Thứ 2, 20/05/2024 08:39:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:43, 14/01/2018 GMT+7

Công thần chết oan

Chủ nhật, 14/01/2018 | 13:43:00 128 lượt xem

BP - Trịnh Khả người làng Kim Bôi, huyện Vĩnh Ninh, nay thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách “Đại Việt thông sử” thì tổ tiên của Trịnh Khả từng làm quan thời Trần và từng lập công khi đánh giặc Nguyên. Về thời trai trẻ của ông, sử cũ viết: Năm lên 16 tuổi, một hôm, ông dắt trâu đi cày về ngồi nghỉ trước cổng một ngôi chùa trên núi. Khi ấy, có viên tướng nhà Minh từ thành Tây Đô đến, thấy vẻ mặt ông thì ưa, liền bắt về làm gia nô. Ít lâu sau, hắn xem tướng ông và nói rằng: Thằng bé này mình rồng, mắt hổ, khỏe hơn cả mọi lính tráng trong ba quân. Ngày sau thế nào hắn cũng sẽ làm tướng. Một lúc sau hắn lại nói tiếp: Ngày sau, kẻ đánh đuổi ta tất phải là mày, phải trừ để khỏi lo về hậu họa.

Ông nghe thế thì sợ quá liền bỏ chạy, rồi bơi qua bên kia sông Mã, ẩn trong nhà người cô ở xã Diên Phúc. Quân Minh đuổi theo bắt mà không được, liền bắt cha ông là Trịnh Quyện cốt để buộc ông trở lại, nhưng cũng không xong. Giặc liền quẳng cha ông xuống sông. Đến đêm khuya, ông lẻn về vớt xác cha mang đi chôn. Từ đó, vừa xót thương cha vừa căm giận giặc, ông quyết chí báo thù.

Minh họa: S.H

Nghe tin Lê Lợi đang náu mình ở Lam Sơn, ngầm nuôi binh mã, ông liền vác gươm đến xin theo ngay. Đến với Lê Lợi, Trịnh Khả được tin dùng, rồi được phong làm Phó chỉ huy lực lượng quân Thiết Đột. Năm 1416, Trịnh Khả là một trong số 19 người tham dự Hội thề Lũng Nhai. Trịnh Khả là một trong những thành viên đầu tiên của chỉ huy Lam Sơn. Trải hơn 10 năm, Trịnh Khả luôn luôn là tướng trực tiếp cầm quân, chiến đấu một cách dũng cảm và mưu lược, lập được nhiều công lao xuất sắc. Sự nghiệp của Trịnh Khả có thể tóm lược qua mấy sự kiện lớn sau đây:

Ngày 7-2-1418, tức mồng 2 tết Mậu Tuất, Lê Lợi long trọng tổ chức lễ tế cờ, tuyên bố bắt đầu cuộc khởi nghĩa chống quân Minh đô hộ. 7 ngày sau, ngày 14-2-1418, từ thành Tây Đô, quân Minh do Đô đốc Chu Quảng cầm đầu đã mở cuộc tấn công đàn áp đầu tiên và có quy mô rất lớn vào Lam Sơn. Nghĩa quân Lam Sơn đã chiến đấu rất dũng cảm, nhưng do lực lượng vừa yếu lại thiếu kinh nghiệm trận mạc nên không sao chống cự nổi, đành phải rút lui về Mường Một. Giặc tức tối đuổi theo, Lê Lợi lại phải cho quân rút khỏi Mường Một và kéo về Lạc Thủy. Giặc lại hùng hổ kéo đến Lạc Thủy, hy vọng sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng Lam Sơn tại đây. Nhưng không may cho chúng, Lê Lợi đã bố trí một trận địa mai phục để chờ. Quân Minh bị đánh cho tơi bời, bị giết khoảng 3.000 tên và bị bắt sống chừng 1.000 tên nữa, buộc chúng phải tháo chạy thoát thân.

Bấy giờ, để trả thù và uy hiếp lòng tin của nhân dân đối với Lê Lợi, theo sự chỉ dẫn của tên Việt gian là Đỗ Phú, quân Minh liền kéo đến xứ Phật Hoàng, khai quật phần mộ của thân phụ Lê lợi, lấy cái tiểu đựng hài cốt mới cải táng đem đi. Chúng loan báo khắp nơi rằng, hài cốt của thân phụ Lê Lợi đã bị lấy rồi, ngôi huyệt đại phát của dòng họ Lê Lợi kể như không còn nữa, theo Lê Lợi thì chỉ đổ máu một cách vô ích mà thôi. Chúng đem tiểu đựng hài cốt của thân phụ Lê Lợi để trên một chiếc thuyền ở giữa sông, canh gác thật cẩn thận và tuyên bố rằng, nếu Lê Lợi muốn nhận lại hài cốt của thân phụ thì phải ra hàng!

Lê Lợi sai hai người là Trịnh Khả và Lê Bị, tức Bùi Bị đội cỏ, bơi dọc theo sông đến bến Dao Xá Thượng, rình lúc giặc ngủ say, leo lên thuyền lấy trộm cái tiểu đựng hài cốt đem về trình. Sự việc thành công, Lê Lợi mừng rỡ, trọng thưởng cho cả 2 người rồi rước cái tiểu ấy đem về xứ Phật Hoàng, táng lại như cũ. Mưu trả thù hèn mạt không thành, giặc liền quyết chí đánh vào Lam Sơn lần thứ hai. Trận đánh quá bất ngờ này của chúng đã khiến Lam Sơn tổn thất rất nặng nề. Vợ con và nhiều người trong gia thuộc của Lê Lợi bị giặc bắt. Không ít nghĩa sĩ Lam Sơn đã phải ngã xuống. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đưa toàn bộ lực lượng lên núi Chí Linh. Đây là cuộc rút lui lên núi Chí Linh lần thứ nhất. Từ đây, những ngày khó khăn gian khổ nhất của nghĩa quân Lam Sơn bắt đầu.

Lời bàn:

Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta thời phong kiến, Lê Lợi xứng danh là bậc đại anh hùng với tài năng quán thế, một nhà mô phạm lỗi lạc, một con người võ nghệ cao cường, một người anh dũng tuyệt luân. Vì thế, dưới trướng của ông là những dũng tướng tài ba nhất so với tất cả các triều đại. Trịnh Khả là một danh tướng có tài thao lược và là một trong những trụ cột của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn dưới sự chỉ huy của Lê Lợi. Ông cũng là một trong những bậc khai quốc công thần, làm quan dưới 3 triều vua Lê. Với những công lao to lớn, ông được gia phong là Hiển Ứng Vương Thượng đẳng phúc thần.

Tài năng và đức độ của Trịnh Khả đã được sách “Lịch triều hiến chương loại chí” chép lại rằng: Ông là bậc tể phụ đứng đầu, có tính thủ tín, thẳng thắn giữ phép công hết chức phận, lấy việc sửa lỗi cho vua, nhận lời chỉ bảo làm trách nhiệm của mình, biết điều gì cũng nói, lại dùng phép rất nghiêm, không ai có thể làm khác được. Thời ấy, các quan ai cũng sợ. Cũng chính từ đó, Trịnh Khả đã thành người có nhiều đối thủ gian thần. Và thảm kịch đã đến với gia đình ông, vì có kẻ gièm pha cha con ông làm phản nên cả hai đã bị giết hại. Thế mới biết câu nói của người xưa rằng: Khi thú săn không còn thì cung tên cũng bị bẻ làm củi, quả là không sai và chí ít cũng là đối với đại công thần Trịnh Khả ngày xưa.

N.D

  • Từ khóa
110006

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu