Thứ 6, 19/04/2024 15:50:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:33, 30/01/2018 GMT+7

Hồng nhan bạc mệnh

Thứ 3, 30/01/2018 | 16:33:00 16,301 lượt xem

BP - Trong những cô gái được coi là “hồng nhan bạc mệnh”, thì có lẽ người con gái được Nguyễn Du dành tình cảm say đắm nhất là người ca nữ mà ông gọi là cô Cầm trong “Long Thành cầm giả ca”. Đây là tác phẩm viết về một người ca nữ ở Thăng Long nổi tiếng tài hoa một thời, bây giờ nhan sắc tiều tuỵ, không còn ai chú ý đến nữa. Nhà thơ tỏ lòng xót thương ngậm ngùi và nghĩ đến cuộc đời dâu bể. Cô Cầm cũng là một người đến duy nhất một lần trong đời Nguyễn Du, đã được nhà thơ yêu và nhiều đêm tương tư không ngủ.

Người con gái có sắc đẹp mê ly ấy còn có tiếng hát và tiếng đàn tuyệt vời. Nhưng khi Nguyễn Du gặp lại thì nàng cũng đã già, thân sắc đã phai nhạt. Giai thoại về Nguyễn Du và cô Cầm còn được nhiều tài liệu chép như sau: Những năm đầu thời kỳ vua Gia Long trị vì (1802-1819), Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bắc Thành, một hôm hội yến, mời đông đủ liêu thuộc và cố thần nhà Lê tới dự, trong đó có Nguyễn Du. Quan khách vào tiệc, đàn sáo vang lừng rồi ả đào ra múa hát. Nguyễn Du thấy những người này tuy nhan sắc xinh đẹp, trẻ trung nhưng giọng hát quê mùa, cung bậc lộn xộn, lên xuống thiếu phép tắc nên không để ý đến. Ông thả hồn nghĩ những chuyện xa xôi, chẳng biết bên tai họ đã hát những bài gì và múa điệu gì.

Minh họa: S.H

Nhưng khi gần mãn tiệc, bỗng nhiên một cô gái có thân hình gầy còm, dung nhan tiều tuỵ, tuổi trạc ngoài bốn mươi, đứng gõ phách hát. Ông lắng nghe, thấy giọng hát thanh tao, êm ái dịu dàng, rõ ra lối hát cửa quyền ngày trước. Đã hơn 20 năm ông chưa từng nghe tiếng hát ấy, nay bỗng dưng được nghe lấy làm thỏa thích. Ông nghĩ lấy làm lạ, tự hỏi tại sao chốn hồng trần đô hội này lại có tiếng hát phong lưu tao nhã như thế. Cô đào vừa đàn vừa hát bài “Hồ Hoàn Kiếm”, một bài hát nói đang được ưa chuộng lúc bấy giờ. Hát xong nàng buông phách, một mình thơ thẩn dạo ra ngoài hành lang. Nguyễn Du lén ra đến bên cạnh nàng và hỏi:

Cô quê quán ở đâu và học hát từ bao giờ? Tôi nghe giọng hát quen thuộc lắm. Nàng ngước nhìn ông hồi lâu rồi lễ phép thưa: Thiếp xin phép hỏi đại nhân có phải là cậu Bảy, cậu Chiêu Bảy con quan cố Tham tụng không ạ? Khi ấy, Nguyễn Du nhìn nàng không chớp mắt và nói: Phải. Nàng là cô Cầm chăng? Biết được đích thực là người tình cũ, nàng nức nở đáp lại: Vâng, thiếp chính là cô Cầm ngày trước!

Cuộc hội ngộ bất ngờ, mừng mừng tủi tủi, cô Cầm níu áo Nguyễn Du kể lể: Khi Vũ Văn Nhậm thống trị Bắc Hà, thiếp vẫn giữ nghề cũ, thường được gọi vào trong dinh Đốc tướng hát. Các tướng Tây Sơn rất thích hát múa những điệu ở trong cung, có tối thiếp được thưởng mấy trăm quan tiền. Mượn thanh sắc của mình, thiếp đã nhiều phen làm cho những danh tướng Tây Sơn thất điên bát đảo. Nào ngờ việc đời thay đổi, bãi bể hóa nương dâu, vua Quang Trung ra Bắc lần thứ hai giết Vũ Văn Nhậm, rồi quân Tàu ùn ùn kéo sang. Thiếp phải tránh về Kinh Bắc, vốn liếng mất hết, chỉ còn hai bàn tay trắng, lưu lạc hơn 10 năm, nếm trải đủ mùi cay đắng. Khi trở về cố đô thì phủ chúa Trịnh, dinh thự vương hầu, thành đường quan lộ, chỉ còn là đống tro tàn, mắt trông cảnh cũ, bao xiết thương tâm. Nơi múa hát xưa không biết vùi lấp đâu hết cả, thiếp bao phen tốn công tìm tòi mà không thấy.

 Nay tuổi gần già, nhan sắc càng phai nhạt, thiếp thuê tạm mấy gian nhà lá ở ngoài thành, thỉnh thoảng trong dinh các quan tổ chức yến tiệc hay dân gian tế lễ lại tìm thiếp đến hát. Than ôi! Giang hà nhật hạ, món tiền thù lao ít ỏi chẳng được như xưa, nhưng cũng nhờ đấy, làm kế sinh nhai cho qua ngày tháng. Thiếp nghĩ tủi phận mình kém người ca nữ trên bến Tầm Dương, vô duyên không kiếm đâu ra anh lái buôn chè tham lợi, nhưng rất tự hào là trong các đình đám, mỗi khi thiếp cất tiếng hát lên, bọn vương tôn công tử lại thì thầm: Đấy là tiếng hát cửa quyền ngày trước! Nghe nàng kể lể, Nguyễn Du ngậm ngùi than thở: Công đức nhà Lê hơn 300 năm và sự nghiệp anh hùng vua Quang Trung đã theo dòng nước sông trôi, duy còn lại tiếng hát cửa quyền của người ca nữ! Rồi sau đó, ông làm bài Cầm giả dẫn để kỷ niệm cuộc gặp gỡ với người ca nữ Thăng Long.

Lời bàn:

“Hồng nhan bạc phận”, câu thành ngữ này có nguồn gốc từ Truyện Kiều của Nguyễn Du. Qua câu này, người xưa muốn nói lên một mâu thuẫn không thể dung hòa giữa nhan sắc và số phận của người con gái. “Hồng” (đỏ) có nghĩa là tốt, đẹp; “bạc” (trắng), có nghĩa là xấu. “Hồng nhan” là người con gái có sắc đẹp; “bạc mệnh”, hay “bạc phận” nghĩa là có số mệnh, số phận xấu. Nói tóm lại, “hồng nhan bạc mệnh” có nghĩa là người con gái có sắc đẹp thì thường có số phận hẩm hiu. Nguyên nhân là do trong xã hội phong kiến, những người con gái dẫu có tài, có sắc đến mấy nhưng con nhà nghèo thì chỉ là công cụ trong tay vua chúa và quan lại.

Tuy nhiên, nhan sắc là hình thức bên ngoài không quyết định số phận của người con gái. Yếu tố quyết định là “nhân cách” của mỗi người. Một người con gái đẹp nếu có một nhân cách tốt, có nghĩa là biết làm chủ bản thân trong mọi quan hệ, chăm chỉ học hành, chịu khó lao động, cư xử lịch sự với mọi người, biết hy sinh cái trước mắt để có được cái lâu dài... thì hồng nhan không hề bạc mệnh mà lại là một điều kiện tốt để có được một cuộc sống hạnh phúc. Ngược lại, một cô gái dù không có sắc đẹp nhưng lại có năng lực và đạo đức tốt thì vẫn được mọi người quý mến và đều có thể có được một việc làm thích hợp, một người chồng tốt và một gia đình hạnh phúc. Và, “Cái nết đánh chết cái đẹp” là quy luật của muôn đời và chừng nào xã hội không cần đến đạo đức thì điều này mới không còn ý nghĩa. 

N.D

  • Từ khóa
110012

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu