Thứ 2, 20/05/2024 07:48:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:12, 06/02/2018 GMT+7

Vị tướng tài ba

Thứ 3, 06/02/2018 | 08:12:00 190 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt thông sử”, Lê Lý (tức Nguyễn Lý) là người thôn Dao Xá (nay là xã Xuân Lam, Thọ Xuân, Thanh Hóa). Ông theo vua Lê Lợi khởi binh từ những ngày đầu và được trao chức Thứ thủ trong vệ kỵ binh, thuộc quân Thiết Đột. Ông hết lòng phò Lê Lợi, trải biết bao gian khổ. Khi vua cùng 18 bề tôi thân cận tổ chức Hội thề Lũng Nhai, ông cũng có mặt trong số đó và trong danh sách 19 người (kể cả Lê Lợi), Nguyễn Lý đứng hàng thứ 17.

Năm 1418, khi Lê Lợi vừa phát lệnh khởi nghĩa thì lập tức, quân Minh đã hùng hổ kéo tới để đàn áp. Trong cuộc đọ sức không cân xứng này, nghĩa quân Lam Sơn đã chịu khá nhiều tổn thất. Lê Lợi buộc phải rút hết lực lượng về Mường Một và sau đó rút lên Linh Sơn. Giặc vừa chấm dứt cuộc vây hãm Linh Sơn, Lê Lợi liền cho quân sĩ trở về Lam Sơn củng cố đội ngũ, tăng cường tích trữ lương thực và sắm sửa thêm vũ khí để chiến đấu lâu dài. Nhưng, trở lại Lam Sơn vừa được 5 ngày thì Lê Lợi đã phải đối phó với những cuộc tấn công đàn áp rất quyết liệt của quân Minh. Để tránh thế mạnh của địch, Lê Lợi đã cho quân rút về Lạc Thủy.

Minh họa: S.H

Tại Lạc Thủy, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn dự đoán rằng quân Minh nhất định sẽ dốc sức đuổi gấp theo. Để ngăn chặn hiệu quả cuộc truy đuổi ráo riết của quân Minh, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định bố trí một trận đồ mai phục hết sức lợi hại ngay tại Lạc Thủy. Tướng Nguyễn Lý vinh dự được trao chức phó chỉ huy trận mai phục này. Bấy giờ, cùng sát cánh với Nguyễn Lý còn có một số tướng lĩnh xuất sắc như Lê Thạch, Lê Ngân, Đinh Bồ và Trương Lôi.

Sau những trận thắng nhỏ, quân giặc tỏ ra rất chủ quan. Chúng rầm rộ tiến vào Lạc Thủy với hy vọng sẽ đập tan hoàn toàn lực lượng Lam Sơn ở đấy. Nhưng, đúng lúc chúng hí hửng nhất thì quân mai phục của Lam Sơn bất ngờ xông ra. Sử cũ cho biết rằng, ta đã “chém được vài ba ngàn tên, quân trang khí giới bắt được kể có đến hàng ngàn”. Tướng chỉ huy cao nhất của quân Minh trong trận này là Mã Kỳ phải một phen thực sự kinh hoàng. Đây là trận thắng lớn đầu tiên của Lam Sơn và kể từ trận thắng lớn này, tên tuổi của Nguyễn Lý ngày càng nổi bật.

Năm 1420, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đóng ở Mường Thôi. Lần này, 2 tướng cao cấp của giặc là Lý Bân và Phương Chính đem trên 10 vạn quân, đánh thẳng vào khu căn cứ mới của Lê Lợi. Kẻ dẫn đường cho quân Minh là tên việt gian Cầm Lạn. Lúc này, Cầm Lạn đang giữ chức Đồng Tri châu ở Quỳ Châu (Nghệ An). Để giành thế chủ động tấn công và đánh địch một trận thật bất ngờ, Lê Lợi phái các tướng Lý Triện, Phạm Vấn và Nguyễn Lý đem quân đến mai phục sẵn ở vị trí rất hiểm yếu, trên tuyến đường dẫn vào Mường Thôi.

Đúng như dự kiến của Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn, Lý Bân và Phương Chính cứ hăm hở đi mà không hề nghi ngờ gì. Bình tĩnh chờ cho đến lúc lực lượng tiên phong của chúng vừa lọt ổ mai phục ở Bồ Mộng, Nguyễn Lý, Phạm Vấn và Lý Triện liền hạ lệnh cho quân sĩ bốn bề nhất loạt xông ra. Trong trận đánh này Lam Sơn đã tiêu diệt được một bộ phận khá lớn sinh lực của giặc, khiến “bọn Lý Bân và Phương Chính chỉ chạy thoát lấy thân”.

Cuối năm 1424, nghĩa quân Lam Sơn liên tục tổ chức nhiều trận tấn công vào các đơn vị quân Minh ở Nghệ An. Nguyễn Lý là một trong những tướng có vinh dự tham gia nhiều trận lớn như Bồ Đằng, Trà Lân, Khả Lưu, Bồ Ải... Nhờ lập nhiều công lao, ông được Lê Lợi cho thăng dần đến hàm Thiếu úy. Năm 1426 và 1427, Nguyễn Lý được lệnh cùng với một số tướng lĩnh chỉ huy lực lượng Lam Sơn tấn công vào 2 thành trì rất kiên cố, đó là Tam Giang và Xương Giang. Ông đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao là đánh bại thành Tam Giang và đặc biệt là san bằng thành Xương Giang, phá tan chỗ dựa của viện binh giặc.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Nguyễn Lý là người đi cùng Lê Lợi và nghĩa sĩ Lam Sơn suốt cuộc trường chinh cứu nước, cứu dân. Ông là một trong những dũng tướng Lam Sơn lập được nhiều công lao to lớn, góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại, lật nhào ách đô hộ của quân Minh. Nhờ những công lao to lớn ấy, năm 1428, Nguyễn Lý được tấn phong là Tư mã, được quyền tham dự triều chính, được xếp vào hàm Suy Trung Tán Trị Hiệp mưu công thần. Năm 1429, triều Lê dựng biển khắc tên 93 vị khai quốc công thần, tên của ông được xếp vào hàng thứ 6. Năm 1430, ông được tấn phong hàm Nhập nội Kiểm.

Sau 10 năm chiến đấu bền bỉ, ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn toàn thắng lợi, hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ giải phóng dân tộc, đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Minh. Nền độc lập của nước ta được giữ vững, đất nước bước vào thời kỳ phát triển thịnh vượng mới. Vì vậy, người đương thời cũng như hậu thế ghi nhận trong chiến thắng vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, có công lao đóng góp to lớn của các vị tướng lĩnh tài ba và trong số đó có tướng quân Nguyễn Lý. Và điều còn lại là người thời nay và mai sau sống như thế nào để không hổ thẹn với tiền nhân và làm gì để truyền thống của tổ tiên mãi mãi được giữ gìn, phát huy.

N.D

  • Từ khóa
110015

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu