Thứ 4, 08/05/2024 19:57:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:04, 08/03/2018 GMT+7

Một kết cục buồn

Thứ 5, 08/03/2018 | 09:04:00 201 lượt xem

BP - Sau khi lật đổ được Lê Uy Mục, hoàng thân Lê Oánh chính thức tức vị ngai vàng, đặt niên hiệu là Hồng Thuận, lại tự xưng là Nhân Hải động chủ, còn sử sách thường gọi là Lê Tương Dực. Là một người thông minh, có tài thơ văn nhưng Lê Tương Dực lại dần đi vào “vết xe đổ” của vị vua tiền nhiệm. Điểm xấu lớn nhất của Lê Tương Dực là ham mê sắc dục, ngày đêm hoan lạc với phi tần mỹ nữ nhưng vẫn chưa thỏa mãn, vua còn bắt cung nhân của Lê Uy Mục và cung nhân của triều vua trước vào để thông dâm.

Ngày 26 tháng giêng năm Quý Dậu (1513), nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thủy, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sắc phong vua làm An Nam Quốc vương và ban cho 1 bộ áo mũ quan võ bằng da, 1 bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua rồi quay sang bảo với Nhược Thủy rằng: Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là “vua Lợn”. Chính sử khi đánh giá về Lê Tương Dực cũng chép rằng: Vua gian dâm với vợ lẽ của cha, để tang cha mẹ ít ngày, mượn tên của anh để cướp nước của người khác, xa hoa dâm dục quá độ, hình phạt nặng, thuế khóa nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “vua Lợn”.

Minh họa: S.H

Trái ngược với tính cách của chồng, hoàng hậu của Lê Tương Dực lại là người đoan chính, nhân hậu nhất mực. Bà tên thật là Nguyễn Thị Đạo, quê huyện Văn Giang, phủ Thượng Hồng, xứ Hải Dương (nay là huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), con gái một viên quan nhỏ. Vì có nhan sắc và đức hạnh nên bà được tuyển vào cung làm phi, không lâu sau được Lê Tương Dực lập làm Khâm Đức hoàng hậu và rất được vua sủng ái, yêu mến.

Chuyện kể rằng đúng hôm Nguyễn Thị Đạo nhập cung, vua Tương Dực đang trong tình trạng bất an vì việc triều chính rối ren, dân chúng nhiều nơi nổi dậy chống lại triều đình. Lúc đó có viên quan nội thị vào tâu về việc tổng quản vừa đưa con gái của một số đại thần vào cung để vua lựa chọn. Đang không vui, Lê Tương Dực bực tức nói: Một lũ ăn hại, chúng ăn cơm của triều đình mà giúp gì được cho ta, lại còn muốn bắt ta chấp nhận con gái của chúng nữa. Thật khó chịu. Tuy nhiên, vua đã nghĩ lại: Dù sao cũng phải chấp nhận, vì đó là sợi dây ràng buộc bọn bầy tôi, bắt chúng phải trung thành với ta. Nghĩ sao làm vậy, Lê Tương Dực bước đến nơi những mỹ nhân đang chờ đợi.

Vừa thấy vua, tất cả vội quỳ xuống hành lễ, trong số các cô gái đó, bất giác ánh mắt của Lê Tương Dực như bị cuốn hút vào một cô gái nhu mì, hiền thục, đó là Nguyễn Thị Đạo, người đã khiến nhà vua không thể làm ngơ... Lập tức vua gọi viên tổng quản lại hỏi cô gái đó là con nhà ai và truyền đưa Nguyễn Thị Đạo tới trước hoàng đế. Cô gái rất đẹp nhưng không phải là một vẻ đẹp lộng lẫy mà dịu dàng, đằm thắm đầy đoan trang và nó đã nhanh chóng quyến rũ ông vua háo sắc... Từ đó, Lê Tương Dực giữ Nguyễn Thị Đạo ở bên mình rồi xuống chiếu sắc phong làm hoàng hậu.

Trong suốt năm tháng sống cùng vua, Khâm Đức hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo hiểu rõ bản tính chuyên quyền, độc đoán, bạo ngược và ham sắc dục của chồng mình hơn ai hết. Bà đã nhiều lần khuyên nhủ vua sớm tỉnh ngộ, bãi bỏ xa hoa, loại trừ nịnh thần, chấn chỉnh triều cương, ban ơn dân chúng, thế nhưng tất cả những lời tâm huyết đó Lê Tương Dực đều bỏ ngoài tai. Vì thế, tâm trạng hoàng hậu lúc nào cũng bất an, lo lắng về một tương lai đen tối đang chờ đợi mình ở phía trước.

Tại triều đình, nhiều đại thần thấy xã hội rối loạn, xã tắc ngả nghiêng mới dâng sớ can ngăn, trong số đó có Trịnh Duy Sản vì nhiều lần can ngăn trái ý vua, bị đánh bằng trượng. Mang tâm trạng bực tức, Trịnh Duy Sản mới mật bàn cùng với một số người là Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm mưu việc phế lập.

Vào hồi canh hai đêm mồng 6 tháng 4 năm Bính Tý (1516), những người này đem trên 3.000 người thuộc các vệ Kim ngô và Hộ vệ bất ngờ đánh vào cửa Bắc Thần. Vua Lê Tương Dực vội vã lên ngựa chạy khỏi cung, đến trước cửa nhà Thái Học (tức Quốc Tử Giám) thì bị chặn lại, Trịnh Duy Sản sai một võ sĩ tên là Hạnh cầm giáo đâm vua ngã ngựa rồi giết chết. Trịnh Duy Sản còn sai người đem xác Lê Tương Dực về quán Bắc Sứ khâm liệm rồi đem thiêu. Khâm Đức hoàng hậu cũng nhảy theo tự thiêu.

Lời bàn:

Theo sử sách còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Tương Dực là ông vua ăn chơi trác táng bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Quy luật ở đời bao giờ cũng vậy, nếu gieo nhân nào thì ắt sẽ phải gặt quả nấy. Và một ông vua chỉ biết vì dục vọng cá nhân mà quên đi trọng trách của mình, khiến dân chúng lầm than, chính quyền của vương triều hậu Lê lâm vào khủng hoảng, suy yếu thì không thể có kết cục khác được.

Dân gian có câu “Hồng nhan đa chuyên” hay “Hồng nhan bạc phận”, điều đó ứng vào những mỹ nhân, không kể người đó sống ở chốn thôn quê hay tại hoàng cung, lầu son gác tía. Và cuộc đời cũng như số phận của hoàng hậu Nguyễn Thị Đạo trong giai thoại đã nêu là một minh chứng. Mặc dù người chồng bị chê trách là hoàng đế hoang dâm trụy lạc vô độ, nhưng để giữ được phẩm cách của bậc “mẫu nghi thiên hạ”, bà đã chọn nhảy vào lửa chết theo chồng. Vì thế, phẩm cách, đức hạnh của bà mãi tỏa sáng và được hậu thế ghi nhớ, ca tụng, lưu truyền.

N.D

  • Từ khóa
110022

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu