 1057, sau 15 năm làm Tri châu Nghệ An. Xuất thân dòng dõi hoàng tộc cao quý, ngay từ thuở niên thiếu, cũng giống như những hoàng thân, quốc thích và chị em ruột của mình, hoàng tử Lý Nhật Quang được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi về kinh tế, chính trị và đặc biệt giáo dục theo nghi thức hoàng cung ở Thăng Long.

Minh họa: S.H

Trong thời gian vua Lý Thái Tổ trị vì (1009-1028), hoàng tử Lý Nhật Quang vẫn học tập, rèn luyện cũng như hưởng những đặc quyền ở kinh thành của vua cha. Năm 1041 - đời vua Lý Thái Tông (1028-1054), lúc này hoàng tử Lý Nhật Quang đang giữ tước Uy Minh Hầu (năm 1044, vua phong tước Vương), được triều đình tin tưởng giao việc thu tô thuế ở vùng biên viễn phía Nam (vùng đất Nghệ An và một phần phía bắc Hà Tĩnh ngày nay), vốn là địa bàn trọng yếu của quốc gia Đại Việt trong quá trình xác lập vương pháp và vương quyền nhà Lý. Đây là sự kiện quan trọng cho thấy sự tin tưởng của nhà vua và triều đình đối với ông và cơ hội cũng như thách thức này đã định đoạt tên tuổi của hoàng tử Lý Nhật Quang.

Sự hiện diện của Lý Nhật Quang trên vùng đất phía Nam của Đại Việt là nỗi khiếp sợ của kẻ thù. Trong thời bình, chính sách của ông là khoan thư sức dân, chăm lo luyện tập. Học tập các bậc tiền nhân, ông thực hiện chính sách “ngụ binh ư nông” (gửi một phần quân lính ở nhà dân, giúp dân sản xuất, khi cần thiết thì huy động chiến đấu để cơ động, tránh áp lực quân lương cho quốc khố).

Ngoài ra, ông còn quan tâm chuẩn bị lương thảo, quyết định thắng lợi trong những lần hành binh bình Chiêm của tướng sĩ nhà Lý. Đây là tài thao lược, cũng là công lao trận đầu không hề nhỏ của Lý Nhật Quang trước khi xung trận diệt giặc. Trong cuộc hành binh tiến đánh Chiêm Thành bảo vệ biên giới phía Nam của vua Lý Thái Tông, cùng tham chiến, Uy Minh Hầu đã góp nhiều chiến công vào “khúc khải hoàn” năm 1044 (trong trận này, tướng sĩ nhà Lý chém được vua Chiêm là Sạ Đẩu).

Trên đường trở về kinh thành Thăng Long, qua đất Nghệ An, tại hành dinh đóng ở huyện Đô Lương ngày nay, Uy Minh Hầu được phong tước Vương và cờ Tiết việt, tiếp tục cai quản và giữ chức Tri châu Nghệ An. Nhiều năm sau đó, nhờ tài năng, uy đức và sự chỉ huy thần dũng của Uy Minh Vương, vùng biên viễn phía Nam luôn được giữ vững, giặc Chiêm Thành không dám sang xâm phạm. Dân chúng có ổn định và phát triển kinh tế. Hơn thế nữa, Uy Minh Vương còn góp phần giúp giải quyết xung đột trong nội bộ Chiêm Thành, tạo dựng mối quan hệ hòa hiếu giữa hai đất nước. Kể về sự hy sinh lẫm liệt của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang trong đánh giặc, bảo vệ biên giới phía Nam, nhân dân vùng đất Nghệ An còn lưu truyền một truyền thuyết như sau:

Trong trận cuối cùng tử chiến với giặc Lão Qua bảo vệ biên cương phía Nam Đại Việt, ông bị trọng thương. Tuy bị giặc chém mất đầu, xong Uy Minh Vương vẫn tiếp tục đặt đầu lên cổ, cưỡi ngựa trở về. Khi đến vùng đất xã Lam Sơn (Nghệ An ngày nay), gặp một bà bán hàng (là bà bụt hóa thân thành). Ngài hỏi xin một mảnh đất an nghỉ, bà lão nói cứ ven theo vệ cỏ may, ngựa chạy đến đâu thì đất của ông đến đó. Ngựa chạy đến vùng đất thuộc xã Bồi Sơn (Đô Lương, Nghệ An ngày nay) thì quỳ xuống, Lý Nhật Quang ngã ngựa, đầu lìa khỏi cổ. Ngay lập tức mối đùn lên thành mộ, dân gian gọi là thiên táng. Nhân dân lập đền thờ tại đây. Còn theo sử sách: Sau khi từ chức Tri châu, Uy Minh Vương vẫn ở lại Nghệ An cho đến cuối đời, ra đi thanh thản: Vương đang nằm, bỗng dưng không bệnh mà chết. Đó là năm 1057.

Lời bàn:

Vào thời nhà Lý trị vì, Nghệ An là vùng biên viễn của đất nước với nhiều cuộc nổi dậy của nhân dân địa phương có tính chất “phản loạn” khiến triều đình phải nhiều phen đánh dẹp. Được giao đảm trách Tri châu, Lý Nhật Quang luôn lấy đức làm trọng và kiên quyết với bọn quan tham, đạo tặc, kiên quyết bảo vệ từng tấc đất của Đại Việt. Vì vậy, trong suốt thời gian ông trị nhậm và nhiều thập kỷ sau đó, miền đất này rất yên bình. Tình hình chính trị - xã hội ổn định là tiền đề thuận lợi để Lý Nhật Quang tiến hành tổ chức hoàn thiện bộ máy chính quyền cấp cơ sở, động viên sức dân khai khẩn, mở mang đất đai, lập xóm ấp, chăm lo sản xuất nông nghiệp, dạy dân làm ruộng, nuôi tằm, phát triển kinh tế...

Với tài kinh bang tế thế, với tầm nhìn có tính chiến lược và những chủ trương đúng đắn, táo bạo, Lý Nhật Quang đã đề ra những chính sách tiến bộ để phát triển sản xuất, bảo vệ trật tự trị an, giữ yên bờ cõi, đặc biệt là chính sách khoan thư sức dân, vỗ về dân, lấy việc dân được no ấm, yên vui làm gốc của việc cai trị. Vì những công lao to lớn, toàn diện, để lại trong lòng dân những ân tình sâu nặng, sau khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang mất, nhân dân đã lập đền để thờ ông. Chính điều này đã làm cho tên tuổi và sự nghiệp của ông trường tồn cùng lịch sử dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
110027

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu