Thứ 2, 20/05/2024 07:07:29 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:15, 01/03/2018 GMT+7

Ông vua lợn

Thứ 5, 01/03/2018 | 09:15:00 597 lượt xem
BP - Vua Lê Tương Dực tên húy là Oanh, lại có tên húy khác là Trừu. Ông là vị vua thứ chín của nhà hậu Lê. Lê Oanh sinh ngày 25-6-1495, là cháu nội của vua Lê Thánh Tông và là con thứ hai của Kiến Vương Lê Tân với bà Huy Từ hoàng thái hậu Trịnh Thị Tuyên. Dưới thời Lê Hiến Tông, Lê Oanh được phong làm Giản Tu công. Khi Lê Uy Mục giết hại tông thất đã cho giam cầm Lê Oanh. Lê Oanh đút lót người canh cửa rồi bỏ trốn và được đại thần thất sủng là Nguyễn Văn Lang lập làm minh chủ.

Tháng 11-1509, Lê Oanh dùng cờ hiệu của anh mình là Cẩm Giang vương Lê Sùng để chiêu tập lực lượng ở Tây Đô, Thanh Hóa. Sau đó, Lê Oanh đưa quân về chiếm Đông Kinh (Hà Nội) bắt được và bức Lê Uy Mục tự tử ngày 1-12-1509. Sau khi giết Lê Uy Mục, Lê Oanh tự lập làm vua, lấy niên hiệu là Hồng Thuận, tức Tương Dực đế. Ông lấy ngày sinh làm “Thiên Bảo thánh tiết”, tự xưng là Nhân Hải Động chủ. Những ngày đầu lên ngôi, vua Lê Tương Dực cũng ban hành giáo hóa, thận trọng hình phạt, được coi là có công trạng với đất nước. Trong thời gian đầu trên ngai vàng, vua Lê Tương Dực vẫn biết nghe lời phải trái.

Minh họa: S.H

Khi hoạn quan Nguyễn Khắc Hài làm loạn, viên quan Đức Bằng dâng lên 14 kế sách trị bình, đại ý là “...từ khi lên ngôi tới nay, hòa khí chưa thuận, can qua chưa dứt, kỷ cương triều đình chưa dựng đặt, việc quân, việc nước chưa sửa sang; tai dị xảy ra luôn, sợ đạo trời chưa thuận, núi đá bị sụt lở, e đạo đất chưa yên. Tệ tham nhũng ngấm ngầm phát triển, bọn nghịch tặc lén lút manh nha, sợ đạo người chưa ổn. Thế mà quan trong triều biết nhưng không nói, họ tự lo cho mình thì được rồi, còn lo cho nước thì ra sao?... Kính xin trình bày 14 kế sách trị binh... Và 14 điều khuyên răn của Đức Bằng được vua Tương Dực nghe theo. 

Tuy nhiên, sau một vài năm chăm lo việc nước, vua Lê Tương Dực nhanh chóng sa vào chơi bời xa xỉ trụy lạc, bỏ bê việc nước. Vua sai Vũ Như Tô xây điện 100 nóc, xây Cửu Trùng Đài. Về tài năng của Vũ Như Tô, dân gian còn lưu truyền một giai thoại. Nguyên là vua sai ông làm một chiếc ngai vàng để vua ngự thiết triều. Chiếc ngai vàng được chạm trổ rất tinh vi, khi làm xong, Vũ Như Tô rất ưng ý bèn ghé ngồi thử, không may bị quân cấm vệ nhìn thấy. Ông bị khép tội khi quân, bị giam chờ án chém. Ngồi trong ngục buồn quá, ông xin được một nắm thóc nếp, bóc vỏ trấu lấy hạt gạo, rồi dùng móng tay khắc thành một đàn voi trắng nhỏ xíu. Chuyện đến tai vua, vua truyền đem lên xem thử, thấy đàn voi giống quá, nhà vua phải kinh ngạc. Cảm thương người thợ tài ba, vua truyền xá tội.

Mô hình Cửu Trùng Đài là do Vũ Như Tô lấy những cây nứa ở nhà dựng nên rồi đem dâng kiểu nhà đó cho vua, khuyên nên làm theo cách đó. Vua Tương Dực thích mô hình của Vũ Như Tô nên đã bổ nhiệm ông làm quan trông coi việc xây dựng Cửu Trùng Đài. Tuy nhiên, quân dân xây dựng Cửu Trùng Đài trong mấy năm trời không xong, hao tổn tiền của, chết hại nhiều người. Chuyện Vũ Như Tô được vua Lê Tương Dực giao xây Cửu Trùng Đài gây hại cho dân được sử sách ghi: Người thợ Vũ Như Tô làm điện lớn hơn trăm nóc, dùng hết tiền của và sức dân trong nước.

Trước điện Cửu Trùng Đài, nhà vua còn cho đào hồ thông với sông Tô Lịch để dẫn nước vào, thả thuyền Thiên Quang mặc sức du ngoạn. Hồ ấy chạy quanh co khúc khuỷu và có cửa cống để thuyền dễ dàng ra vào rong chơi, cực kỳ xa xỉ. Dân chúng đau khổ, binh lính mệt nhọc. Trong khi quân đắp thành chưa xong, thì lại có lệnh bắt các nha môn ở trong, ngoài kinh thành phải làm, tập hợp nhau khiêng đất. Vua hằng ngày bất thần ngự chơi, chỗ nào vừa ý thì thưởng cho bài vàng, bài bạc.

Có chỗ đã làm xong lại phải sửa đổi xây đắp lại, hết năm này qua năm khác, liên miên không dứt. Quân lính đắp thành mắc chứng dịch lệ đến một phần mười. Không chỉ bắt quân dân tập trung xây Cửu Trùng Đài, vua Lê Tương Dực còn cho đóng chiến thuyền bắt con gái khỏa thân chèo chơi ở hồ Tây. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có chép về điều này: Trước đây, vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống.

Lời bàn:

Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, bên cạnh những vị minh quân, có nhiều đóng góp lớn lao cho dân tộc, xã tắc, thì cũng xuất hiện không ít ông vua nổi tiếng hoang dâm và tàn ác. Sự hung ác, tàn bạo của những ông vua này không chỉ khiến đời sống muôn dân rơi vào cảnh khổ cực lầm than mà còn dẫn tới sự suy yếu của vương triều và cuối cùng phải trả giá cho sự hung bạo của mình bằng họa sát thân. Và vua Lê Tương Dực là một minh chứng. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, Lê Tương Dực vì ham mê sắc dục, ngày đêm hoan lạc với phi tần mỹ nữ, hình phạt nặng, thuế khóa nhiều, giết hết các thân vương, can qua xảy ra khắp nơi, người thời ấy gọi là “vua lợn”.

Một con người như Lê Tương Dực sao lại được làm vua? Vì vào thời ấy, con vua thì lại làm vua và ông ta là dòng dõi nhà Lê nên được làm vua, chứ chẳng phải là người có công cao đức dày gì với đất nước, trăm họ. Đây là bài học quý cho hậu thế trong việc kén chọn người để giao nhiệm vụ. Mong đừng có ai đó chỉ vì anh A, chị B là con ông cháu cha nên cất nhắc, mà hãy giao công việc cho những người thực sự có năng lực, có tâm, có đức.

N.D

  • Từ khóa
110019

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu