Thứ 4, 08/05/2024 18:01:50 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:11, 27/03/2018 GMT+7

Bản lĩnh và trí tuệ Việt

Thứ 3, 27/03/2018 | 15:11:00 450 lượt xem
BP - Với những ai đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc Việt Nam thì chắc chắn đều biết đến Ngô Quyền với chiến công hiển hách năm 938 tại sông Bạch Đằng. Nơi đây đánh dấu chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trước quân Nam Hán. Và trận Bạch Đằng năm 938 được coi là “đại võ công vang dội đến nghìn thu”. Tuy nhiên, người lãnh nhiệm vụ đặc biệt dẫn dụ quân Nam Hán lọt vào trận địa cọc này lại ít được người đương thời cũng như hậu thế nhắc đến.

Sau khi bố trí xong trận địa cọc ngầm, điều quan trọng là phải tính toán làm sao dụ thuyền giặc đi vào đó khi nước triều đang lên, rồi ghìm chân chúng đến khi nước rút để lộ ra những cọc nhọn thì kế sách diệt giặc mới thành công. Đây chính là điều kiện có tính chất cực kỳ quan trọng, quyết định sự thắng thua với quân xâm lược và đảm trách nhiệm vụ đặc biệt này là những anh hùng xuất thân từ chốn thôn quê.

Minh họa: S.H

Trong số những tướng lĩnh đóng góp và lập công lớn bậc nhất trong trận Bạch Đằng lịch sử, người ta xếp Nguyễn Tất Tố đứng đầu. Ông chính là người chỉ huy đoàn thuyền nhử quân Nam Hán lọt vào trận địa cọc đúng thời điểm, đúng vị trí theo đúng kế hoạch. Nguyễn Tất Tố là người có tài bơi lội, ông quê làng Gia Viên (nay thuộc nội thành TP. Hải Phòng). Khi biết tin Ngô Quyền về vùng ven biển Đông Bắc chiêu mộ thêm lực lượng để đánh giặc, Nguyễn Tất Tố cùng bạn là Đào Nhuận và một số trai tráng trong làng rủ nhau theo đầu quân.

Vốn là người thông thạo đường đi lối lại, thông thuộc thủy triều của sông Bạch Đằng, Nguyễn Tất Tố và Đào Nhuận được Ngô Quyền tin tưởng giao nhiệm vụ tìm hiểu về quy luật thủy triều, các địa hình hiểm yếu để bố trí phục binh. Nguyễn Tất Tố đã dùng thuyền đưa các tướng lĩnh được Ngô Quyền cắt cử đến tận thực địa xem xét con nước, các nhánh sông, những nơi rừng rậm hai bên bờ để chọn chỗ đặt phục binh, che giấu thuyền bè, đẵn gỗ đóng cọc...

Đến khi thuyền giặc Nam Hán đang tiến xuống phía Nam, Ngô Quyền họp chư tướng bàn kế sách đối phó, trong cuộc họp ấy, Nguyễn Tất Tố đã bước ra tâu xin được tình nguyện làm người dẫn nhử quân giặc vào trận địa cọc quân ta đã bố trí sẵn. Khi mọi người hỏi Nguyễn Tất Tố thì ông đáp rằng: Vùng sông nước này tôi rất quen thuộc, biết được lúc nước lên nước xuống, nay muốn giặc mắc bẫy thì chỉ có cách dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến, chọn đúng giờ khắc thích hợp thì giả thua bỏ chạy. Bọn giặc vốn kiêu ngạo, tưởng quân ta thất thế tất sẽ hùng hổ đuổi theo, ta sẽ dụ chúng vào bãi cọc, đến khi nước rút nhanh thì thuyền chiến của chúng như những con cá mắc cạn. Lúc đó, sợ gì mà không phá được giặc.

Nghe ông nói vậy, Ngô Quyền mừng lắm bèn giao cho Nguyễn Tất Tố một đội thuyền chiến nhỏ, với nhiệm vụ “đánh thật mà giả, giả như thất trận thật”. Mang trọng trách được giao, Nguyễn Tất Tố đã hoàn thành xuất sắc, đội thuyền chiến nhỏ thao tác linh hoạt do ông chỉ huy đã tấn công dũng mãnh vào đội thuyền của giặc khi chúng vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng, khiến quân giặc bất ngờ. Tuy nhiên, vì tự đắc cho rằng đoàn thuyền “nhỏ như những lá tre” ấy sao chống lại những con thuyền to lớn, nên tướng giặc Hoằng Tháo thúc chiến và đó cũng là lúc Nguyễn Tất Tố vẫy cờ ra hiệu vờ thua bỏ chạy làm cho sự kiêu ngạo của giặc tăng cao, được thể ồ ạt đuổi theo, tiến vào bãi cọc mà không hề hay biết.

Khi nước sông bắt đầu rút, Ngô Quyền chỉ huy đại quân từ 3 phía (thủy, bộ phối hợp) đổ ra đánh. Quân Nam Hán bị rối loạn phải tháo chạy ra biển, thuyền chiến của chúng va vào cọc nhọn bị chìm đắm, rồi bị những bè lửa ngùn ngụt cháy lao đến thiêu đốt; Nguyễn Tất Tố cũng chỉ huy các thuyền nhỏ đánh quật lại. Sự phối hợp nhịp nhàng, đúng theo kế hoạch với việc truy kích quyết liệt làm quân Nam Hán hoảng sợ bỏ thuyền nhảy xuống sông, phần bị giết, phần chết đuối, thiệt hại đến quá nửa, chủ tướng giặc là Lưu Hoằng Tháo cũng bỏ mạng tại trận.

Lời bàn:

Chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng năm 938 là kết quả từ sự chỉ huy tài giỏi của Ngô Quyền cùng các tướng lĩnh trong việc phát huy sức mạnh của dân tộc, biết sử dụng và phát huy các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, biết phát huy sở trường “thủy chiến” của dân tộc ta để giành thắng lợi. Và chiến thắng Bạch Đằng được coi là trận chung kết toàn thắng của dân tộc Việt trên con đường đấu tranh chống Bắc thuộc, chống đồng hóa, đấu tranh giành lại độc lập dân tộc. Sau chiến thắng Bạch Đằng, Việt Nam bước vào thời kỳ xây dựng đất nước trên quy mô lớn. Đó là kỷ nguyên của văn minh Đại Việt, của văn hóa Thăng Long, kỷ nguyên phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh, một kỷ nguyên rực rỡ của các nhà Lý, Trần, Lê.

Nhà sử học Ngô Thì Sĩ đánh giá: Trận thắng trên sông Bạch Đằng là cơ sở cho việc khôi phục quốc thống. Những chiến công đời Đinh, Lê, Lý, Trần sau này còn nhờ vào uy danh lẫm liệt ấy để lại. Trận Bạch Đằng vũ công cao cả, vang dội đến ngàn thu, há phải chỉ lẫy lừng ở một thời bấy giờ mà thôi đâu. Đây là chiến thắng của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Chính chiến thắng Bạch Đằng đã để lại bài học vô cùng quý giá cho Trần Hưng Đạo đại phá quân Nguyên Mông cũng trên sông Bạch Đằng năm 1288, vua Quang Trung phá tan 5 vạn quân Xiêm trên sông Rạch Gầm năm 1785 và những con tàu không số của hải quân nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở thế kỷ XX.

N.D

  • Từ khóa
110026

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu