Thứ 2, 20/05/2024 06:25:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:56, 18/01/2018 GMT+7

Danh tướng Trịnh Khả

Thứ 5, 18/01/2018 | 15:56:00 160 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt thông sử”, tháng 10-1424, nghĩa quân Lam Sơn ồ ạt tấn công vào Nghệ An. Trịnh Khả là một trong những tướng lĩnh may mắn được cầm quân tham gia cuộc tấn công quan trọng này. Sử cũ cho hay, ông trực tiếp đánh nhau với giặc “đến mấy mươi trận lớn nhỏ” và trận nào ông cũng là người “xung phong lên hãm giặc, lập công to”. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đánh giá rất cao tài năng và sự cống hiến đa dạng của Trịnh Khả.

Tháng 9-1426, một loạt tướng lĩnh Lam Sơn cùng trên 1 vạn nghĩa sĩ được lệnh hành quân ra Bắc, tiến sâu vào vùng còn tạm bị quân Minh chiếm đóng để vừa tổ chức những cuộc tấn công khi xét thấy có thể, vừa tìm cách uy hiếp sào huyệt lớn nhất của kẻ thù lúc đó là thành Đông Quan. Các tướng lĩnh và nghĩa sĩ khi ấy được chia làm 3 đạo khác nhau. Trịnh Khả vinh dự được cùng các tướng Phạm Văn Xảo, Lý Triện và Đỗ Bí, chỉ huy một trong số 3 đạo quân đó. Đạo quân của ông có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam của thành Đông Quan, đồng thời, sẵn sàng chặn đứng lực lượng viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam sang.

Minh họa: SH

Tuy chỉ vỏn vẹn trên 3.000 quân và 1 thớt voi, nhưng đạo quân thứ nhất do Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả, Lý Triện và Đỗ Bí chỉ huy đã lập được nhiều chiến công xuất sắc. Trong vòng 1 tháng, đạo quân này đã táo bạo đánh và thắng 3 trận lớn. Trận Ninh Kiều (nay thuộc xã Ngọc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây, TP. Hà Nội) diễn ra vào tháng 9-1426. Trận Nhâm Mục (nay thuộc huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội) diễn ra vào tháng 10-1426. Trận Xa Lộc (nay thuộc làng Tu Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) diễn ra vào tháng 10-1426.

Trịnh Khả là tướng chỉ huy hai trong số 3 trận nêu trên là trận Ninh Kiều và trận Xa Lộc. Ở trận Ninh Kiều, tướng Phạm Văn Xảo có công lừa giặc vào trận địa của ta, thì tướng Trịnh Khả cùng các tướng Lý Triện và Đỗ Bí đã có công chỉ huy phục binh, bất ngờ đánh cho Trần Trí một trận tơi bời. Giặc bị giết tại chỗ trên 2.000 tên và chủ tướng của chúng là Trần Trí phải hốt hoảng tháo chạy về Đông Quan. Ngay sau trận thắng lớn này, Ninh Kiều được nhanh chóng xây dựng thành một khu căn cứ rất lợi hại của Lam Sơn.

Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng thứ hai là sẵn sàng chặn đánh viện binh của giặc rất có thể sẽ tràn từ Vân Nam sang, các tướng chỉ huy đạo quân thứ nhất liền chia quân làm 2 bộ phận, đóng giữ ở 2 địa điểm khác nhau. Bộ phận thứ nhất vẫn đóng ở Ninh Kiều, do các tướng Lý Triện và Đỗ Bí cầm đầu. Bộ phận thứ hai tiến lên vùng Tam Giang (nay thuộc Phú Thọ), do Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ huy. Và Phạm Văn Xảo cùng với Trịnh Khả đã đánh thắng một trận lớn thứ hai ở Xa Lộc. Đây là trận tiêu diệt viện binh giặc do tướng Vương An Lão cầm đầu. Giặc bị giết tại trận trên 1.000 tên. Vương An Lão buộc phải chạy vào cố thủ trong thành Tam Giang.

Sau trận Xa Lộc, Phạm Văn Xảo và Trịnh Khả chỉ để lại một bộ phận nhỏ làm nhiệm vụ tiếp tục bao vây và uy hiếp thành Tam Giang, còn phần lớn lực lượng thì nhanh chóng rút về Ninh Kiều để chuẩn bị ứng phó với tình thế mới. Quả đúng như dự đoán, bấy giờ, Vương Thông được lệnh đem 5 vạn quân Minh sang cứu nguy. Tương quan lực lượng đôi bên nhanh chóng thay đổi theo hướng rất bất lợi cho Lam Sơn. Bấy giờ, đạo quân thứ nhất tuy đã có thêm sự tiếp ứng của các tướng Đinh Lễ và Nguyễn Xí, nhưng tất cả gộp lại vẫn còn quá nhỏ so với tổng số sĩ tốt của giặc. Trong điều kiện đó chỉ có khéo dùng mưu mới hy vọng giành được chiến thắng. Và cùng với các danh tướng như Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí, Đinh Lễ, Nguyễn Xí... Trịnh Khả đã góp phần quan trọng vào việc phá vỡ từng bước, để rồi cuối cùng là đập tan hoàn toàn mưu đồ của Vương Thông.

Thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Tốt Động - Chúc Động là thắng lợi to lớn chung của các tướng lĩnh và nghĩa sĩ Lam Sơn, trong đó, sự đóng góp của Trịnh Khả là rất quan trọng.

Lời bàn:

Trong sách “Đại Việt thông sử” có đoạn đánh giá về sự hợp đồng tác chiến của Trịnh Khả với các tướng của Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ XV như sau: Lúc bấy giờ, ông cùng Phạm Văn Xảo, Lý Triện, Đỗ Bí, Đinh Lễ... đều là danh tướng một thời, luôn đồng tâm hiệp lực, khi thì bí mật bất ngờ, khi thì công khai đối mặt, ứng biến thật khôn lường, thừa cơ thật đúng lúc. Tất cả nhanh như cắt, mạnh như tên, hễ đánh là thắng.

Căn cứ vào những tư liệu lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay và từ nội dung của giai thoại đã nêu cho hậu thế thấy rõ, Trịnh Khả là một danh tướng lỗi lạc, một con người trung thành, thanh liêm và tận tụy. Nhưng cũng tương tự như không ít trung thần và lương tướng đương thời ấy, Trịnh Khả chẳng khác gì cái gai trước mắt bọn tiểu nhân xu nịnh và ở địa vị dưới một người nhưng lại trên muôn người, nên ông đã phải trả cái giá bằng chính mạng sống của mình. Vẫn biết triều đình thương ông vô tội và đã minh oan, nhưng khi đó ông đã ngậm nỗi oan dưới chín suối được 2 năm. Tuy nhiên, tên tuổi và sự nghiệp của ông vẫn được người đương thời cũng như hậu thế mãi mãi tôn vinh.

N.D

  • Từ khóa
110008

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu