Thứ 7, 04/05/2024 06:51:25 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:00, 11/01/2018 GMT+7

Cái chết tức tưởi

Thứ 5, 11/01/2018 | 10:00:00 379 lượt xem
BP - Dù còn nhỏ tuổi nhưng vua Lê Thái Tông đã tỏ ra xuất sắc trong việc giành quyền lực về tay mình. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi được 17 tuổi, tháng 6, nhà vua xuống chiếu bắt Lê Sát, vì “thấy Lê Sát chuyên quyền”. Đến tháng 7, nhà vua bắt Lê Sát phải tự tử, con gái Lê Sát khi đó là nguyên phi Lê Ngọc Dao bị phế làm thứ dân, vợ con và gia sản đều bị tịch thu.

Minh họa: S.H

Sau khi Lê Sát chết, chức Tể tướng được trao cho Lê Ngân và vua cũng ban cho ông một người vợ lẽ của Lê Sát. Lê Ngân là người Lam Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa, theo Lê Lợi từ lúc khởi binh, cùng vua trải bao phen “nằm gai nếm mật”, từ lúc bị vây ở Ai Lao, khi hết lương ở Linh Sơn, hay lập chiến công trong các trận Bồ Đằng, Khả Lưu, Thuận Hóa, Tây Việt và công cuộc chiếm lại thành Đông Đô. Năm 1429, tại đợt xét công trạng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông được xếp hàng thứ tư trong danh sách khai quốc công thần, được phong tước Á hầu. Trước khi được phong Tể tướng, ông giữ chức Nhập nội Đại đô đốc, Phiêu kỵ Thượng tướng quân, Đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ty, Thượng trụ Quốc thượng hầu. Cùng với việc thăng chức cho Lê Ngân, con gái Lê Ngân là Chiêu nghi Lê Nhật Lệ cũng được nhà vua thăng làm Huệ phi.

Tuy nhiên, có ai ngờ rằng, việc được nhà vua sủng ái lại chính là bản án tử hình được chuẩn bị sẵn cho Lê Ngân với cùng kịch bản như Lê Sát. Sau khi Lê Sát bị giết mới 4 tháng, tháng 11 cùng năm, Lê Ngân cũng bị bắt và buộc phải tự sát, con gái ông bị vua phế bỏ. Tội danh của Lê Ngân có lẽ là tội danh kỳ lạ nhất trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam. Không phải là tội phản loạn, không phải sự lạm quyền như Lê Sát, mà là tội về “mê tín dị đoan”.

Nguyên nhân là do có người gièm pha với nhà vua rằng Lê Ngân lập bàn thờ Phật ở trong phủ để cầu cho con gái được vua yêu. Thời Lê, triều đình vốn sùng Nho giáo, bài Phật giáo. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” chép rằng: Vua ngự ra ở cửa Đông thành, sai Thái giám Đỗ Khuyển dẫn 50 võ sĩ lục soát nhà Lê Ngân, bắt được tượng Phật và các thứ vàng bạc, tơ lụa. Ngày hôm sau, Lê Ngân vào chầu, bỏ mũ ra để tạ tội, trần tình rằng: “Trước kia thần theo khởi nghĩa ở Lam Kinh, nay thần cũng nhiều bệnh, thầy bói bảo là trong nhà thần ở, trước đây có miếu thờ Phật, vì để ô uế nên xảy ra tai họa. Cho nên thần làm lại để thờ cúng”.

Sau đó, Lê Ngân cho rằng: Người vợ lẽ đã bị bỏ của thần là Nguyễn thị và người vợ lẽ của Lê Sát là Trần thị đã ban cho thần, cả hai đứa đều thù oán thần, cùng với đứa gia nô điêu ngoa của thần thêu dệt bày đặt cho ra chuyện đó. Tiên đế biết rõ lòng thần, thường vẫn ưu ái bao dung. Nay gân sức của thần đã mỏi mệt lắm rồi, xin cho được về quê để sống hết tuổi tàn còn lại. Nếu nghe những người xung quanh mà tra tấn người nhà của thần, khi bị đánh đau quá, nhất định chúng sẽ khai khác đi, xin bệ hạ nghĩ lại cho.

Vua không nghe, vẫn sai tra khảo nô tì trong nhà ông, rồi bắt ông tự chết ở nhà, tịch thu gia sản, giáng Huệ phi Nhật Lệ, con gái Lê Ngân làm Tư dung. Lê Ngân đành phải tự kết liễu cuộc đời đầy võ công hiển hách của mình bằng cách treo cổ. Mụ đồng Nguyễn thị bị đày ra châu xa. Thầy phù thủy Trần Văn Phương bị đồ làm lính ở phường nuôi voi.

Năm 1435, Lê Thái Tông mở khoa thi, lấy đỗ 2 người và đặc biệt, năm 1442, mở khoa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với lịch sử khoa cử Nho giáo, những người đỗ Thái học sinh được đổi là tiến sĩ và cũng bắt đầu tục khắc tên tiến sĩ vào bia Văn Miếu từ đó. Năm 1439 và 1441, nhà vua thân chinh cầm quân bình định miền Tây Bắc, dẹp yên nhiều cuộc chống đối. Tháng 7-1442, Lê Thái Tông mới 19 tuổi đã mất đột ngột tại trang trại Lệ Chi Viên, Hải Dương, kéo theo sự thảm sát đối với gia đình một vị khai quốc công thần nữa là Nguyễn Trãi. May cho hậu duệ của Lê Ngân là đến năm 1448, vua Lê Nhân Tông cho con của ông làm Đội trưởng quân Bảo ứng. Năm 1453, vua cấp cho con cháu Lê Ngân, Lê Sát, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục mỗi nhà 100 mẫu ruộng quan điền. Năm 1484, Lê Thánh Tông truy phong Lê Ngân chức Thái phó.

Lời bàn:

Người xưa có câu thành ngữ rằng: Làm bạn với vua như chơi với hổ. Hổ là loài mãnh thú và được mệnh danh là chúa tể sơn lâm. Đồng thời, hổ cũng là loài thú dữ ăn thịt tất cả loài động vật khác, chúng có thể tấn công gây nguy hiểm đến tính mạng con người bất cứ lúc nào. Vua là người có quyền lực tối cao thời phong kiến, có thể ra lệnh chém đầu ai đó bất kỳ lúc nào mà không cần biết đúng sai. Vì thế, ở bên cạnh vua là một điều nguy hiểm, mặc dù bình thường có thể được vua tin dùng và sủng ái nhưng chỉ cần có chút sơ sẩy, làm mất lòng vua, thì trong lúc bực tức vua cũng có thể ra lệnh xử tử lúc nào không hay, cũng giống như việc hổ vồ mồi ăn thịt vậy.

Hoàn cảnh của Tể tướng Lê Sát và Lê Ngân trong thoại này là một minh chứng cho câu thành ngữ đã nêu. Cả Lê Sát và Lê Ngân đều là Tể tướng và là đại công thần khai quốc bậc nhất của triều đình nhà Lê thời đó. Thế nhưng, chỉ vì trái ý vua mà cả hai đều phải kết thúc cuộc đời đầy hiển hách của mình một cách tức tưởi. Thế mới hay rằng, quan lộ từ xưa đến nay không hề bằng phẳng đối với bất cứ ai. Chỉ có những người biết mình là ai và biết thế nào là đủ để dừng đúng lúc mới là người thức thời.

N.D

  • Từ khóa
110005

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu